“Tình yêu chính là sự giải thoát, tự do duy nhất khỏi bám víu ràng buộc. Một khi bạn yêu được tất cả, bạn sẽ xả ly, không còn bám víu vào một cái gì nữa hết.”
Thực ra, người ta cần phải hiểu thực tế hiện tượng của sự chấp thủ ràng buộc. Tại sao bạn lại bám víu vào một cái gì đó? Bởi vì bạn sợ sẽ mất nó. Có thể sẽ có một kẻ nào đó đánh cắp vật ấy đi. Bạn sợ cái vật mà bạn cưng yêu qúi chuộng đó nắm chắc trong tay bạn ngày hôm nay, nhưng ngày mai nó lại thuộc về người khác.
Ai mà biết được ngày mai cái gì sẽ xảy ra? Người đàn bà mà bạn yêu hay người đàn ông mà bạn yêu đó - một hành động nào cũng có thể xảy ra, bạn có thể đến gần người đó hơn, nhưng cũng có thể bạn cách xa họ hơn. Bạn có thể lại trở thành những người xa lạ với nhau hay có thể bạn và người đó sẽ gần gũi thương yêu nhau như một đến nỗi mà nếu ai đó nói là hai thì bạn sẽ dẫy nẫy lên phản đối; lẽ dĩ nhiên là hai cơ thể nhưng chung một nhịp đập con tim, và bài hát của con tim chỉ là một, duy nhất, và bạn sẽ cảm nhận được một trạng thái xuất thần bao phủ chung quanh bạn như mây. Bạn biến mất trong vùng tâm trạng xuất thần đó: bạn không phải là bạn nữa, không còn là bạn nữa, tôi không phải là tôi nữa.
Tình yêu trở thành tổng thể, tình yêu thật nhiệm mầu, kỳ diệu khôn tả đến nỗi bạn không còn là bạn nữa, bạn đã đắm mình trong tình yêu, trong chính bạn và biến mất.
Trong sự hòa mình và biến mất đó, ai sẽ bị bám víu, ai là người bám víu, và bám víu vào ai? Vạn vật vạn sự đương là. Khi tình yêu nở hoa khai nhụy trọn vẹn, vạn vật vạn sự đơn giản đương là. Sự lo sợ một ngày mai nào đó không sanh khởi được, bởi vì không có cái câu hỏi của sự bám víu, ràng buộc, chấp trước, không có cái câu hỏi của hôn nhân, của tất cả những cái gọi là hiệp ước, hôn ước, trói buộc…
Những thủ tục hôn nhân của các bạn là gì, có phải chăng chỉ là những ký kết thỏa hiệp mua bán, trao đổi nếu thực sự các bạn không thẩm thấu được ý nghĩa một tình yêu thực sự. Chúng ta lên án nhau, lên án tình yêu trước mặt quan tòa. Quả đúng thế đấy, chính bằng phương cách đó, các bạn đã lăng mạ sỉ nhục tình yêu! Các bạn tuân thủ theo luật pháp, cái luật pháp thế gian, cái luật pháp tồi tệ nhất, xấu xa nhất trong thế giới hiện hữu này. Khi các bạn mang tình yêu trinh nguyên ra trước pháp luật để tuyên thệ... các bạn đã vi phạm vào một sai lầm không thể tha thứ được. Các bạn đã tự lập ra một cam kết, tự nói lên lời tuyên thệ trước mặt ông quan tòa ở tòa án rằng: “Chúng tôi muốn kết hôn và chúng tôi bằng lòng sẽ giữ nguyên vẹn hôn ước này. Đó là lời hứa của chúng tôi trước pháp luật. Chúng tôi sẽ không bao giờ chia tay và chúng tôi sẽ không lừa dối nhau”. Các bạn không nghĩ đó là sự sỉ nhục tình yêu sao? Các bạn không phải đã đặt để cái pháp luật thế tục đó lên tình yêu sao?
Luật pháp là để dành cho những kẻ nào không biết đến ý nghĩa Tình Yêu, không biết yêu là thế nào, yêu ra làm sao. Luật pháp là dành cho kẻ mù đui, không phải cho những ai có cặp mắt trí tuệ. Luật pháp là dành cho những kẻ đã lãng quên ngôn ngữ của con tim và chỉ có ngôn ngữ của trí óc.
