Như đã đưa tin, ngày 8/10, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố chính thức thỏa thuận lớn về cải cách hệ thống thuế toàn cầu. OECD là 1 diễn đàn dành cho các quốc gia thành viên cũng như các nước không phải thành viên cùng nhau bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề kinh tế chung. Hiện OECD có 38 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao như Úc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ…
Bước đột phá đàm phán về thuế
Với việc Estonia, Hungary và Ireland đồng ý tham gia thỏa thuận vào ngày 8/10, 136 khu vực pháp lý, trong số 140 quốc gia và khu vực tham gia đàm phán, đã thông qua và ban hành Tuyên bố về Giải pháp hai trụ cột đối phó với thách thức thuế từ nền kinh tế số. Bốn quốc gia gồm Kenya, Nigeria, Pakistan và Sri Lanka hiện vẫn chưa đồng ý tham gia. Tuyên bố được cập nhật và hoàn thiện từ một thỏa thuận chính trị từng diễn ra trong tháng 7 của OECD nhằm cải cách cơ bản các quy tắc thuế quốc tế.
Trên thực tế, chủ đề cải cách thuế toàn cầu không phải là mới, đã được tiến hành trên các bàn đàm phán kể từ hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng thỏa thuận được hoàn tất ngày 8/10 vừa qua của OECD mang tính bước ngoặt lớn, bởi đạt được 136 quốc gia và khu vực pháp lý đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu cùng "gật đầu" đồng ý.
Giải pháp 2 trụ cột
Tuyên bố xây dựng giải pháp cải cách hệ thống thuế toàn cầu gồm hai trụ cột chính. Giải pháp hai trụ cột sẽ được tiếp tục đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 tại Washington D.C vào ngày 13/10, sau đó là Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Rome vào cuối tháng 10.
Trụ cột thứ nhất sẽ đảm bảo phân phối lợi nhuận và quyền đánh thuế công bằng hơn giữa các quốc gia đối với các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất thế giới.
Thỏa thuận sẽ phân bổ lại một số quyền đánh thuế của các quốc gia nơi mà doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) đặt trụ sở chính và quốc gia nơi họ tiến hành hoạt động kinh doanh kiếm lợi nhuận. Thỏa thuận đảm bảo rằng các doanh nghiệp này sẽ trả khoản thuế công bằng ở bất cứ nơi nào họ hoạt động kinh doanh, thay vì chỉ ở nơi học đặt trụ sở chính như quy định trước đó. Trụ cột này đặc biệt nhắm tới nhóm GAFA - những tập đoàn quốc tế hàng đầu về công nghệ như Google, Amazon, Facebook và Apple, cùng các tập đoàn đa quốc gia, bởi họ có nhiều thị trường kinh doanh và sản xuất trên thế giới bên ngoài quốc gia đặt trụ sở chính.
Cụ thể, phạm vi áp dụng trụ cột thứ nhất là các công ty đa quốc gia, với tổng doanh thu toàn cầu trên 20 tỷ Euro, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/doanh thu trên 10% có thể được coi là những người chiến thắng trong tiến trình toàn cầu hóa. Họ sẽ được áp dụng các quy định mới với mức 25% lợi nhuận trên ngưỡng 10% phải phân bổ lại thị trường. Mức ngưỡng doanh thu sẽ được giảm xuống 10 tỷ Euro nếu áp dụng thành công trong 7 năm đầu tiên sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Các ngành khai khoáng, dịch vụ tài chính và vận tải quốc tế được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng.
Ước tính theo Trụ cột một, thỏa thuận sẽ phân bổ lại hơn 125 tỷ USD mỗi năm từ khoảng hơn 100 MNEs lớn nhất trên thế giới cho các thị trường pháp lý.
Trụ cột thứ hai đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15%.
Mức thuế tối thiểu mới sẽ áp dụng cho các công ty có doanh thu trên 750 triệu Euro và ước tính tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu cho các quốc gia hàng năm. Các lợi ích khác cũng sẽ phát sinh từ sự ổn định của hệ thống thuế quốc tế, tăng tính chắc chắn về thuế cho người nộp và cơ quan quản lý. Không chỉ ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy"- tức việc các nước đua nhau giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp, thỏa thuận này còn kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các tập đoàn xuyên quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Nhận định về thỏa thuận mới
Trên thực tế, thỏa thuận còn phải trải qua nhiều “cửa ải” để chính thức có hiệu lực, vì mỗi quốc gia và khu vực tham gia có quy trình phê duyệt và triển khai riêng. Song, việc 136 quốc gia và khu vực pháp lý đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu cùng đồng ý với bản kế hoạch là một bước đột phá lớn về tương lai chính sách thuế sẽ công bằng hơn trên quy mô toàn thế giới.
Theo Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhận định “Thỏa thuận hôm nay sẽ giúp các thỏa thuận thuế quốc tế trở nên công bằng hơn và hoạt động tốt hơn”. “Đây là một thắng lợi lớn của chủ nghĩa đa phương hiệu quả và cân bằng. Đây là một thỏa thuận sâu rộng đảm bảo hệ thống thuế quốc tế phù hợp với mục đích trong nền kinh tế thế giới được số hóa và toàn cầu hóa. Bây giờ việc của chúng ta phải làm là nhanh chóng thực hiện và đảm bảo hiệu quả cuộc cải cách lớn này”.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen rằng thỏa thuận là “một thành tựu quan trọng về ngoại giao kinh tế của cả một thế hệ”. Bà hoan nghênh nhiều quốc gia đã “quyết định chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp” và bày tỏ mong muốn rằng Quốc hội Mỹ sẽ nhanh chóng thông qua để thỏa thuận có hiệu lực tại nước này.
“Thực tế, nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên dễ dàng hơn để kiếm việc làm, kiếm sống, hoặc mở rộng quy mô kinh doanh”, bà Yellen nhận định thêm.
Phạm Thu Thanh (theo Tax Foundation, OECD)