Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, hiện cảng Cát Lái, TP.HCM là đầu mối nhập khẩu chủ yếu lượng tôm hùm đất hấp, đông lạnh về Việt Nam.
Tổng cục Hải quan khẳng định: Qua khai thác dữ liệu trong cơ sở dữ liệu điện tử lưu trữ tại Tổng cục Hải quan, theo mô tả hàng hóa do doanh nghiệp khai báo, hiện chưa có dữ liệu về nhập khẩu mặt hàng tôm hùm càng đỏ xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam mà chỉ có tôm hùm đất, tôm hùm đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng đông lạnh, luộc sơ.
Theo đó, số liệu năm 2018 cho thấy, tại cảng Cát Lái - cục Hải quan TP.HCM có mặt hàng tôm hùm đông lạnh (Frozen whole cooked crawfish) và tôm hùm đất luộc sơ đông lạnh với tổng số lượng gần 46,2 tấn với kim ngạch hơn 222.000 USD.
Bước sang năm 2019, qua 5 tháng, Việt Nam đã nhập gần 30 tấn tôm hùm các loại, trị giá hơn 132.000 USD, giá bình quân khai báo của doanh nghiệp nhập chỉ 101.000 đồng/kg.
Với thông báo trên của Tổng cục Hải quan, việc nhập khẩu chính ngạch tôm hùm đất còn sống là chưa ghi nhận trường hợp nào và không có từ năm 2018 cho đến nay.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, thời gian qua đã xuất hiện trường hợp nhập lậu tôm hùm đất vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, cửa biển hay biên giới đất liền từ Trung Quốc. Gần đây, cơ quan chức năng đã bắt giữ gần 1 tấn tôm hùm đất từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam tại tỉnh biên giới Lào Cai.
Mới đây, Tổng cục Hải quan cũng "lệnh" cho các Cục, Chi cục Hải quan địa phương tăng cường tra soát cửa khẩu, lối mòn, lối mở khu vực biên giới để ngăn chặn tôm hùm đất nhập lậu vào Việt Nam.
Được biết, tôm hùm đất là nhóm sinh vật ngoại lai, phá hoại mùa màng, thường đào hang, làm hỏng đê điều. Vì là giống ăn tạp, nên tôm hùm đất có khả năng thích nghi tốt với môi trường, dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng. Từ năm 2011, loài tôm này được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, cấm phát triển.
Hải Vân (tổng hợp)