Sự ràng buộc chấp thủ là lòng tham muốn mong cầu chiếm giữ đối tượng của mình trong tay, là sự khát khao người hôn phối, người yêu của mình không bao giờ thay đổi. Tình yêu là toàn cầu. Tình yêu không mời chào một số người nào đó đến ăn mừng, tình yêu mời hết trăng sao, mặt trời, hoa lá, cỏ cây, chim chóc đến vũ hội; cả vũ trụ đều hân hoan chào đón ăn mừng tình yêu. Tình yêu không cần gì hết - chỉ một đêm huyền ảo đầy trăng sao lấp lánh lung linh trên trời thôi - bạn còn đòi hỏi gì nữa cơ chứ?
Cái giây phút mà tình yêu trở thành sự ràng buộc trói giam dính mắc, tình yêu đó là một sự ái kết. Cái giây phút mà tình yêu trở thành một nhu cầu đòi hỏi, tình yêu đó là tù ngục. Nó đã thiêu hủy tự do của bạn, bạn không thể bay cao trên nền trời xanh lơ kia, bạn đã như con chim bị cắt cụt cánh, bạn đã bị giam cầm. Và người ta thường băn khoăn tự hỏi... và ngay chính tôi, tôi cũng thường băn khoăn tự vấn lòng mình: “Tại sao tôi có thể sống lặng lẽ, an nhiên một mình? Tại sao tôi có thể sống cô đơn như vậy?”
Thực ra, những con người tự cho là “văn minh” đó không biết và cũng không thể nào an nhiên hân hưởng được cái thú của sự nổ lực leo tới đỉnh cao của “Niềm Cô Tịch” Đã có hàng triệu người chưa bao giờ và không bao giờ ngẩng mặt lên nhìn trời cao kia, mắt của họ dán chặt xuống đất y thể như là họ sợ các ngôi sao lấp lánh kia sẽ rơi rụng xuống đầu họ vậy. Như thế, chỉ có rất ít, rất ít người thôi muốn hưởng và thích thú được ngủ dưới bầu trời đầy sao đêm, muôn muôn triệu triệu vì sao thì thầm bên tai theo làn gió. Tại sao vậy? Tại sao chỉ có rất ít người muốn sống cô tịch, lặng lẽ? - tại vì nỗi sợ hãi bóng đêm, sợ hãi sự mênh mông bát ngát vô tận của không gian, sợ hãi niềm cô quạnh của thân tâm, sợ hãi cái vắng vẻ không một bóng người bên cạnh đã và đang vây hãm cuộc đời con người thế tục của họ.
Nếu người ta hiểu thấu triệt được rằng tình yêu là sự gặp gỡ thánh thiện của hai tâm hồn - chứ không phải là dục vọng sinh lý trần tục của người nam và người nữ - thì lúc đó tình yêu mới chắp cánh bay cao, tình yêu sẽ ban phát cho bạn sức sống nội tâm sung mãn để bạn mạnh bước vào dòng đời luân chuyển, và lúc ấy những đôi tình nhân, lần đầu tiên, sẽ trở thành những người bạn thân thiết, những thiện tri thức của nhau - nếu không, họ mãi mãi là những kẻ thù sống trá hình bên nhau.
Tình yêu tự ngã trong sáng minh mẫn là một giá trị tâm linh rất tuyệt vời. Người nào không trân qúi được chính mình sẽ không có khả năng yêu thương được người khác, không bao giờ. Gợn sóng đầu tiên của biển tình yêu phải được sanh khởi phát xuất tự trái tim bạn. Nếu mặt biển tình yêu trong bạn không khởi động được lớp sóng vỗ nào cho chính bạn thì làm sao nó có thể rung động cho người khác được, bởi vì ngay chính bản thân mình còn không đủ khả tánh yêu thương tự lấy chính mình thì người khác sống cách xa, bên ngoài, làm sao có thể đón nhận được nguồn rung cảm yêu thương?
