Sáng nay (11/11), Đại học VinUni đã tổ chức hội thảo khoa học Marketing với chủ đề Marketing đích đến, và xây dựng thương hiệu điểm đến cho phát triển bền vững. Giáo sư David Reibstein, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ, người dẫn dắt hội thảo đã cung cấp những góc nhìn để tạo dựng thương hiệu quốc gia.
Trong quá trình nghiên cứu và khảo sát của mình chuyên gia khẳng định rằng thương hiệu là cần thiết cho một điểm đến, một quốc gia bởi sản phẩm xuất phát từ đâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bán sản phẩm.
Ở đây ông Reibstein đưa ra câu hỏi tại sao các công ty lại đầu tư vào thương hiệu? Nguyên nhân là do nó có mối quan hệ giữa giá bán và số lượng bán.
“Khi có thương hiệu giá bán sản phẩm sẽ cao hơn, hình ảnh của công ty được nâng cao, vì vậy các công ty mong muốn tạo ra thương hiệu để có giá bán tốt hơn và làm tăng nhu cầu người mua cho sản phẩm”, chuyên gia phân tích.
Nhưng thương hiệu không chỉ có ở các doanh nghiệp mà ngay các vùng địa lý cũng có những hình ảnh của riêng mình và tác động đến kinh tế chính địa phương đó.
Ông David Reibstein chia sẻ: “Mỗi quốc gia hay điểm đến khi tăng thương hiệu sẽ giúp phát triển du lịch từ đó tác động đến ngoại thương, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Chúng ta cần quan tâm đế thương hiệu nước mình không chỉ vì bản sắc mà còn vì tác động kinh tế”.
Trước quan điểm này, chuyên gia đưa ra ví dụ so sánh những sản phẩm có chất lượng giống nhau nhưng xuất xứ ở các quốc gia có thương hiệu sẽ tạo ra sự canh tranh. Cùng với đó ông cũng cung cấp những phân tích theo kết quả nghiên cứu của dự án những quốc gia có thương hiệu tốt nhất (Nation Branding).
Nghiên cứu này khảo sát 20 nghìn người và đo lường nhận thức của họ về những đặc tính của thương hiệu của một quốc gia. Có 78 tiêu chí để đánh giá thương hiệu của một quốc gia.
Trong số đó phải kể đến tiêu chí sự nhanh bén, năng động, dễ thích nghi của mỗi quốc gia; tinh thần khởi nghiệp; chất lượng cuộc sống; tính độc bản, độc đáo; mục tiêu xã hội; ảnh hưởng của văn hoá; môi trường cởi mở, thuận lợi cho doanh nghiệp, không tham nhũng; sức mạnh về mặt quân sự; đánh giá về các di sản,…
Cụ thể, theo nghiên cứu trên vào năm 2016, 3 nước đức đầu là Đức, Canada, Anh. Nhưng sang năm 2017, Đức lại rơi vào vị trí số 4, một trong những nguyên nhân mà chuyên gia kể đến là do họ mới mở cửa đón người tị nạn gây bất ổn chính trị, và liên quan đến scandal về dữ liệu rác thải. Điều này gây tổn thất giá trị thương hiệu của quốc gia khi không minh bạch thị trường đầu tư.
Cũng tại năm này, Mỹ từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 7 vì chiến dịch bầu cử tổng thống của nước này.
Đối với xếp hạng của Việt Nam tại thời điểm khảo sát mới đây nhất chúng ta đứng vị trí số 47 trong 85 quốc gia.
Giáo sư David Reibstein bày tỏ: “Việc thăng hạng trên bảng xêp hạng cần phải chú trọng phát triển từng tiêu chí. Newzealand, Úc, Nhật Bản là những nước đánh giá Việt Nam là điểm đến yêu thích của họ”.
Khi so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á phần lớn mọi người đều cho rằng đây là nơi có chi phí sản xuất thấp, bề dày lịch sử, đồ ăn ngon, và có lực lượng quân sự hùng mạnh.
Cũng tại hội thảo, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao những giá trị mà hội thảo mang lại và hy vọng sẽ giúp ích cho việc tạo dựng thương hiệu của Việt Nam.
“Nhiều người nói Việt Nam đang là ngôi sao đang lên, hội nhập rất sâu với thế giới, điểm đến của Việt Nam không ngừng được bồi tụ và biết đến. Chúng tôi đánh giá cao những sáng kiến của thế giới đem đến Việt Nam để chúng tôi trở thành địa điểm đáng đến”, ông Siêu bày tỏ.
Đại diện Tổng cục Du lịch cũng cho rằng khi chúng ta định vị được thương hiệu điểm đến và toả sáng sẽ đem lại được giá trị cho những ngành khác nhau không chỉ du lịch.