Phát hiện sai phạm trong thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, tính đến ngày 20/5, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt trên 11,8 triệu người. Người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh gần 4 triệu người. Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tính đến thời điểm ngày 20/5 đạt 17,5 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết cơ quan này cũng như các địa phương đã phát hiện, xử lý một số vụ việc tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Xem chi tiết: Phát hiện sai phạm trong thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng
Phê bình giáo viên cho học sinh đứng giữa trời nắng vì đi học sớm
Ngày 21/5, trao đổi với PV, bà Đào Thị Cẩm Ly - Hiệu trưởng trường tiểu học Quang Trung (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) xác nhận có việc học sinh bị phạt ra cổng trường đứng. Sự việc xảy ra là do cô giáo Lê Thị Kim Lan, chủ nhiệm lớp 1A1, quá cứng nhắc.
Theo bà Ly, việc học sinh ăn bán trú được thực hiện tự nguyện và nhà trường luôn mở cửa với tất cả học sinh. Các gia đình không cho con ăn bán trú tại trường đều thực hiện việc đưa đón con đi học bình thường.
“Chúng tôi đã liên hệ, gặp gỡ phụ huynh để trò chuyện và có lời xin lỗi đến gia đình các em. Trường cũng đã yêu cầu cô Lan nghiêm túc kiểm điểm”, bà Ly nói và cho hay nhà trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Xem chi tiết: Giáo viên cho học sinh đứng giữa trời nắng vì đi học sớm bị phê bình
Hộ cận nghèo ở nhà biệt thự, đi ô tô, hưởng hỗ trợ Covid làm nóng cuộc họp báo tỉnh Thanh Hóa
Sáng 21/5, tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo tháng 5/2020 dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo và sở Thông tin - Truyền thông để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tại cuộc họp này, nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí đã phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi liên quan đến việc triển khai chi trả tiền hỗ trợ Covid - 19.
Nhà báo Lê Hoàng (Vnexpress) đặt vấn đề, lúc mới thực hiện việc chi trả gói 62.000 tỷ của Chính phủ ở Thanh Hóa xuất hiện thông tin hàng nghìn người nghèo, người cận nghèo tại địa phương này đồng loạt viết "đơn tự nguyện từ chối hỗ trợ". Một số cơ quan báo chí đã đưa thông tin này giống như thành tích của tỉnh.
Sau đó, nhiều địa phương trong tỉnh "lộ" ra chuyện các hộ nghèo, cận nghèo từ chối nhận hỗ trợ vì có điều kiện kinh tế rất khá giả, giàu có. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi các thành phần dự cuộc họp báo không đề cập cụ thể vấn đề này.
Xem chi tiết: Hộ cận nghèo ở nhà biệt thự, đi ô tô, hưởng hỗ trợ Covid làm nóng cuộc họp báo tỉnh Thanh Hóa
Những đối tượng nào được đề xuất miễn, giảm phí bảo trì đường bộ?
Bộ GTVT vừa có văn bản chính thức đề xuất Bộ Tài chính miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho các phương tiện vận tải bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo Bộ GTVT, từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19, vận tải khách bị ảnh hưởng trực tiếp, sản lượng vận chuyển khách, doanh thu giảm sâu đến 75% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện hàng ngàn doanh nghiệp, HTX và hàng vạn hộ kinh doanh vận tải khách đang gặp khó khăn, khoảng trên 310.000 xe hoạt động cầm chừng và hàng trăm ngàn người lao động gặp khó trong cuộc sống vì mất thu nhập. Dự kiến phải 1-2 tháng nữa, doanh nghiệp vận tải mới trở lại bình thường. Nếu dịch bệnh kéo dài, chắc chắn nhiều doanh nghiệp phá sản.
Đề cập đến căn cứ đề xuất mức giảm phí bảo trì đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải lý giải hiện việc thu, nộp, miễn, giảm phí bảo trì đường bộ được quy định tại Thông tư số 293/2016 của Bộ Tài chính. Do vậy, việc giảm phí này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.