Mỗi người, tự nơi chính mỗi người, phải yêu thương chính thân mình, phải yêu chính tâm hồn mình, phải yêu chính tổng thể con người mình. Điều đó cũng tự nhiên thôi, không có gì lạ cả; nếu không bạn sẽ không thể sống còn được, và cũng ngay chính sự yêu thương mình đó rất tuyệt vời vì nó làm cho bạn đẹp hơn. Người nào yêu thương chính hắn sẽ trở nên dễ mến hơn, lịch sự hơn, nhã nhặn hơn. Người nào có khả tánh tự yêu thương chính mình sẽ trở nên trầm lặng hơn, thiền định hơn, thành khẩn hơn kẻ không biết yêu chính mình.
Cái “ta” và “tình yêu” không thể hiện hữu cùng một lúc, không thể phát khởi cùng nhau được. Chúng giống như ánh sáng và bóng tối: khi ánh sáng xuất hiện, bóng đêm tan biến. Khi bạn biết cách yêu lấy chính bạn, thiệt lạ lùng thay - bạn sẽ thấy rõ là “cái tôi” trong bạn đã bị đào thải và biến mất.
Hãy nhận định rõ điểm khác biệt này: Người biết yêu mình không phải yêu cái bóng phản chiếu của chính họ, họ chỉ đơn giản yêu chính con người họ, yêu bản thể của chính họ. Không cần có một tấm gương nào cả, người đó quán chiếu nội tri, “thấu suốt, biết rõ” nội tâm mình. Bạn cũng vậy, bạn không rõ biết chính bạn sao? Bạn phải cần một bằng cớ nào đó để chứng minh cho bạn à? Bạn cần có một tấm gương để chứng minh là bạn đang hiện hữu đây sao? Nếu không có tấm gương phản chiếu hình bóng bạn, không lẽ bạn sanh lòng nghi ngờ về chính sự hiện hữu của mình?
Anh chàng Narcissus đã mê say cái hình bóng phản chiếu của anh ta - không phải chính con người anh ta. Đó không phải là tình yêu chân thật. Narcissus đã yêu say đắm cái bóng phản chiếu và cái bóng phản chiếu lại là một cái khác, không phải bản thể. Narcissus đã bị phân hai, bị chia chẽ. Narcissus đã bị phân tách, anh chàng đã bị liệt kê vào danh sách những kẻ bị tâm thần phân liệt - có nghĩa là Narcissus đã biến thành hai - kẻ yêu và đối tượng được yêu. Narcissus đã tự biến mình thành đối tượng ưa thích của chính mình, và điều đó đã xảy ra cho rất nhiều người mà ngay chính họ, họ tưởng lầm là họ đã yêu thực sự.
Khi bạn gặp một phụ nữ, bạn thấy thích cô ta và sau đó bạn mê say cô ta; nhưng hãy coi chừng, bạn ạ, hãy cẩn thận cảnh giác - có thể đó không phải là tình cảm thực sự trong lòng bạn đâu, có thể đó chỉ là cái cảm giác vị kỷ mà thôi. Gương mặt của người phụ nữ đó, đôi mắt của nàng, những lời nói dịu dàng êm tai của nàng, v.v. có thể đơn giản chỉ là mặt hồ nước trong veo kia mà trong đó bạn thấy cái bóng phản chiếu của chính bạn.
Đó là những gì mà bạn định nghĩa là tình yêu! Thực ra đó chỉ là những bóng dáng của tự ngã ích kỷ tự lợi - người đàn ông là cái hồ nước phản chiếu cái bóng của người đàn bà, và người đàn bà là cái hồ nước phản chiếu cái bóng của người đàn ông. Thực tế, cái hồ không những phản ảnh cái sự thật trơ trẽn đó mà còn tô son điểm phấn lên cái sự thật đó nữa bằng cả hàng ngàn lẻ một cách khác nhau để lừa gạt cảm giác của con người. Đó là cái mà người ta mệnh danh là tình yêu, nhưng thực sự đó không phải là tình yêu chân chính mà là sự đồng điệu thỏa mãn khoái cảm cá nhân.
