Những dấu hiệu cho thấy trẻ thiếu canxi
Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thiếu canxi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu đa dạng trên nhiều hệ cơ quan.
Dấu hiệu ở xương và cơ
- Co giật cơ: Trẻ thiếu canxi có thể bị co giật cơ không kiểm soát, đặc biệt là ở tay và chân. Điều này xảy ra do canxi đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu thần kinh-cơ.
- Chậm mọc răng: Canxi là thành phần chính của răng. Thiếu canxi có thể làm chậm quá trình mọc răng ở trẻ nhỏ.
- Răng yếu và dễ sâu răng: Thiếu canxi làm giảm độ cứng của men răng, khiến răng dễ bị tổn thương và sâu răng.
- Chậm phát triển chiều cao: Canxi là thành phần chính của xương. Thiếu canxi có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ.
- Còi xương: Đây là biểu hiện nghiêm trọng của thiếu canxi và vitamin D, gây biến dạng xương, chậm phát triển thể chất.
Dấu hiệu về thần kinh và tâm lý
- Dễ kích thích, khó ngủ: Trẻ thường có biểu hiện hay cáu gắt, khó chịu không rõ nguyên nhân.Thiếu canxi có thể gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ, nguyên nhân là canxi tham gia vào quá trình sản xuất melatonin - hormone điều chỉnh giấc ngủ.
- Chậm phát triển trí tuệ: Nghiên cứu cho thấy thiếu canxi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và khả năng nhận thức của trẻ.
Dấu hiệu về tim mạch
- Nhịp tim không đều: Canxi đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cơ tim. Thiếu canxi có thể gây rối loạn nhịp tim.
- Huyết áp cao: Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa thiếu canxi và tăng huyết áp ở trẻ em.
Dấu hiệu về da và tóc
- Da khô, ngứa: Thiếu canxi có thể làm giảm khả năng giữ ẩm của da, gây khô và ngứa.
- Tóc mỏng, dễ gãy rụng: Canxi tham gia vào quá trình tạo keratin - protein chính của tóc. Thiếu canxi có thể làm tóc yếu và dễ gãy rụng.
Bí quyết uống rượu ít gây hại cho cơ thể
Do tính chất công việc nhiều người thường xuyên phải sử dụng rượu, bia, dưới đây là cách dùng đồ uống này ít gây hại cho cơ thể nhất bạn có thể tham khảo.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau. Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương ¾ lon bia 330 ml, 135 ml rượu vang, 30ml rượu whisky. Ai cũng biết bia rượu sẽ gây hại sức khỏe nếu lạm dụng chúng.
Khi uống cần hạn chế, với nam ≤ 2 đơn vị cồn/ngày, nữ ≤ 1 đơn vị cồn/ngày. Bạn cần uống từ từ, chậm rãi. Rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc.
Bạn không nên uống rượu lúc đói vì dễ làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu, bạn nên uống nước lọc, nước quả, nước súp, nước canh và đặc biệt là ăn rau xanh có tác dụng giảm nồng độ cồn của rượu.
Bạn hãy ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu. Bạn không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga), rượu lẫn bia. Điều này sẽ làm quá trình rượu hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.
Bạn không nên uống rượu với caffeine, vì rượu là chất ức chế, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim. Sử dụng caffeine để "tỉnh táo" sau khi uống rượu là sai lầm.
Những điều khó tin xảy ra khi bạn ngủ thêm 46 phút
Theo Medical Xpress, 90 thanh niên đã được tuyển chọn cho nghiên cứu và được phân ngẫu nhiên vào nhóm ngủ trễ, nhóm ngủ sớm hoặc ngủ bình thường trong tuần làm việc để tìm hiểu về giờ giấc và thời lượng giấc ngủ có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ.
Kết quả hoàn toàn bất ngờ: Chỉ cần kéo dài thời lượng giấc ngủ thêm được khoảng 46 phút mỗi ngày - bất kể thời lượng đó có giúp họ thật sự đủ giấc hay không - những thay đổi khó tin đã xảy ra.
Không chỉ gia tăng rõ rệt mức độ phục hồi về mặt tinh thần, cảm xúc của những người này cũng được cải thiện.
Họ thể hiện lòng biết ơn, sự hài lòng trong cuộc sống và mục đích sống nhiều hơn, theo PGS Michael K. Scullin, đồng tác giả công trình nghiên cứu.
Ngược lại, những tình nguyện viên bị giảm đi 37 phút ngủ mỗi ngày cho thấy sự sụt giảm về khả năng phục hồi tinh thần và cả tâm trạng cũng xấu đi. Quan điểm xã hội của họ cũng trở nên tiêu cực hơn.
Viết trên tạp chí Journal of Positive Psychology, các tác giả cho biết các nghiên cứu trước đây thường tập trung vào những tác động tiêu cực của việc thiếu ngủ.
Mặc dù biết đủ giấc là tốt, nhưng không phải ai cũng làm được.
Nghiên cứu này chuyển hướng bằng cách tập trung vào khía cạnh cải thiện sức khỏe tinh thần, xem xét ý nghĩa tích cực của việc bổ sung một thời lượng nhỏ, thay vì chỉ tính đến việc hạn chế các kết quả bất lợi.
Theo PGS Scullin, các kết quả cũng cho thấy việc cố gắng tăng cường thời gian ngủ không chỉ giúp bạn tỉnh táo hơn mà còn đem lại một ngày mới tốt hơn nhiều, nhờ sự sẵn sàng về mặt tinh thần để đối diện với các thách thức, cũng như có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
T.M (tổng hợp)