Công nghệ thông tin hiện là ngành học có tỉ lệ tuyển sinh cao thứ 2, chiếm 11,79% theo thống kê của Bộ GD&ĐT, và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Sức hút của ngành đến từ nhu cầu xã hội lớn, cơ hội việc làm rộng mở và tiềm năng phát triển nghề nghiệp hấp dẫn. Điều này cũng khiến nhiều trường đại học không ngừng mở rộng quy mô đào tạo, vô tình tạo nên sự phân vân cho thí sinh khi đứng trước lựa chọn ngành học phù hợp.
Qua số liệu thống kê điểm xét tuyển của 10 trường đại học thuộc có truyền thống đào tạo ngành này, trung bình điểm chuẩn theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT thấp nhất là 21,83 điểm, cao nhất là 35,21 (Toán hệ số 2). Như vậy, để đảm bảo có một suất học, các thí sinh phải đạt trung bình khoảng 8 điểm/môn thi – đây là con số không hề đơn giản.
Tuy nhiên, ngoài ôn tập trung ôn tập, để tăng tỉ lệ trúng tuyển vào những ngành cạnh tranh cao, thí sinh cần có chiến thuật trong việc đăng ký nguyện vọng. Hiện, có rất nhiều chuyên ngành khác nhau liên quan đến công nghệ thông tin, nhưng có mức điểm chuẩn "dễ thở" hơn cho học sinh lựa chọn.

Điểm xét tuyển ngành Công nghệ thông tin 3 năm gần đây của 10 trường đại học.
Chỉ tính riêng 10 trường đại học trong danh sách trên các em có thể tham khảo học tập các ngành liên quan như: Đại học Bách khoa có ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, An toàn không gian số với mức điểm chuẩn năm 2024 lần lượt là 28,22 và 27,9.
Phía trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) cũng có nhiều ngành hấp dẫn khác như Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo có mức điểm chuẩn năm 2024 trong khoảng từ 26,92 đến 27,58. Học viện Bưu chính viễn thông có các ngành về An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật dữ liệu với mức điểm từ 25,59 đến 25,85.
Tư vấn về chương trình đào tạo của ngành, PGS. Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện CNTT và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết công nghệ thông tin là nghề mang tính kỹ thuật viên, liên quan đến cài đặt, vận hành, quản trị hệ thống máy tính, hệ thống mạng, hệ thống cơ sở dữ liệu. Bao gồm phần cứng và phần mềm.
Nếu thí sinh muốn học liên quan đến phần mềm nên lựa chọn ngành Khoa học máy tính. Đối với phần cứng, thì có thể chọn ngành Kỹ thuật Máy tính, ngành này kết hợp giữa ngành Khoa học Máy tính và ngành Kỹ thuật điện - điện tử.
Ngành Kỹ thuật máy tính hướng tới việc phát triển các hệ thống tính toán tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm. Sinh viên sẽ nắm được cả về cách viết phần mềm, cách làm phần cứng, và cách để tích hợp phần mềm và phần cứng này thành một hệ thống thống nhất để giải quyết một vấn đề thực tiễn.

Ông Chu Tuấn Anh – Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Chu Tuấn Anh – Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech đưa ra những năng lực mà sinh viên công nghệ cần có nếu muốn tạo ra sự khác biệt trong thị trường lao động.
"Việc học tập ở trên trường chỉ trang bị cho các em một phần kiến thức, điều quan trọng cần có sự kiên định, tập trung, chăm chỉ và chủ động", ông Tuấn Anh bày tỏ.
Đặc biệt, trong quá trình chọn ngành và học tập, có 2 nội dung các em cần nắm chắc, thứ nhất là kiến thức nền tảng của công nghệ và cập nhật xu hướng của các tập đoàn công nghệ lớn.
Theo ông Chu Anh Tuấn mặc dù nói đến công nghệ người ta sẽ nghĩ ngay đến sự biến đổi không ngừng. Nhưng cũng như trong kiến trúc, việc xây dựng, phát triển công nghệ luôn dựa trên một số nền móng cơ bản, ít biến đổi. Cụ thể, nền móng của ngành này là ngôn ngữ lập trình Java, Python, C++, và Scrip; toán học và logic học; các hệ điều hành, mạng máy tính,…
Đánh giá về thị trường lao động, theo ông Chu Tuấn Anh với 2 mảng liên quan đến phần cứng và phần mềm, thì lĩnh vực gia tăng nhiều giá trị, đem lại mức lương cao đó là các công việc liên quan đến xử lý phần mềm.
Ở đây, trong giai đoạn hiện tại, đa phần nhu cầu tuyển dụng đến từ lập trình phần mềm quản lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh dự đoán, trong 3 năm tới, nhu cầu này sẽ giảm đi và thay thế vào đó là các lĩnh vực về AI, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Thí sinh có thể cân nhắc lựa chọn ngành học để đón đầu xu hướng.

Ngành Công nghệ thông tin có nhiều tiềm năng phát triển nhưng không ít cạnh tranh (Ảnh: Hữu Thắng).
Theo anh Hoàng Ngọc Long – Kỹ sư Công nghệ thông tin, đây là lĩnh vực buộc phải đối mặt với mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
"Sự cạnh tranh trong ngành đến từ cả nguồn cung nhân lực và nhu cầu thị trường. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng mạnh, cùng với các lập trình viên tự học và chuyển ngành, tạo ra một thị trường lao động đông đúc.
Đặc biệt, các vị trí như lập trình viên, kỹ sư AI, và chuyên viên dữ liệu thu hút nhiều ứng viên do mức lương hấp dẫn, từ 10 đến hơn 100 triệu đồng/tháng", anh Ngọc Long chia sẻ.
Ngoài ra, yêu cầu trình độ vô cùng cao khi ứng viên phải có ngoại ngữ tốt, tư duy Agile (linh hoạt) và khả năng thích nghi với công nghệ mới như AI, Cloud, hay blockchain.
Tuy nhiên, đây vẫn là một công việc có mức lương hấp dẫn, theo anh Long nếu sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, lượng có thể nằm trong khoảng từ 8-15 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn đối với những bạn thật sự xuất sắc, có kinh nghiệm thực tập tốt hoặc kỹ năng chuyên môn sâu. Mức lương này sẽ tăng rất nhanh sau 1-2 năm kinh nghiệm.
Để có sự khởi điểm an toàn, các bạn muốn theo ngành này cần bắt tay vào học tập từ sớm, liên tục thực hành. Viết code thật nhiều, xây dựng các dự án cá nhân, tham gia các cuộc thi lập trình, đóng góp cho mã nguồn mở là một trong những cách giúp các em làm quen với toàn bộ quy trình phát triển, sử dụng các công cụ.
Ngành Công nghệ thông tin hiện nay rất đa dạng và có nhiều lĩnh vực hấp dẫn như phát triển phần mềm; phát triển giao diện người dùng trên web; phát triển ứng dụng trên di động (iOS, Android); phát triển game; phân tích dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Data Science & AI/ML); quản lý các dự án phần mềm hoặc hạ tầng.
Trước ma trận như vậy, thay vì học dàn trải quá nhiều, sinh viên nên chọn một vài mảng bạn thấy hứng như phát triển web frontend, mobile Android, phân tích dữ liệu,….để học tập chuyên sâu.