Tình yêu chân chính không biết đến cái gì gọi là “cái ta” cả và trước tiên, tình yêu chân chính được khởi nguyên như là tình yêu tự ngã. Lẽ dĩ nhiên, bạn sở hữu thân xác này, cái con người này, bạn sanh rễ nẩy mầm tự trong nó - hãy an hưởng, hãy chăm sóc con người bạn, hãy chào đón nó! Và cũng không có một câu hỏi nào dấy lên vì hãnh diện tự hào vênh váo về cái thân xác này vì bạn đâu có so sánh chính bạn với bất cứ một người nào khác đâu. Cái “tôi”, cái bản ngã đầy kiêu căng hợm hĩnh đáng ghét chỉ dấy khởi khi bạn so sánh cái này với cái kia mà thôi. Tình yêu không biết đến cái gì gọi là so sánh - bạn là bạn, đơn thuần là bạn, thế thôi, không có gì để so sánh phân biệt. Bạn không nói có một người nào đó thấp kém hơn bạn, bạn không so sánh bạn với một ai, với một cái gì cả. Một khi tâm so đo phân biệt dấy động sanh khởi, bạn hãy nhớ biết cho rằng đó không phải là tình yêu; đó là cái mẹo, cái mưu chước, cái cạm bẫy của bản ngã đấy.
Trong chân tình, không có sự phân chia. Những người yêu nhau tan biến, hòa lẫn vào nhau, không ranh giới. Nhưng trong tình cảm vị kỷ cá nhân thì có sự phân chia: sự phân biệt giữa người yêu và kẻ được yêu; có đối tượng, có chủ thể. Trong chân tình, không có sự giao kết giữa người này và người kia. Tôi trịnh trọng nhắc lại là trong tình yêu chân thực, không có sự giao kết của hai đối tượng: người yêu và người được yêu, không có sự liên quan của hai cá thể. Trong chân tình, chỉ có tình yêu, chỉ có mùi hương thơm ngát, chỉ có sự đơm hoa nở nhụy, chỉ có sự tan hòa vào nhau, tương hội cùng nhau như nước với sữa. Trong sự vị kỷ phân biệt thì có người nào đó yêu và đối tượng được hắn ưa thích, có mình có người, có cái Ta và cái của ta, và một khi nơi nào có người yêu và người được yêu, có đối tượng có chủ thể thì tình yêu vỗ cánh bay xa. Và ngược lại, bất cứ nơi nào có chân tình thì cả hai đối tượng chủ thể và khách thể đó biến mất trong tình yêu bao la bát ngát.
Tình yêu là một hiện tượng dị thường, bạn không thể nào sống sót lây lất trong nó được mà bạn cần phải “chết thật” một lần trong tình yêu để được “sống thật” một lần với chính mình.
Hãy yêu chính mình, yêu thật nồng nàn, yêu thật tha thiết và trong tình yêu chân thật đó, tự ngã của bạn, cái “tôi” của bạn và tất cả những điều vô nghĩa khác đều biến mất; và một khi những sự vô nghĩa phi lý đó không còn, tình yêu của bạn sẽ trãi dài rộng ra đến tất cả mọi người, không còn là sự liên kết mà là sự chia xẻ cùng mọi người. Không còn chủ thể/ khách thể nữa mà là sự tan hòa trộn lẫn vào nhau, cùng nhau, cho nhau. Từ sự hòa tan bản thể vào nhau đó, bạn sẽ nếm được hương vị nghịch lý cuộc đời.
Tại sao gọi tình yêu là thú đau thương?
Vì sợ cái thú đau thương của tình yêu, hàng triệu triệu người đã sống một cuộc đời không có hương vị tình yêu; nhưng họ vẫn thấy đau khổ và sự đau khổ đó của họ thực sự thật vô ích. Đau khổ trong tình yêu không phải là đau khổ trong tuyệt vọng. Đau khổ trong tình yêu là nỗi đau có tánh chất sáng tạo; nó giúp cho bạn vươn tới tầng cấp ý thức triệt để. Nhưng nỗi đau không có chút tình cảm bên trong sẽ là nỗi đau thừa thãi, vô nghĩa, nó chẳng đưa bạn tới một nơi chốn nào cả, nó ôm ghì lấy bạn trong vòng tròn phiền não nghiệt ngã mà thôi.
