Theo Đề án Cơ cấu lại của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) mới được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 thông qua, giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tập trung hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm: cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics.
Đối với vận tải biển, VIMC sẽ thực hiện thanh lý 24 tàu với tổng trọng tải khoảng 617.000 tấn (DWT).
Bên cạnh đó, đầu tư 4 tàu container từ 1.700 Teus đến 2.200 Teus và 8 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 tấn (DWT).
Riêng trong năm 2023, VIMC lên kế hoạch bán 9 tàu (tàu hàng rời, tàu container và tàu dầu). Trong đó, có 5 tàu có tuổi đời khoảng 27-29 năm và 4 tàu được đóng từ năm 2006 - 2007. Bên cạnh đó, năm 2023, doanh nghiệp này cũng đầu tư 2 tàu container có trọng tải từ 1700 - 2200 TEU
Dự kiến đến năm 2025, đội tàu của VIMC có tổng số 40 tàu, tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn. Trong đó, đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 tấn DWT (13.000 - 16.000 TEU), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam.
Đối với mảng cảng biển, VIMC xác định phát triển hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn; nghiên cứu đầu tư các cơ sở hạ tầng cảng biển tại các vị trí mới; nâng cấp, mở rộng đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.
Theo đó, VIMC tập trung phát triển hệ thống cảng ở các khu vực trọng điểm như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tp.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cụ thể, ở khu vực Hải Phòng triển khai các dự án: Đầu tư xây dựng Bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện; Đầu tư Giai đoạn 2 Cảng VIMC Đình Vũ; Phát triển hệ thống bến phao tại các khu neo.
Ở khu vực miền Trung, đối với cảng Đà Nẵng, đầu tư chiều sâu, nâng cao khả năng khai thác Cảng Tiên Sa. Đề xuất đầu tư 2 bến khởi động Cảng Liên Chiểu. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm logistics tại Hòa Vang để kết nối, giảm lưu lượng hàng hóa qua cảng Tiên Sa. Nghiên cứu phát triển các bến tàu khách.
Đối với cảng Quy Nhơn sẽ đầu tư nâng cấp mở rộng bến số 1 Cảng Quy Nhơn; dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 (giai đoạn 1, khu đất 3,8ha) và các hạ tầng ICD, kho bãi kết nối.
Ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh, VIMC sẽ tập trung hoàn thành dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Nghiên cứu, đề xuất triển khai Dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn II. Đồng thời huy động nguồn lực, hợp tác với MSC nghiên cứu đầu tư khu bến trung chuyển container quốc tế quy mô lớn tại Cần Giờ, Tp.HCM.
Ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, từ nay đến năm 2030, nghiên cứu tham gia đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn tại khu vực Cái Mép Hạ, đầu tư bến tàu khách.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cảng Cái Cui, thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Cảng VIMC Hậu Giang giai đoạn II.
Với mảng dịch vụ hàng hải, VIMC xác định sẽ phát triển cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với các đối tác để đầu tư, triển khai các dự án ICD, Depot, trung tâm phân phối, trung tâm logistics, ... tại các khu vực Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tp.HCM, ĐBSCL nhằm kết nối với hệ thống cảng biển hiện có, kéo dài chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Dự kiến đến năm 2025, hệ thống cơ sở hạ tầng logistics của doanh nghiệp này sẽ bao gồm: kho, bãi, trung tâm phân phối hàng hoá, đội xe vận tải bộ, sà lan với tổng diện tích kho, bãi khoảng 750.000 m2, đội xe gồm 175 chiếc, sà lan từ 5-10 chiếc cỡ từ 64 teus đến 300 teus.
Trong năm 2023, do đánh giá thị trường sẽ có nhiều khó khăn hơn, VIMC chỉ đặt mục tiêu doanh thu 13.354 tỷ đồng, chỉ bằng bằng 87% so với năm 2022 (15.300 tỷ đồng), trong đó dự kiến doanh thu sẽ giảm mạnh nhất ở khối vận tải biển (dự kiến giảm 1.671 tỷ đồng ở hầu hết các đơn vị).
Về lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp này đặt mục tiêu 2.330 tỷ đồng, bằng 76% so với năm 2022 (3.055 tỷ đồng), trong đó dự báo khối vận tải biển sẽ giảm tới 855 tỷ đồng.