Đó là lúc tự dưng chị quên mình. Tự dưng nói bằng giọng của đám đông, thích màu mà đám đông thích, và vì muốn hòa vào đám đông hiện đại, sang trọng, chị đinh ninh rằng mình đang yêu nhạc Trịnh, nhạc Phạm, nhạc Văn, Dương…
“Cuốc kêu…” không của Trịnh, Phạm…, “Cuốc kêu…” chỉ là bản nhạc bình dân, mà đám đông sang trọng hay phẩy tay, cười khào, “Sến!”. Cô ca sỹ hát loại nhạc này chắc cũng bị đồng nghiệp bác học bĩu môi, nên dè dặt bảo, “em hát nhạc mang âm hưởng dân ca”. Người lỡ thích thì e hèm, “tui khoái nhạc trữ tình”. Nhưng nói tôi chuyên trị nhạc sến chẳng phải thấy mình trở nên thấp bé, kém cỏi lắm sao?
Nên chị buộc phải vênh váo với mọi người, tui thấy hợp với những gì tao nhã, bác học thôi. Bi kịch là đến một ngày, chị lừa được cả mình, thấy cao quý hẳn lên. Công cuộc cải tạo mình trở thành người của đám đông đã có kết quả đáng kể. Chị nhập nhòe vào họ. Chị vui niềm vui của họ, buồn nỗi buồn của họ. Chị thấy hớn hở như hồi viết bài văn tả bà nội y chang bà nội của cả lớp, như trong lễ kết nạp Đoàn, thề lời thề cũng giống hệt người ta (mà nếu cho chị chọn, chị thà nói, nếu tui làm không tốt, cho… xe đụng tui đi). Chẳng có gì khó khăn, cứ hề hà, đám đông nói cái kia đẹp thì ta nói cái kia đẹp, đám đông nói nghe loại nhạc ấy mới sang thì ta xướng theo, ừ, quá tuyệt vời.
Bỗng đâu bài hát cũ ngân lên, bỗng đâu chị nhìn thấy chút gì đó của riêng mình. Bỗng nghe nhớ da diết con người thật đã bị vùi lấp tầng tầng bởi mặc cảm, tự ti, học đòi, sợ hãi…
Mình đâu rồi? Chị bắt đầu từ những mảnh vụn. Tìm dưới đáy tủ, thấy mốc meo những bộ quần áo nhiều túi lớn túi nhỏ, bặm trợn, bạc phếch bụi đời. Chị ướm lên người, nghe xộc lên mũi mùi phụ rẫy, nghe mình vẫn còn xao xuyến, đây là những thứ chị thích, còn những đầm váy tha thướt, với tông màu tao nhã chị đã mặc hằng ngày, để cho ai, vì ai?
Mình đâu rồi? Chị thấy mình đang sì sụp ở vỉa hè húp… bún riêu bên những người lao động nghèo, vui vẻ nghe họ văng tục, họ cười nói, họ than vãn. Mình rề rề theo chiếc xe kem, thò đầu vào thùng lục lọi để lôi ra một cây kem đậu xanh bằng tất cả niềm sung sướng. Chị ngơ ngác, mình đã từng hài lòng chỉ vì một que kem? Bây giờ dù đứng trước ngôi nhà to, món tiền lớn… nhưng cảm giác đó đâu rồi?
Mình ở đâu? Chị lần tìm mình mê mãi giữa bạn bè xưa, hồi ấy kết bạn sao mà dễ, sao mà đông. Giống hệt gã Lệnh Hồ Xung khoáng đạt trong Tiếu ngạo giang hồ, bạn chị, có người chạy xe ôm, có đứa nuôi bò, có thằng bán… thịt chó. Cứ nhìn nhau, cười tươi là có thêm bạn mới.
Chị tìm thấy mình ở mọi nơi, xông xáo, nhiệt thành, không câu nệ chỗ ấy, người ấy có hiện đại, sang trọng hay không. Chị hơi luộm thuộm mà trong trẻo, quê mùa mà tươi tỉnh, ngớ ngẩn mà vui, khờ khạo nhưng hay cười. Hay nhảy một lượt hai bậc cầu thang trong cơ quan. Hay huýt sáo, hát vống lên, nhảy cà tưng, lúc hứng chí. Những khi cặm mặt vào cuốn sách, bỗng dưng khóc, cười thành tiếng, làm người trong cơ quan ai cũng ngẩn ngơ, “con nhỏ này, nuôi biết chừng nào mới lớn”.
Mỗi hình ảnh rời là một cơn đau nhói. Chị muốn sống lại cảm giác nhẹ nhõm đó ngay bây giờ, ngay hôm nay. Chị thèm cất tiếng nói xuất phát từ đáy lòng, sẽ nghe thứ nhạc mình thích, mặc màu áo mình ưa. Sẽ hơi khác người, sẽ tách biệt khỏi những cô nàng ba mươi tuổi mà trịnh trọng, u mặc như bà già, sẽ lạc lõng giữa những người sang trọng dập dìu. Sự khác thường phải trả một cái giá nào đó, những lườm nguýt, những cái bĩu môi, những ánh mắt thương hại, những căm ghét của người đời.
Nhưng chẳng có cái giá nào đắt bằng phải sống như một người khác?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư