Niềm tin của người tiêu dung bị "đánh cắp"
Bê bối thịt ngựa - thịt bò bắt đầu từ ngày 7/2, Cục An toàn thực phẩm Anh (FAS) tuyên bố phát hiện thịt ngựa có lẫn trong các sản phẩm thịt bò băm đông lạnh nhãn hiệu Findus (Thụy Điển) và Tesco (Anh) với tỉ lệ trên 60%.
Sự việc tưởng chừng chỉ dừng lại ở mức "nhầm lẫn" trong khâu sản xuất ở một hoặc một số gói thịt bò nhưng đến ngày 11/2, nhà bán lẻ lớn nhất nước Anh Tesco bỗng dưng lên tiếng thừa nhận một số sản phẩm bán chạy nhất của công ty như mì Italy thịt bò pha trên 60% thịt ngựa. Đồng thời, Tesco đã xin lỗi người tiêu dùng và rút hết các sản phẩm "bị lỗi" ra khỏi kệ cửa hàng và siêu thị của công ty.
Sản phẩm Lasagne Beef của Hãng Findus bị phát hiện có chứa phần lớn thịt ngựa
Các cuộc điều tra bắt đầu mở ra trên diện rộng. Các điều tra viên cho biết, nguồn gốc số thịt bò này đều xuất phát từ các lò mổ ở Romania. Nhà sản xuất thịt À la Table de Spanghero của Pháp đã nhập thịt ngựa từ các lò mổ này, bán lại cho một chi nhánh của công ty chế biến thực phẩm đông lạnh Comigel của Pháp ở Luxembourg. Sau khi chế biến thành thịt băm, trộn lẫn với thịt bò, bột mỳ và chất bảo quản đông lạnh đóng gói với tên gọi lasagne beef (thịt bò sốt cà chua) mang nhiều nhãn hiệu khác nhau như Findus, Auchan, Carefour, Cora, Picard… rồi phân phối sang Pháp, Anh và Thụy Điển.
Ngay khi sự việc bị phanh phui, người tiêu dùng thế giới đã vô cùng giận dữ bởi niềm tin của họ đặt vào các công ty danh tiếng quá lớn và lòng tin đó đã bị coi thường một cách trắng trợn. Hơn nữa, đây không phải lần đầu xảy ra vụ việc gây xôn xao như thế này.
Cách đây khoảng một tháng, thông qua phương pháp xét nghiệm ADN, Cục An toàn thực phẩm Ireland (FASI) đã phát hiện ra thịt ngựa (10 mẫu) và thịt lợn (23 mẫu) trong số 27 mẫu thịt bò viên bánh hamburger trong các siêu thị ở Anh và Ireland.
Khi lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng, Tesco giải thích: "Sở dĩ có hiện tượng không mong muốn này là do dây chuyền sản xuất nhiều loại thịt nên đã vô tình đóng gói lẫn thịt này với thịt nọ". Tuy nhiên, lời giải thích đó không có sức thuyết phục với người tiêu dùng và các chuyên gia ngành thực phẩm.
Theo dư luận, câu trả lời đúng nhất là các công ty thực phẩm này đang chạy theo lợi nhuận một cách mù quáng bởi giá thịt lợn và thịt ngựa rẻ hơn thịt bò rất nhiều (chênh lệch hơn 1,5 euro, tức là chưa bằng một nửa giá thịt bò). Vấn đề pha thịt ngựa và thịt lợn vào bánh hamburger nhân thịt bò không chỉ là lợi nhuận mà còn liên quan đến tín ngưỡng bởi một số tôn giáo như đạo Hồi không ăn thịt lợn.
Cộng đồng Hồi giáo ở Anh và Ireland rất đông nên vụ việc này khiến người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm và yêu cầu được bồi thường. Riêng đối với người dân Anh và Ireland, lừa bán thịt ngựa còn là một sự sỉ nhục lớn bởi trong cộng đồng những người nói tiếng Anh, kể cả người Mỹ và người Canada, thịt ngựa nằm trong danh sách thực phẩm cấm kỵ.
Theo nhà nhân loại học Marvin Harris, sở dĩ thịt ngựa không được coi trọng vì so với loài nhai lại như bò và cừu thì hiệu suất biến cỏ thành thịt kém rất xa. Nhưng quan trọng hơn cả có lẽ là do yếu tố tình cảm. Từ xưa đến nay, ngựa vốn là con vật có quan hệ gần gũi với con người như vật cưng nên việc ăn thịt ngựa cũng giống như ăn thịt chó mèo.
Điều này rất khó chấp nhận đối với người dân phương Tây. Chính vì vậy, việc siêu thị bán thịt bò pha thịt ngựa đã làm người Anh và Ireland căm phẫn. Họ đòi nhà cầm quyền trừng phạt nghiêm khắc những kẻ lừa đảo và có những biện pháp thích đáng nhằm ngăn ngừa những trường hợp tương tự như thế trong tương lai.
