Báo chí lấy sự thật làm tiền đề để tồn tại
Cùng với sự phát triển của cách mạng số, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với nhiều biến tướng vô cùng phức tạp. Điều này càng đặt ra thách thức cho người làm báo trong quá trình làm công tác thông tin, định hướng dư luận.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế đô thị đánh giá, tính chân thật, tỉnh táo, làm chủ thông tin và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp là nguyên tắc tối thượng của một nhà báo phải ghi nhớ trong môi trường báo chí hiện nay.
Bởi theo ông, công nghệ và Internet đã tạo cho công chúng nhiều cơ hội tham gia vào quá trình sản xuất nội dung thông tin. Trong khi đó, đám đông công chúng lại luôn có một sức mạnh vô hình lẫn hữu hình.
“Báo chí – truyền thông không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho công chúng, mà còn phải định hướng dư luận xã hội, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Không ít nhà báo luôn tâm niệm một điều rằng, trách nhiệm của nhà báo chỉ là vạch trần và đưa tin, còn Chính phủ và các cơ quan công quyền phải “chịu trách nhiệm” về mọi mâu thuẫn, vấn đề và bất cập bị vạch trần”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhận định.
Tuy nhiên, trong thực tế, trách nhiệm xã hội của báo chỉ không chỉ là truyền bá thông tin, vạch trần sự thật, mà còn cần sự định hướng xã hội, quản lý xã hội, có nghĩa là báo chí phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn với tư cách là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, nhà báo cần thể hiện vai trò, định hướng xã hội của mình ở chỗ,không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng, mà đòi hỏi người làm báo cần có sự “nhạy cảm nghề nghiệp” trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin. Vấn đề nhà báo sử dụng tin đồn trên mạng để “chính thống hóa” bài báo của mình không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới.
Trên thực tế, thông tin trên mạng xã hội đa chiều, khó kiểm chứng đúng, sai. Nếu nhà báo, phóng viên dễ dàng “chính thống hóa” những thông tin sai sự thật đó sẽ gây ảnh hưởng xấu hoặc xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, nhân phẩm của công dân, làm rối loại thông tin, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Do đó, ông Lợi nhấn mạnh, khi khai thác thông tin trên Internet, đặc biệt là các trang blog cá nhân, các nhà báo đòi hỏi phải tỉnh táo, nhận biết đúng sai, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
“Nếu báo chí không thể bảo đảm tính chân thực, ắt sẽ làm mất giá trị cơ bản của báo chí trong quá trình truyền thông, làm mất đi trách nhiệm nghề nghiệp cơ bản mà nó phải gánh vác. Chính vì vậy, từ trước tới nay, giới báo chí luôn cho rằng, tính chân thực là nguyên tắc cao nhất của báo chí.
Báo chí lấy sự thật làm tiền đề để tồn tại! Sứ mệnh cơ bản của báo chí là giúp công chúng tìm hiểu trạng thái biến động chân thực của môi trường khách quan. Vì vậy, báo chí buộc phải phản ánh một cách chân thực các vấn đề khách quan, không đưa tin sai sự thật”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Người làm báo phải có tài năng và đức độ
Ông Lương Ngọc Vĩnh - Trưởng Khoa Truyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận thấy để định hướng được dư luận xã hội thì trong bất cứ thời đại nào, báo chí cũng phải có sức mạnh và uy tín. Trong đó, sức mạnh của báo chí chính là thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Còn uy tín tức là thông tin của báo chí phải sắc sảo, lôi cuốn hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng, người làm báo phải có tài năng và đức độ.
Với những nội dung nhạy cảm liên quan đến chính trị, văn hóa và tôn giáo là những vấn đề rất phức tạp ảnh hưởng lớn đến sự ổn định chính trị-xã hội, vì vậy, ông Vĩnh cho rằng, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tham gia định hướng dư luận với tinh thần tiên phong, xung kích.
Trong đó, tính kịp thời và đúng đắn của thông tin là quan trọng nhất. Khác với mạng xã hội phản ánh tức thời, trực tiếp, thông tin báo chí còn phải được xác minh, thẩm định qua nhiều cấp cho nên thường chậm hơn. Để bảo đảm tính kịp thời, cơ quan báo chí phải dự báo sớm được tình hình, xu hướng để chủ động đi trước một bước nhằm chiếm lĩnh mặt trận thông tin, không để thông tin trên mạng xã hội dẫn dắt dư luận.
Nhanh chóng nhưng phải hết sức thận trọng, người làm báo phải sử dụng nhãn quan chính trị của mình tức là phương pháp luận duy vật biện chứng; đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước; truyền thống văn hóa của dân tộc, giáo lý tốt đẹp của các tôn giáo… Từ đó đưa ra nhận xét, đánh giá khách quan, đúng đắn, có lý có tình để dẫn dắt dư luận xã hội.
“Khi có vấn đề phải lập tức lên tiếng và đưa tin theo vệt bài tùy vào quá trình thu thập và thẩm định thông tin. Khi chưa kịp thẩm định về mặt chính trị, tư tưởng, để bảo đảm tính kịp thời, báo chí nên dẫn dắt công chúng theo các giá trị chân, thiện, mỹ trước - chính trị, tư tưởng sau”, TS.Lương Ngọc Vĩnh đưa ra quan điểm.
Theo chuyên gia muốn làm được những điều trên, ngoài kỹ năng chuyên môn, người làm báo phải học tập lý luận chính trị, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước, tri thức sâu, rộng trên các lĩnh vực nhạy cảm đó.
Chỉ có như vậy, người làm báo và cơ quan báo chí mới có khả năng nhận định, đánh giá kịp thời, chính xác về các sự việc, sự vật, con người đang diễn ra được công chúng quan tâm để dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.