Cúng sao giải hạn không có trong giáo lý Phật giáo
Mỗi năm đều đặn cứ sau dịp Tết Nguyên đán, tại nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở tỉnh Ninh Thuận, người dân lại tấp nập rủ nhau đi cúng sao giải hạn. Nếu đi bất cứ lễ đền hoặc chùa nào vào mùng 8 tháng Giêng sẽ thấy nhan nhản những bàn đăng ký “dâng sao, giải hạn” mọc lên khắp nơi ở các khu vực hành lễ.
Có nhiều người bỏ ra từ vài trăm nghìn cho đến hàng triệu đồng để “dâng sao giải hạn” cho cả gia đình. Hay hiện nay có tồn tại một số cơ quan, doanh nghiệp mời cả thầy cúng về để “giải hạn” với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng đến tâm lý và công việc của cán bộ, công nhân viên và người lao động. Cách làm này đã tiếp tay cho các hủ tục mê tín dị đoan ngày càng lan rộng hơn.
Để hiểu thêm về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Hạnh Thể, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Thuận.
Thượng tọa Thích Hạnh Thể cho hay: “Việc dâng sao giải hạn đã tồn tại từ lâu đời trong dân gian chứ không có trong đạo Phật”.
Theo tìm hiểu của PV, tín ngưỡng này nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, tức là của Lão tử, Trung Quốc.
Tam tạng kinh điển Phật giáo không đề cập đến việc dâng, cúng sao để giải hạn. Đức Phật không hề dạy cúng sao giải hạn và các đồ đệ của Ngài chưa bao giờ tìm thấy lời đức Phật dạy về cúng sao giải hạn. Thế nhưng, khi nhu cầu “dâng sao, giải hạn” tăng mạnh, một số chùa vẫn tiến hành các công việc với cái gọi là “tín ngưỡng dân gian”.
Cũng theo Thượng tọa Thích Hạnh Thể, đạo Phật không nói về việc cúng sao giải hạn mà chỉ có lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian.
"Ở chùa Bửu Vân của tôi, nhà chùa làm hoa quả, hoa nghi cúng Phật, có cái gì thì dâng lên cúng Phật chứ không có lễ giải sao hoặc nghi thức nào khác cả. Không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì, tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên”, Thượng tọa Thích Hạnh Thể chia sẻ.
Cúng sao chỉ là mê tín
Do đời sống bất ổn, rủi ro trong giao thông ngày càng nhiều, bệnh tật tăng đột biến đã khiến tập quán dâng sao, giải hạn không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu, trở nên mê tín và bị lạm dụng. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về nhà làm lễ cho gia đình.
Khi PV hỏi Phật tử làm như vậy đã đúng theo đạo Phật hay chưa thì Thượng tọa Thích Hạnh Thể buồn bã nói: “Việc nhiều sư thầy sẵn sàng nhận tiền của Phật tử để về nhà làm lễ cúng sao giải hạn đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà chùa. Việc cúng chỉ nên làm ở chùa như vậy sẽ ít tốn kém tài chính của Phật tử”.
Thượng tọa Thích Hạnh Thể cũng thẳng thắn nói: “Thay vì dâng sao giải hạn thì Phật tử nên sống tốt bằng việc ứng xử tốt với tất cả mọi người, quan tâm tới thiện tâm. Phải xây dựng lối sống lành mạnh trong vật chất cũng như lành mạnh trong tinh thần thì cuộc sống sẽ tốt hơn”.
Cuộc sống xô bồ, bon chen, tranh đua đã tác động lên giới trẻ và tác động đến lòng tham trong mỗi người. Họ cứ tin rằng, nếu có lễ dâng lên Phật, thần thánh, chắc chắn sẽ được độ trì.
“Đức phật có câu “phước thắng số”, nghĩa là chúng ta hãy sống và làm nhiều việc thiện như thế tự khắc sẽ giải được hạn chứ đừng chăm bẵm vào việc cúng sao để giải hạn. Đức Phật chưa bao giờ nói về những ngôi sao chiếu mạng, Ngài chỉ dạy chúng ta về luật nhân quả. Thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên”, Thượng tọa Thích Hạnh Thể nói.
Cũng đã đến lúc, chính quyền các cấp phải lên tiếng và can thiệp nhằm bảo vệ sự trong sáng của tín ngưỡng. Hơn bao giờ hết, những tệ nạn mê tín cần phải được dẹp bỏ để trả lại sự yên bình của một đời sống tâm linh vốn có của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa.