Kỳ thi vào 10 được tổ chức riêng theo từng địa phương và được tổ chức theo một trong 3 phương thức gồm xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở cấp THCS của đối tượng tuyển sinh; thi tuyển; kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm nay là lứa học sinh cuối cùng thi theo chương trình GDPT 2006, tuy nhiên lại có nhiều sai phạm trong khâu tổ chức, chấm thi tại một số địa phương.
Nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn xảy ra sai phạm
Mặc dù đã được tổ chức nhiều năm, có quy định chặt chẽ cụ thể nhưng gần đây lại có nhiều sai phạm trong khâu tổ chức, chấm thi tại một số địa phương.
Theo đó, tại Thái Bình khi kết quả của kỳ thi vào lớp 10 được công bố, nhiều phụ huynh, giáo viên, thí sinh bất ngờ bởi điểm số không phản ánh đúng kết quả làm bài.
Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở tỉnh Thái Bình đã diễn ra ngày 6-7/6 với 20.500 thí sinh. Các môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Môn chuyên thi ngày 8/6. Kết quả công bố ngày 16/6, gần 16.300 thí sinh trúng tuyển vào 30 trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh.
Tại đây có đến 18 số báo danh, sau khi nộp đơn phúc khảo, điểm mới có sự chênh lệch lớn so với điểm cũ. Thậm chí có thí sinh điểm thi môn Toán tăng từ 3,75 lên 9,5 điểm sau khi phúc khảo chênh lệch 5,75 điểm.
Chưa dừng lại, đầu tháng 8 vừa qua Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng có kết luận về việc chấm thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025.
Kết luận nêu rõ Hội đồng Chấm thi tại địa phương này còn một số hạn chế, thiếu sót, sai phạm như việc chuẩn bị thiết bị tại phòng chấm thi trắc nghiệm chưa đầy đủ theo tiến độ và kế hoạch làm việc của Hội đồng Chấm thi.
Qua quá trình thanh tra nhận thấy một số giám khảo chưa nắm vững quy chế, đã để xảy ra sai sót trong quá trình chấm thi. Biên bản chấm thi không có cột ghi tổng số điểm/số loại điểm nên khi nhập khó đối sánh, dẫn đến nguy cơ sai sót trong khâu nhập điểm.
Giải quyết từ gốc rễ vấn đề
Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng gốc rễ của sai phạm là do cạnh tranh vào lớp 10 công lập quá căng thẳng.
"Khi sức ép cao, nhu cầu học tập lớn chắc chắn sẽ xuất hiện mua bán, gian lận dẫn đến nhiều hậu quả quả tiêu cực, dẫn đến những sự việc này có trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương", ông Vinh cho hay.
Đưa ra giải pháp chuyên gia cho rằng cần có chính sách phân luồng và phát triển hệ thống giáo dục phổ thông, tạo điều kiện để cho học sinh được vào lớp 10 theo đúng nhu cầu bằng cách huy động nguồn lực xã hội.
TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: "Cần tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng địa phương mở các lớp khối phổ thông hoặc phát huy hiệu quả vai trò của khối giáo dục thường xuyên từ đó giảm bớt sức ép vào kỳ thi".
Ngoài ra, theo chuyên gia, cũng cần tăng cường năng lực khảo thí, chọn lọc kỹ lượng các thầy cô giáo giỏi, có kinh nghiệm, nghiêm túc, cẩn thận, tham gia vào quy trình trông thi, chấm thi. Cùng với đó, xử lý nghiêm những sai phạm là biện pháp răn đe cho những địa phương và kỳ thi khác rút kinh nghiệm.
Đồng quan điểm, TS.Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công cũng bày tỏ cần có những giải pháp khắc phục, phát hiện và có chế tài nghiêm ngặt đối với những sai phạm trong vấn đề chấm thi bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của học sinh và uy tín của ngành giáo dục.
Đưa ra kiến nghị, ông Việt Anh cho biết: "Cơ quan chuyên môn phải rà soát và hoàn thiện quy chế chấm thi với mục tiêu rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu và dễ thực hiện. Cùng với đó là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chấm thi, coi thi sao cho hoạt đông này phải đảm bảo chính xác, khách quan".
Ngoài ra, các phần mềm chấm thi tự động, hệ thống giám sát cũng là những công cụ mà chuyên gia cho rằng cần tăng cường sử dụng để giảm thiểu lỗi sai cho con người, đồng thời tăng tính minh bạch.
"Công tác phúc khảo bài thi cũng cần được chú trọng nhằm phát hiện kịp thời lỗi sai. Hoặc tổ chức kiểm tra đột xuất trong suốt quá trình chấm thi đây là những phương án hiệu quả nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm", ông Việt Anh bày tỏ.
Báo cáo về kết quả năm học 2023-2024 đối với giáo dục trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: năm học 2023-2024 có số học sinh tăng ở cả hai cấp học. Số học sinh cấp THCS là 6.550.552, tăng 472.852 học sinh so với năm học trước đó. Số học sinh cấp THPT là 2.993.731 tăng 106.166 học sinh so với năm học 2022-2023.
Đối với công tác phổ cập giáo dục, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; mức độ 2 chiếm 23,8% và mức độ 3 chiếm 12,69%. 100% tỉ lệ huyện, xã đạt phổ cập giáo dục cấp THCS.
Về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở, thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với Chương trình GDPT 2018.