Người không có tình yêu là một kẻ sống vị kỷ, cá nhân. Hắn không thể ngờ rằng sự tương quan giữa con người với nhau như là một tấm gương và tình yêu càng trong sáng, tinh khiết, vị tha bao nhiêu, tấm gương sẽ càng sáng loáng lên bấy nhiêu. Bạn cũng vậy, bạn phải biết quăng bỏ cái mặt nạ, cái áo giáp đã che dấu gương mặët thật, con người thật của bạn từ bấy lâu nay.
Tình yêu là bầu trời rộng mở, là vũ trụ thênh thang. Yêu là xoãi cánh bay vút cao trong lòng vũ trụ thênh thang bao la đó, nhưng oái oăm thay, bầu trời vô tận, vũ trụ vô hạn kia đã khiến con người hãi sợ, bởi vì từ lúc chúng ta còn bé thơ, chúng ta đã được dạy bảo là phải vun trồng chăm sóc bản ngã. Chúng ta đã tưởng rằng bản ngã là gia tài duy nhất của chúng ta, và vì thế chúng ta đã lo lắng, đã ra công bảo vệ, đã tô điểm vẽ vời cái bản ngã đó; chúng ta đã hết lòng đánh bóng nó. Nhưng khi tình yêu gõ cửa thì chuyện cần phải làm là phải quăng bỏ, phải xả ly cái bản ngã, và đương nhiên, việc cần phải làm đó đã làm chúng ta đau đớn. Vâng, đúng vậy, vì sao? Vì sự bảo vệ tô bồi cái bản ngã cá nhân là tất cả những gì con người đã làm và đang làm. Tôi đã làm, bạn đã làm, mọi người chung quanh chúng ta đã làm. Đó là tất cả những gì mà chúng ta đã cấy tạo - cái bản ngã xấu xa, cái bản ngã to lớn cồng kềnh, hợm hĩnh, cái bản ngã nhỏ mọn hẹp hòi - và rồi từ cái bản ngã đó nẩy sinh tư tưởng thiển cận: “Có một cá nhân độc lập đang tách rời hiện hữu".
Có nhiều người đã quên và đắm mình trong hoan lạc tình dục vì họ cho rằng tình dục không nguy hiểm và không có trách nhiệm với ai cả. Tình dục chỉ là phương cách tạm thời, bạn trốn tránh tình yêu và sử dụng tình dục như là một phương pháp trốn tránh sự thật. Khi bạn giao hoan với một người đàn ông hay người đàn bà, bạn không hề chạm đến gương mặt thật của họ, bạn thực sự đang tránh né va chạm đến linh hồn của đối tượng. Bạn chỉ sử dụng cái thân xác của người đó để trốn tránh chính bạn, và người đó cũng vậy, họ cũng đang sử dụng thân xác bạn để trốn tránh chính họ. Cả hai không bao giờ chạm đến gương mặt trinh khiết thực sự của chính mình.
Công án tình yêu thật đau đớn, khó khăn, nhưng đừng tránh né nó. Nếu bạn tránh né, bạn đã mất luôn cơ hội lớn nhất để “trưởng thành.” Hãy dấn thân vào trong tình yêu, hãy đón nhận tình yêu, chua xót trong nó, ngậm ngùi đau đớn trong nó, bởi vì chính trong đau khổ tột cùng, niềm an tịnh thường hằng sẽ xuất hiện.
Tột đỉnh của tình yêu là đau khổ; tột đỉnh của đau khổ là an định, bình lặng. Bạn hãy ngắm nhìn những đợt sóng biển kia, sóng biển hung hăng tung lên thật cao và rồi dập mạnh xuống ghềnh đá và rút cuốn vào lòng biển trở lại. Tất cả nhịp sống vũ trụ đều theo một qui luật nhất định - thăng trầm biến đổi miên tục. Phải, đúng vậy, đó là sự thống khổ, là đau đớn, là kham nhẫn, là lãnh chịu, nhưng trong sự bi thống đó, niềm an tịnh bất biến thường hằng mới sanh khởi. Phải, bạn phải chết đi cái bản ngã của bạn, và một khi bản ngã của bạn có thể tiêu trừ đi được, bạn sẽ tái sanh, sẽ phục sinh như Chúa, như Phật, như Bồ Tát.
Cao Bảo Vy (theo Cosmopolitan)