Câu chuyện 21.000 lao động nữ trên cả nước nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ bị giảm 4 – 10% lương hưu đang làm nóng nghị trường Quốc hội và xôn xao dư luận.
Đem vấn đề này trao đổi với bộ LĐ,TB&XH - cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, việc làm và bảo trợ xã hội, chúng tôi được Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ nhiều thông tin bổ ích.
Thưa Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện dư luận đang xôn xao về việc từ 1/1/2018 tới đây, Điều 56, luật Bảo hiểm Xã hội 2014 bắt đầu có hiệu lực sẽ làm giảm 4 – 10% lương hưu của những lao động nữ so với cách tính trước đây. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ, để giữ ổn định, cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn thì đây cũng là một biện pháp phải sử dụng. Tuy nhiên, ngoài sự cần thiết của chính sách thì người làm chính sách cần tính đến các biện pháp làm giảm “sốc” cho chính sách khi ban hành.
Việc đột ngột áp dụng cách tính lương hưu mới khiến người lao động ngay tức thì mất đi một khoản thu nhập và tạo ra sự chênh lệch giữa những lao động nữ có thời điểm về hưu khác nhau. Nói như lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là có người sinh sau một ngày bị giảm đến 10% lương hưu là quá nhiều.
Theo tôi cần tính toán lại sao cho có giảm thì mỗi năm chỉ giảm 0,1 đến 0,2% là cùng. Nếu tăng thời gian đóng BHXH thì nên học tập các nước, tăng dần từ 3 tháng, 6 tháng... chứ không phải ngay một lúc tăng 5 năm như chúng ta hiện nay. Có như vậy dư luận mới không bị sốc vì chính sách mới.
Có ý kiến cho rằng chính sách lương hưu mới này tạo ra sự bất bình đẳng về giới khi có lộ trình tăng thời gian đóng BHXH từng năm cho nam nhưng lại áp dụng ngay cho nữ. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ bất bình đẳng hay không tùy thuộc vào góc nhìn. Trong trường hợp này, nam giới cũng không được ưu ái gì hơn. Cụ thể, từ năm 2018 trở đi thì lao động nữ có 15 năm đóng BHXH đã được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, trong khi để được hưởng mức này lao động nam cần những 16 năm.
Cũng từ 2018, lao động nữ đóng BHXH 30 năm đã được hưởng mức 75% trong khi lao động nam cần phải đóng 31 năm. Tôi nghĩ sự bất bình đẳng ở đây chỉ là giữa những lao động nữ có thời điểm về hưu khác nhau.
Là cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, việc làm và chính sách xã hội, xin ông cho biết bộ LĐ,TB&XH sẽ làm gì để khắc phục điều này, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động?
Có thể nói tỉ lệ hưởng lương hưu 75% mức lương bình quân đóng BHXH hiện nay của Việt Nam là hào phóng nhất thế giới, không nước nào có mức hưởng cao như vậy. Theo tôi được biết, mức hưởng lương hưu trung bình của Mỹ là 40%.
Thế nhưng, chính sách lương hưu của các nước trên thế giới vẫn đảm bảo mức sống cho lao động về hưu bởi vì chính sách của họ chặt chẽ hơn, ưu việt hơn. Ngoài đảm bảo yếu tố công bằng đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít, nó còn đảm bảo các yếu tố ổn định, cân bằng trong xã hội.
Hiện nay, bộ LĐ,TB&XH chuẩn bị trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội đề án cải cách tiền lương. Tinh thần của đề án này là điều chỉnh thang bảng lương hiện nay, từ lương cơ sở đến lương hưu. Nguyên tắc chúng tôi hướng đến khi xây dựng hệ thống lương mới là đảm bảo nguyên tắc phân phối công bằng đóng nhiều hưởng nhiều, ngoài ra vẫn phải đảm bảo giữ cho quỹ lương, quỹ hưu trí được cân đối bền vững và đề cao tính chia sẻ trong cộng đồng.
Chúng ta cũng biết, khi còn trẻ mọi người dân đã có khoảng cách về chênh lệch giàu nghèo thì chính sách hưu trí phải làm như thế nào đó để rút ngắn khoảng cách này khi về già vì lúc này nhu cầu giữa những người già với nhau đã có sự tương đồng nhiều hơn khi còn trẻ. Thu hẹp khoảng cách lương hưu làm tăng tính chia sẻ, nếu làm được thì sau này sẽ không còn trường hợp giám đốc doanh nghiệp về hưu lương hơn 100 triệu đồng còn cô giáo cống hiến cả đời chỉ 1,3 triệu đồng.
Ông đánh giá như thế nào về lực lượng lao động hiện nay? Việt Nam đã bước vào giai đoạn dân số già chưa? Chính sách cho phép sinh con thứ 3 mà cơ quan dân số đang bàn thảo liệu có gây ra hệ lụy xã hội gì không?
Hiện nay Việt Nam đã sắp bước qua giai đoạn dân số vàng và chuẩn bị bước vào giai đoạn dân số già. Câu chuyện có cho phép sinh con thứ 3 hay không là vấn đề của cơ quan quản lý dân số, tuy nhiên tôi mừng là chúng ta đã sớm nhìn ra thực trạng dân số và lao động của mình để có giải pháp đón đầu.
Ở một số quốc gia dân số già hiện nay, ví dụ như Nhật Bản, rất nhiều hợp đồng kinh tế đã không thể thực hiện, nhưng không phải vì vấn đề sản phẩm hay thị trường mà vì lý do thiếu hụt lao động. Điều này gây ra một sự lãng phí khủng khiếp nguồn lực trong xã hội. Do đó chúng ta cần dự trù sớm điều này.
Việc sinh con thứ 3 có gây gánh nặng cho xã hội không thì tôi nghĩ rằng chính sách nào cũng đều có tính hai mặt. Tuy nhiên tôi quan niệm người làm ra của cải chứ của cải không làm ra người. Nếu xã hội được cung cấp thêm một lực lượng lao động thì lực lượng này sẽ làm ra nhiều sản phẩm, cân đối lợi ích thì vẫn có lợi hơn so với gánh nặng xã hội mà họ để lại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!