Ngựa là loài vật gần gũi với con người
Bê bối lan rộng khắp thế giới
Cho đến hiện tại, chấn động thịt ngựa giả thịt bò đã lan rộng khắp châu Âu và sang tận châu Á với điểm bùng phát đầu tiên là ở Hong Kong (Trung Quốc). Cơ quan An toàn thực phẩm Hong Kong đã yêu cầu ParknShop, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất nơi đây, thu hồi món lasagne (thịt xốt cà chua) của công ty thực phẩm đông lạnh Findus do nghi ngờ sản phẩm này có thành phần thịt ngựa. Ngay lập tức, món Lasagne nhập khẩu từ châu Âu đã bị cấm bán tại thị trường Hong Kong.
Trong khi đó tại châu Âu, vụ bê bối thịt ngựa giả thịt bò đã lan rộng ra nhiều nước châu Âu với tốc độ rất nhanh như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Slovenia và giờ đây là Cộng hòa Séc. Cộng hòa Séc là nước mới nhất phát hiện có thành phần thịt ngựa trong hai mẫu thực phẩm thịt bò đông lạnh nhập từ Luxembourg.
Cơ quan Kiểm tra nông nghiệp và thực phẩm CH Séc cho biết, các mẫu thực phẩm được lấy tại chi nhánh của chuỗi siêu thị Tesco ở thành phố miền Tây Pilsen. Kết quả xét nghiệm ADN trên các sản phẩm đông lạnh liên quan đến thịt bò phần lớn là thịt ngựa dán nhãn thịt bò. Tất nhiên, giới chức nước CH Séc đã buộc Tesco phải thu hồi sản phẩm này tại tất cả các chi nhánh trong cả nước.
Đến hiện tại, cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) của Anh đang tiếp tục mở rộng kiểm tra các sản phẩm được chế biến từ thịt, kể cả các đồ ăn chế biến sẵn. Mặc dù các quan chức Bộ Y tế Anh và chuyên gia bộ phận kỹ thuật hãng Tesco khẳng định, thịt ngựa không có hại cho sức khỏe con người, nhưng mới đây cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) tuyên bố đã phát hiện chất cấm trong thịt ngựa.
Tuyên bố này khiến dư luận trở nên hoang mang, hơn bao giờ hết khi tình trạng sức khỏe con người đang được đặt lên hàng đầu. Ông Benoit Hamon, Bộ trưởng Pháp phụ trách tiêu dùng, cho biết Cục Thú y của Bộ Nông nghiệp Pháp đã được lệnh kiểm tra số thịt ngựa giả thịt bò xem có chứa thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh hay không. Nếu tồn dư thuốc với liều lượng cao còn lại trong thịt thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. FSA cho biết đã kiểm tra xác 206 con ngựa bị giết mổ ở Anh và trong số đó có tám con ngựa nhiễm chất phenylbutazone.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, phenylbutazone là thuốc giảm đau và chống sốt ở động vật. Từ lâu chính quyền nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh đã cấm sử dụng loại thuốc này đối với người bởi nó có những tác dụng phụ nguy hiểm như giảm khả năng tái tạo bạch cầu trong cơ thể người và gây ra chứng thiếu máu.
Giới chức trách châu Âu đang xét nghiệm hàng ngàn gói thịt ngựa giả thịt bò và 4.000 xác ngựa để xác định chúng có bị nhiễm thuốc phenylbutazone hay không. Kết quả dự kiến được công bố vào giữa tháng 4/2013. Theo báo Globe & Mail, nhiều chuyên gia y tế khu vực lo ngại thời gian qua người tiêu dùng châu Âu có thể đã ăn phải thịt ngựa đua giả thịt bò, bởi ngựa đua thường được chữa bệnh bằng loại thuốc phenylbutazone.
Đối với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở châu Âu, vụ việc chắc chắn sẽ gây những tác động xấu. Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng đến đâu thì vẫn cần chờ thời gian bởi việc điều tra vẫn chưa kết thúc, mỗi ngày lại có thêm một vài công ty phân phối thực phẩm bị phát giác gian lận.
Nestle cũng dính vào bê bối "thịt ngựa giả thịt bò" Tập đoàn sản xuất thực phẩm Thụy Sĩ Nestle vừa ra thông báo thu hồi hai loại thức ăn làm sẵn nhân thịt bò có tên thương mại là Buitoni Beef Ravioli và Beef Tortellini tại Tây Ban Nha và Italy. Nestle giải thích quyết định được đưa ra sau khi các xét nghiệm ADN cho thấy có "dấu vết" của thịt ngựa trong những sản phẩm nói trên, với tỷ lệ trên 1%. Tuy các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm vẫn được đảm bảo nhưng việc có trộn lẫn thịt ngựa là không thích hợp với một món ăn dán nhãn "100% bò". Nestle còn cho thay thế số sản phẩm này bằng những sản phẩm được đảm bảo làm hoàn toàn từ thịt bò. Số thức ăn làm sẵn "có vấn đề" do hãng H.J Schypke của Đức sản xuất cho Nestle. Nestle khẳng định đang tiếp tục tiến hành hàng loạt thử nghiệm tại các cơ sở sản xuất của hãng ở châu Âu để đảm bảo không sai phạm nào bị bỏ sót. |
H.N (Theo AFP/Mirror/BBC)