Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng “bay” hơn 4.000 tỷ
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (13/5), chỉ số VN-Index giảm nhẹ 1,11 điểm (0,13%) xuống 834,21 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,08% lên 111,86 điểm và UPCom-Index tăng 0,18% lên 53,73 điểm.
Những mã cổ phiếu như BVH, HPG, HSG, REE, PNJ, MWG, MBB… tăng mạnh, trong đó BID, FPT, HVN là 3 mã tác động tích cực nhất tới VN-Index.
Ở nhóm bất động sản, xây dựng, có nhiều mã tăng như CEO, CTD, DXG, HBC, HDG, IJC, KDH, PDR…
Bên cạnh đó, nhóm khu công nghiệp cũng thu hút dòng tiền khá tốt với NTC, PHR, SZL, SNZ, SIP…tăng điểm.
Trong phiên này, bộ ba cổ phiếu họ Vin là tác nhân chính khiến thị trường giảm điểm mạnh khi VIC giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, VHM giảm 2.100 đồng/ cổ phiếu, VRE giảm 750 đồng/ cổ phiếu. Cả 3 mã này đều “nhuốm đỏ” trong suốt cả phiên giao dịch góp phần lấy đi của VN-Index 1,9; 1,9 và 0,4 điểm.
Hiện, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu 876.002.651 cổ phiếu VIC và 1.166.582.125 cổ phiếu VHM. Như vậy, chỉ trong một ngày, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã “bay” hơn 4,2 nghìn tỷ đồng.
Giá xăng tăng lần đầu tiên trong năm 2020
Từ 15h chiều 13/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 604 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 578 đồng/lít.
Xem thêm: Giá xăng gây bất ngờ, tăng mạnh lần đầu tiên sau 5 tháng
Sau khi tăng giá, giá xăng E5 RON 92 lên 11.520 đồng/lít, xăng RON 95 tăng lên 12.235 đồng/lít.
Ngược lại, các loại dầu được điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 84 đồng/lít; dầu hỏa giảm 83 đồng/lít; dầu mazut giảm 125 đồng/kg.
Sau khi điều chỉnh, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 9.857 đồng/lít; dầu hỏa là 7.882 đồng/lít và dầu mazut là 8.545 đồng/kg.
Như vậy, sau 8 lần giảm liên tiếp, giá xăng trong nước đã tăng trở lại. Đây cũng là lần đầu tiên xăng tăng giá kể từ đầu năm.
Mở cửa trở lại loạt cửa khẩu với Trung Quốc
Để giúp thông thương hàng hóa, từ giữa tháng 5, Thủ tướng cho phép mở lại các cửa khẩu phụ tại các tỉnh phía Bắc có biên giới giáp với Trung Quốc.
Cụ thể, Thủ tướng đồng ý nối lại hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa tại các cửa khẩu phụ Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng (Lạng Sơn) và cửa khẩu phụ Bắc Phong Sinh, lối mở Ka Long (Quảng Ninh).
Các cửa khẩu phụ, lối mở khác, Thủ tướng giao UBND các tỉnh biên giới dựa trên tình hình thực tế địa phương, cân nhắc việc mở lại song phải đảm bảo công tác phòng Covid-19.
"Chỉ khôi phục lại các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hóa lớn như nông sản, thủy sản, nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước đã được chính quyền địa phương hai bên thống nhất mua bán, xuất nhập khẩu", Thủ tướng lưu ý.
Lãnh đạo các tỉnh, thành có biên giới cửa khẩu giáp Trung Quốc phải bố trí và thống nhất với phía Trung Quốc về công tác phòng dịch bệnh.
Bộ GTVT đề nghị tăng phí để "cứu" doanh nghiệp BOT
Trước những khó khăn của doanh nghiệp vì xảy ra dịch Covid-19, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ 2 phương án điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ của các dự án BOT.
Phương án 1 là cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Bộ GTVT sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến chi phí vận tải, đồng thời chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí khi cần thiết.
Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Đổi lại, Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để bố trí vốn. Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng.
Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách Nhà nước.
Lê Lan (Tổng hợp)