Mới đây, báo chí Trung Quốc đưa tin về trường hợp của cậu bé Tiểu Minh (9 tuổi) ở Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc có thói quen xấu là cắn móng tay. Mặc cho bố mẹ và thầy cô nhắc nhở nhưng Tiểu Minh vẫn không kiên trì bỏ được tật xấu này. Chính điều này đã khiến cậu bé rơi vào cảnh nhiễm trùng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Một ngày, phát hiện ngón tay chảy mủ, đau nhức Tiểu Minh mới báo cho mẹ biết. Lúc này, khi kiểm tra tay con, mẹ Tiểu Minh mới phát hiện các khớp ngón tay của con đã sưng tấy, đỏ ửng, chảy mủ rất đau.
Qua hai ngày vệ sinh sạch sẽ, bôi thuốc mỡ chống viêm nhưng không có dấu hiệu cải thiện, bố mẹ mới đưa Tiểu Minh đến một phòng khám địa phương để khám chữa.
Tại đây, họ bàng hoàng khi nghe chẩn đoán rằng tình trạng bệnh của Tiểu Minh đã tiến triển thành viêm tủy xương, nếu không cải thiện thì e rằng phải cắt cụt chi để bảo toàn mạng sống. Họ cũng khuyên bố mẹ nên đưa em đến bệnh viện lớn để điều trị mới mong có kết quả tốt.
Tiểu Minh được mẹ đưa đến Bệnh viện số 6 Ninh Ba. Các bác sĩ ở đây phát hiện đầu ngón thứ hai của bàn tay trái bị sưng tấy, móng tay tiếp tục rỉ mủ, đau nhức rõ ràng nên đã phẫu thuật cho cậu bé để xử lý. Rất may, cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, Tiểu Minh đã qua cơn nguy hiểm và đang hồi phục dần.
Qua trường hợp của Tiểu Minh, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên bỏ ngay thói quen cắn móng tay, nếu không có thể gặp phải những hậu quả khôn lường. Dưới đây là một số tác hại của việc cắn móng tay:
Ảnh hưởng đến răng: Thường xuyên cắn móng tay có thể gây tổn thương vĩnh viên cho răng, thậm chí là nướu răng, khiến răng bị mẻ, nứt và lệch hàm. Ngoài ra, răng của người có thói quen cắn móng tay còn dễ bị lệch hoặc lung lay và rụng.
Làm xấu móng tay: Thói quen cắn móng tay sẽ khiến độ dài móng ngày càng thay đổi, ngắn dần, hình dạng của móng tay từ đó cũng thay đổi vĩnh viễn.
Ngoài ra, thói quen này còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mé (paronychia). Móng tay bị xước lâu ngày do cắn móng tay, tạo cơ hội cho vi khuẩn và nấm xâm nhâp rồi gây bệnh.
Người bệnh có cảm giác đau đớn, sưng phù ngón tay và phải điều trị bằng thuốc kháng khuẩn, nếu nặng thì có thể phải phẫu thuật.
Hôi miệng: Ngay cả khi rửa thường xuyên, bạn không thể đảm bảo đã loại bỏ được tất cả vi trùng và bụi bẩn khỏi móng tay. Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào miệng thông qua hành động cắn móng tay, sau đó tồn tại và sinh sôi trong khoang miêng, gây bệnh nướu răng và chứng hôi miệng.
Gây bệnh về tiêu hóa: Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào miệng có thể tìm đường xuống ruột, gây nhiễm trùng dạ dày và ruột, dẫn đến triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột. Đặc biệt, móng tay chứa rất nhiều loại vi khuẩn có hại, nguy hiểm nhất là chùm vi khuẩn enterobacteriaceae, bao gồm khuẩn salmonella và E.coli.
Bị nổi mụn trên mặt: Vi khuẩn gây mụn cóc có thể xâm nhập vào các vết nứt, xước cực nhỏ ở vùng da xung quanh móng tay. Nếu bạn cắn móng tay làm xước da rồi vô tình chạm lên mặt, vi khuẩn có thể bám vào mặt và gây mụn cóc, nhất là ở khu vực gần môi.
Có thể gây đau đầu kinh niên: Cắn móng tay có thể dẫn đến tình trạng nghiến răng khi ngủ do thói quen này giống như một biểu hiện của căng thẳng và sẽ đi kèm với những thói quen xấu khác như nghiến răng. Chứng nghiến răng hoặc nghiến răng không chủ ý có thể gây đau hàm, căng cơ, đau quanh mặt và đau đầu mãn tính.
Lam Anh (t/h theo Kiến Thức, VTC)