Cùng với kế hoạch thực hiện Nghị định về chống thư rác, Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội vừa ban hành quy trình xử lý đối với các đầu số, số điện thoại nhắn tin rác, số điện thoại thực hiện cuộc gọi nhỡ lừa đảo trên địa bàn.
Tình trạng tin nhắn rác, lừa đảo vẫn diễn ra nghiêm trọng - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo đó, Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) các quận, huyện, thị xã và Phòng Tiếp dân của Sở TT-TT sẽ là đầu mối tiếp nhận thông tin về tin nhắn rác, cuộc gọi nhỡ lừa đảo. Thông tin này sẽ được thống kê, tổng hợp chuyển về sở mỗi tháng 1 lần. Phòng Bưu chính viễn thông tổng hợp những số điện thoại, đầu số nhắn tin sai quy định và tham mưu để lãnh đạo Sở ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thông tin di động ngừng cung cấp dịch vụ các thuê bao vi phạm, chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh với các DN cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn dùng đầu số để phát tán tin nhắn rác, lừa đảo. Căn cứ trên thông tin, báo cáo từ DN về các thuê bao, DN dịch vụ nội dung có đầu số (CPS) vi phạm, thanh tra Sở sẽ tiến hành kiểm tra xử lý các vi phạm. Sở cũng yêu cầu các DN phải ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại nhắn tin rác hoặc chấm dứt hợp đồng đối với các DN cung cấp dịch vụ nội dung (CPS), CP (đối tác cung cấp nội dung) vi phạm.
Theo thông tin từ MobiFone, nhà mạng này đã khóa đầu số dịch vụ của 18 đối tác có liên quan tới tin nhắn rác. Đại diện Viettel thì cho biết từ tháng 1.2013 đã đưa vào áp dụng hệ thống kiểm soát dịch vụ dựa trên việc quản lý cú pháp cung cấp dịch vụ với tất cả các đầu số ngắn đang cung cấp nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Theo đó, các CP phải đăng ký kịch bản nhắn tin và nội dung dịch vụ cung cấp đến thuê bao Viettel.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, do không có cơ chế ràng buộc và cách thức kiểm tra hữu hiệu nên việc các nhà mạng có thực sự tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu từ phía cơ quan chức năng hay không vẫn là điều khó xác định. Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ TT-TT), cũng cho rằng nếu tình trạng sim rác chưa được giải quyết thì vấn đề tin nhắn rác sẽ vẫn còn nhức nhối. Thực tế mặc dù đã có các quy định liên quan đến đăng ký thông tin cá nhân, chế tài... nhưng sim rác vẫn được buôn bán công khai.
Xử lý không dễ
Trên thực tế, tình trạng tin rác, tin nhắn lừa đảo đã được Bộ TT-TT xác nhận là vẫn diễn ra khá nghiêm trọng. Tại hội nghị giao ban đầu tháng 3 vừa qua, Chánh thanh tra Bộ TT-TT Nguyễn Văn Hùng cảnh báo các hành vi vi phạm về tin nhắn, dịch vụ nội dung số đang có chiều hướng gia tăng bất chấp đã có nhiều trường hợp bị xử lý.
Mới đây nhất, bốn DN đã bị Thanh tra Bộ TT-TT xử phạt với tổng số tiền lên tới gần 2 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Tinh Vân Telecom bị phạt tổng cộng 683 triệu đồng vì các hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn sai cú pháp. Ba công ty liên kết gồm Hà Thành, E-WAY và Lạc Hồng bị phạt tổng cộng hơn 1 tỉ đồng do hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn đồi trụy dâm ô. Đại diện Bộ TT-TT cho biết việc phát hiện và xử lý không hề dễ dàng bởi các DN luôn cố tình che đậy, cơ quan chức năng phải rất kiên trì, bằng nhiều biện pháp mới có thể xử lý được các vụ việc này.
Theo Trường Sơn (Thanh Niên)