Xem chi tiết: Những đối tượng nào được đề xuất miễn, giảm phí bảo trì đường bộ?
7 dự án BOT giao thông bị đề nghị giảm thời gian thu phí 56,4 năm
Kiểm toán Nhà nước vừa gửi báo cáo Quốc hội tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019.
Theo kết quả kiểm toán 9 dự án BOT trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước thấy rằng: Bộ Giao thông vận tải cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT, phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công.
Vẫn có hiện tượng xác định tăng tổng mức đầu tư, như dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình tăng 45,4 tỷ đồng; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 2) tăng 61,9 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc tăng 7,7 tỷ đồng…
Một số gói thầu được thi công trước khi lựa chọn nhà thầu, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1).
Xem chi tiết: 7 dự án BOT giao thông bị đề nghị giảm thời gian thu phí 56,4 năm
Thi tốt nghiệp THPT 2020: Trường đại học không tham gia, bộ GD&ĐT khuyến khích "tố" gian lận
Mới đây, bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Cụ thể, kỳ thi năm nay vẫn quy định mỗi tỉnh tổ chức 1 hội đồng thi do sở GD&ĐT chủ trì. Việc in ấn, vận chuyển đề thi do địa phương thực hiện. Tuy nhiên, một điểm khác so với kỳ thi trước là không có giảng viên các trường đại học về địa phương làm nhiệm vụ coi thi và chấm thi.
Tại các địa phương, thí sinh từ các trường THPT được xếp lẫn với thí sinh các trung tâm giáo dục thường xuyên. Mỗi phòng thi có 24 thí sinh, đảm bảo khoảng cách giữa hai thí sinh là 1,2m. Các hội đồng thi sử dụng thống nhất phần mềm quản lý thi do bộ GD&ĐT cung cấp.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, có 50% là cán bộ, giảng viên các trường đại học về địa phương kết hợp cùng giáo viên tại đây coi thi nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ do giáo viên các trường THPT và THCS coi thi; mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi thuộc 2 trường phổ thông khác nhau.
Trong khi việc chấm thi trắc nghiệm năm ngoái do trường đại học chủ trì, thực hiện, thì năm nay việc này được giao cho sở GD&ĐT chủ trì, tổ chức. Cán bộ thực hiện chấm trắc nghiệm sẽ gồm cán bộ của Sở và giáo viên trường phổ thông chấm bằng phần mềm của bộ GD&ĐT.
Xem chi tiết: Thi tốt nghiệp THPT 2020: Trường đại học không tham gia, bộ GD&ĐT khuyến khích "tố" gian lận
Hà Nội: Nóng đỉnh điểm hơn 44 độ C, đường phố bốc hơi xuất hiện ảo ảnh
Ngày 21/5, nhiệt độ Thủ đô Hà Nội nóng đỉnh điểm, dao động từ 38-40 độ C, có thời điểm lên đến hơn 44 độ C. Thời tiết gay gắt, khiến nhiều con đường bốc hơi xuất hiện ảo ảnh, người dân di chuyển khó khăn.
Ghi nhận của PV lúc 13h cùng ngày, nhiệt độ Thủ đô lên tới Hơn 44 độ C. Nắng nóng với nền nhiệt cao khiến mặt đường bốc hơi, xuất hiện ảo ảnh.
Nhiệt độ cao cộng thêm mật độ đông đúc của các phương tiện giao thông càng khiến thời tiết thêm khó chịu. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, áo chống nắng, áo khoác là những vật dụng dường như không thể thiếu với mỗi người dân khi ra đường.
Xem chi tiết: Hà Nội: Nóng đỉnh điểm hơn 44 độ C, đường phố bốc hơi xuất hiện ảo ảnh
Hoàng Mai (tổng hợp)