Trong khi dư luận vẫn chưa hết xôn xao về việc Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận số 2222/KL-TTCP ngày 26/8/2016 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), mới đây, đơn vị này lại tiếp tục xin Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước 471 tỷ đồng để trả nợ.
Được biết, bản Kết luận gần 40 trang của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 4 nhóm sai phạm lớn tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, với số tiền có sai phạm hơn 130 tỷ đồng, thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng, gây lãng phí, kém hiệu quả. Trong 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003-2009), VNR đã quyết toán các dự án vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 29 tỷ đồng.
Theo công văn của VNR gửi Thủ tướng báo cáo về việc thực hiện các công trình khẩn cấp tại tổng công ty này và đề nghị một số nội dung để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, các công trình xây dựng mà VNR làm chủ đầu tư đã được triển khai hoàn thành công trình theo đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng. Trong đó, 3 công trình xây dựng mới cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu cơ bản đã hoàn thành vào quý II/2013 và cuối năm 2013.
Tuy nhiên, VNR đang nợ 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013. Tình hình các nhà thầu hiện đang rất khó khăn. Nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng phát sinh mỗi năm hơn 45 tỷ đồng tiền lãi (bình quân mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).
Trước những khó khăn trên, VNR kiến nghị thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước 471 tỷ đồng hoặc bố trí đủ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016, để bộ này giao cho đơn vị thanh toán hết cho các nhà thầu.
Liên quan tới những vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã nhận được thông tin VNR xin ứng tiền trả nợ.
Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, trước năm 2016, VNR là một đơn vị kế hoạch, do đó trước năm 2016, vốn ngân sách được cấp thẳng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đặc biệt là 3 công trình cầu khẩn cấp là cầu Đồng Nai, Tam Bạc và Thị Cầu. VNR có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ là vì 3 dự án trên được được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng, thế nhưng vẫn chưa được cấp vốn đủ mới chỉ được trên 700 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội đã quyết định dừng khai thác đoàn tàu chất lượng cao tuyến Hà Nội – Đồng Đăng (Lạng Sơn). Nguyên nhân tạm dừng đoàn tàu này do ít khách, dẫn đến không phát huy hiệu quả; công tác bảo trì toa tàu đặc chủng khó khăn và thiếu phụ tùng. Đoàn tàu sẽ chỉ được đưa vào sử dụng trong các ngày cao điểm. Tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng được đưa vào hoạt động tháng 5/2015. Đoàn tàu được đưa vào khai thác cho tuyến đường này do Công ty Dongrim (Hàn Quốc) bỏ lại sau khi tuyến Hà Nội – Hạ Long do công ty này đầu tư phá sản năm 2009. Các toa xe được làm mới có bề ngoài và nội thất khác biệt với các toa xe của ngành đường sắt hiện nay: rộng hơn vì chạy trên khổ đường 1,435 m (tàu Thống Nhất chạy trên khổ ray 1 m); nội thất bài trí rộng rãi, bắt mắt. Tần suất khai thác đạt 4 chuyến/ngày, có hành trình 3 giờ 35 phút. |
|
Thế Anh