Như thông tin đã đưa, tại phiên họp của Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước CHDC Liên bang Ethiopia diễn ra vào tối ngày 1/12 vừa qua, di sảnThực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước niềm vui lớn lao này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi nhanh với một số thanh đồng, nhà nghiên cứu ... những người đã góp công sức để tín ngưỡng thờ Mẫu được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thanh đồng Ngọc Thanh (Hưng Yên), người có kinh nghiệm 55 năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tâm sự: “Với những người có căn số phải hầu Thánh như chúng tôi, Hầu đồng là một nghĩa vụ tâm linh bắt buộc. Nhưng nó không phải là hoạt động mê tín dị đoan mà nó vừa có giá trị hướng thiện, vừa là bài học lịch sử quý báu.
Thế nhưng cùng sự nở rộ và biến tướng của hiện tượng đồng đua, đồng đú (tức những người không có căn số hầu Thánh nhưng vẫn mở các giá đồng để thực hiện nhiều mục đích khác nhau – PV), những chân giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung dần dần bị che lấp. Tôi hi vọng qua sự công nhận này của thế giới, người dân sẽ có nhận thức khách quan, công bằng và chính xác hơn về nghi lễ Hầu đồng nói riêng và tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung".
Trong khi đó, thanh đồng Ngọc Minh (Hà Nội), người có hơn 30 năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chia sẻ: “Quá trình ghi nhận nghi thức Hầu đồng nói riêng và tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung trong nhiều năm trở lại đây của toàn xã hội cho thấy, mọi người đã bắt đầu đánh giá, nhìn nhận lại những nét đẹp của tín ngưỡng này.
Dù rằng vẫn còn nhiều điều chúng ta phải tiếp tục chỉnh sửa để quảng bá điều hay, hạn chế điều dở nhưng tôi tin rằng, sức sống của văn hóa dân tộc trong tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ ngày càng được phát huy hơn nữa. Công việc quảng bá nét đẹp của tín ngưỡng này không chỉ là công việc của riêng những người hầu Thánh chân chính chúng tôi, đó là công việc của tất cả con dân Việt cùng chung dòng chảy văn hóa là thờ Mẫu”.
Ông Ngô Văn Quán, Giám đốc trung tâm UNESCO nghiên cứu Phật học Việt Nam vui mừng cho biết: “Việc UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại đã chứng minh những giá trị văn hóa tốt đẹp của nó. Công việc của chúng ta là làm thế nào để bảo tồn, truyền bá đúng đắn cho thế hệ sau.
Đương nhiên lập trường của UNESCO là phải bảo tồn đúng giá trị, nguyên tắc của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và nghi lễ Hầu đồng nói riêng. Tuy vậy việc ngăn chặn những biến tướng sai lệch còn tồn tại ngoài xã hội không phải là điều dễ dàng. Nó cần sự chung tay của toàn xã hội”
Ông Phạm Tứ, CLB Bảo tồn văn hoá đạo Mẫu Việt Nam, Phó giám đốc trung tâm Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam bồi hồi nhớ lại: "Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu văn hoá, cơ quan chức năng và những thanh đồng chân chính đã bỏ biết bao công sức để bảo tồn và phát huy vẻ đẹp của tín ngưỡng này.
Tuy nhiên do quá trình biến thiên lịch sử mà nghi thức quan trọng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu là Hầu đồng bị thêm thắt khiến nó méo mó trong mắt dư luận. Tôi thấy thành quả ngày hôm nay là công sức của biết bao thế hệ trong việc sưu tầm, phục hồi nguyên gốc những giá trị đẹp đẽ của tín ngưỡng này. Hi vọng tới đây, thờ Mẫu sẽ có vai trò mới trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt".
Phạm Thiệu