Khởi nguồn của tội ác
“Hãy mang nó đi đi”, đó là câu nói đầu tiên Mary Bell được nghe ngay khi cô có mặt trên thế gian này. Đau lòng hơn, câu nói ấy lại từ chính người mẹ đã mang nặng đẻ đau cô suốt 9 tháng ròng rã, Betty, một cô gái mại dâm mới chỉ 16 tuổi.
Từ sau khi sinh con, Betty thường xuyên vắng nhà bởi những chuyến đi “công tác” đến Glassgow – và đây cũng chính là khoảng thời gian yên bình nhất đối với Mary vì không phải chịu những trận đòn roi, lời lẽ cay độc từ người mẹ của mình.
Không hiểu lý do vì sao, trong quãng thời gian sống với mẹ, Mary rất hay gặp tai nạn, khi thì ngã từ cửa sổ, lúc lại bị hôn mê vì dùng thuốc ngủ quá liều. Một số người cho rằng, đó không chỉ đơn thuần là những tai nạn ngoài ý muốn mà chính là cách Betty muốn “loại bỏ” đứa con ra khỏi cuộc đời mình. Tuy nhiên, cũng có người nói rằng, Betty mắc hội chứng Munchausen – hội chứng người bệnh muốn thu hút sự chú ý, thương hại thông qua những vụ tai nạn của người thân.
Sự mất mát đầu tiên mà Mary phải trải trong đời đó khi cô đã chứng kiến một người bạn 5 tuổi của mình bị xe bus đâm chết. Sự ảnh hưởng tâm lý cộng thêm những trận đòn roi không ngớt của người mẹ, Mary dần trở thành một đứa trẻ kỳ lạ và có nhiều hành động thể hiện xu hướng bạo lực.
Nỗi ám ảnh về bạo lực và cái chết
Trong nhiều tuần trước khi xảy ra vụ giết người đầu tiên của Mary, cô đã có những hành động vô cùng kỳ lạ. Ngày 11/5/1968, trong khi chơi với Mary, cậu bé 3 tuổi bỗng nhiên bị thương nặng do bị ngã từ trên cao xuống. Dẫu vậy, bố mẹ cậu nhóc chỉ nghĩ đó là một vụ tai nạn mà thôi.
Tuy nhiên, suy nghĩ của họ bị phá vỡ ngay ngày hôm sau khi phát hiện ra Mary đã cố siết cổ đứa con gái thứ hai. Một cuộc nói chuyện và chấn chỉnh hành vi đạo đức đã diễn ra với Mary nhưng không có sự trừng phạt nào hết.
Ngày 25/5, khi đó Mary tròn 11 tuổi, cô ta đã ra tay siết cổ Martin Brown 4 tuổi đến chết trong một ngôi nhà bỏ hoang ở Scotwood, Anh rồi thản nhiên bỏ đi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Khi cảnh sát đến hiện trường, họ chỉ phát hiện một ít máu và nước bọt trên mặt của nạn nhân, ngoài ra không có dấu hiệu khả nghi của bạo lực hay khống chế nào hết. Bên cạnh thi thể, cảnh sát phát hiện ra một lọ thuốc giảm đau đã hết, chính vì vậy cơ quan điều tra đã kết luận Martin đã không cẩn thận nuốt phải những viên thuốc rồi qua đời.
Không lâu sau, Mary cùng người bạn của mình là Norma đã đột nhập vào trường mẫu giáo và để lại những lời nhắn rằng chúng là kẻ đã sát hại Martin với lời cảnh báo sẽ ra tay lần nữa. Cảnh sát khi đó cho rằng chỉ là trò đùa của một đứa trẻ nghịch ngợm. Còn phía trường mẫu giáo, họ vô cùng lo lắng và quyết định lắp đặt hệ thống giám sát. Có thể nói, đó là một lựa chọn thông minh vì Mary và Norma bị bắt bởi chính hệ thống giám sát đó. Tuy nhiên, Mary và Norma chỉ lảng vảng gần khu vực trường mẫu giáo nên cảnh sát không đủ chứng cứ kết tội.
Trong khoảng thời gian ấy, Mary không ngừng khoe việc cô đã giết Martin Brown như một chiến công hiển hách với các bạn cùng trang lứa. Nhưng vì thái độ quá tự tin và hống hách khiến tất cả mọi người xung quanh chỉ nghĩ đó là lời bịa đặt. Mọi chuyện dần nghiêm trọng hơn khi xuất hiện thêm một bé trai bị sát hại.
Ra tay lần thứ hai
Ngày 31/7, hai tháng sau vụ giết người đầu tiên, Mary Bell và Norma đã giết Brian Howe 3 tuổi bằng cách tương tự với Martin. Tuy nhiên, sau khi sát hại Brian, cô ta đã dùng kéo đâm liên tục vào cơ thể cậu bé. Cuối cùng, cặp đôi thản nhiên rời khỏi hiện trường.
Đáng sợ hơn, khi người chị của Brian chạy đi khắp nơi tìm kiếm cậu em trai, Mary và Norma đã vô cùng nhiệt tình phụ giúp. Thậm chí Mary còn chỉ cho chị của Brian lật khối bê tông, nơi cô ta che giấu thi thể của nạn nhân nhưng Norma đã ngăn cản. Người chị của Brian cũng không hề nghi ngờ lời nói của Norma mà tiếp tục truy tìm những chỗ khác nhưng chỉ nhận về sự vô vọng.
Nhiều tháng sau, thi thể của Brian được phát hiện, khi đó cả khu phố đã trở nên hoảng loạn. Cảnh sát bắt đầu lấy lời khai của các trẻ em trên địa phương với hy vọng một đứa trẻ nào đó sẽ nhìn thấy một điều gì đó khả nghi.
Mọi chuyện dần sáng tỏ khi đội ngũ pháp y phát hiện ra chữ “M” được khắc trên thi thể của nạn nhân bằng một vật dụng sắc nhọn. Tuy nhiên, họ nhận ra độ sâu của những vết thương khá nông, như thể sức lực của một đứa trẻ vậy. Đó cũng chính là điều khiến cảnh sát lạnh gáy khi nghĩ đến: Nghi phạm là một đứa trẻ.
Mọi chuyện tưởng chừng như đang dần trở nên vô vọng thì một cậu bé đã lên tiếng về việc nhìn thấy Mary và Norma đi cùng Brian. Tại cơ quan điều tra, Norma và Mary có hai thái độ hoàn toàn khác nhau. Norma tỏ ra tự tin, hào hứng với vụ án còn Mary thì lo lắng, có thái độ lảng tránh. Vào ngày chôn cất Brian, Mary cùng có mặt tại đám tang, thậm chí có người còn nhìn thấy nụ cười quái dị có phần thỏa mãn khi cô ta tận mắt thấy Brian trong quan tài.
Trong buổi lấy cung lần thứ hai, linh tính được tội ác của mình đã bị phát hiện, Mary đã khai báo với cảnh sát rằng cô trông thấy một cậu bé 8 tuổi đã đánh Brian vào ngày tử vong. Không những vậy, cậu bé đó còn mang theo một cây kéo hỏng.
Mary không ngờ rằng, chính chi tiết đó đã tố cáo cô ta là hung thủ vì chi tiết thi thể Brian bị tổn thương bởi kéo cảnh sát chưa hề công bố với báo chí truyền thông.
Tại phiên tòa xét xử, công tố viên nói với tòa án rằng lý do Mary thực hiện vụ giết người chỉ để thỏa mãn niềm vui và sự phấn khích khi làm tổn thương người khác. Lúc này, báo chí Anh đã gọi cô là “Đứa con của ác quỷ”.
Phiên tòa xét xử
Tháng 12/1868, Mary bị kết tội Ngộ sát chứ không phải Giết người vì chuyên gia tâm lý đã chỉ ra cô ta có dấu hiệu của hội chứng rối loạn đa nhân cách và không làm chủ được hành vi của bản thân. Còn Norma được trắng án vì được coi là “nạn nhân” chịu ảnh hưởng xấu của Mary.
Tòa án kết luận Mary là một phần tử nguy hiểm và đem lại mối nguy hại cho những đứa trẻ khác trong xã hội. Vì gây án ở lứa tuổi quá nhỏ nên Mary được nhận bản án đặc biệt có tên “Her Majesty’s pleasure” – bản án không có thời gian cố định mà phạm nhân chỉ được thả ra khi chính phủ nhận thấy họ đủ tiêu chuẩn.
Năm 1980, Mary Bell được ra tù nhưng thực chất cô vẫn đang phải chịu giám sát chặt chẽ của cảnh sát địa phương sau một khoảng thời gian được điều trị và giáo dục nhân cách.
Chính phủ đã “trao” cho Mary Bell một thân phận mới và cơ hội mới để cô làm lại cuộc đời mình. Mặc dù vậy, tội ác và khuôn mặt của cô vẫn luôn bị nhận ra và phải chịu những lời chửi rủa, đay nghiến của những người xung quanh.
Không còn giống một con quỷ trong quá khứ, Mary đã học được cách kiềm chế và kiểm soát được hành vi của bản thân. Tất cả những gì Mary có thể làm là âm thầm chuyển nhà đi chỗ khác mỗi khi có người phát hiện ra quá khứ đen tối của cô.
Han (theo ATI)