Phát biểu trong hội nghị Tham tán Thương Mại của bộ Công Thương năm 2018 được tổ chức tại TP.HCM vào hôm nay (26/2), Thứ trưởng bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, các cán bộ, cơ quan của bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thương mại, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại.
Theo đó, các Tham tán thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới đang đóng góp thầm lặng vào thành công chung trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Sau báo cáo tóm tắt tình hình thương vụ nổi bật do ông Tạ Hoàng Linh, Vụ Trưởng vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và phát biểu của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, lãnh đạo TP.Cần Thơ, sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, sở Công Thương tỉnh Long An, đại diện sở Công Thương TP.HCM đã có báo cáo, kiến nghị và đề xuất đến bộ Công Thương.
Theo sở Công Thương TP.HCM, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp TP.HCM trong năm qua là 79 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 36 tỷ USD, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và nhập khẩu đạt 43 tỷ USD, chiếm khoảng 21% cả nước.
Trong 36 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỉ trọng 38%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 62%, đều đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao. Trong 43 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu của TP.HCM, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỉ trọng 57% và 43% thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với hoạt động xuất khẩu, TP.HCM tập trung vào các thị trường cơ bản như châu Á (56%), EU – châu Âu (17%), châu Mỹ (23%),… Châu Phi chỉ chiếm 1,5% và châu Đại dương chiếm khoảng 2% tỉ trọng xuất khẩu của thành phố.
TP.HCM cũng thông qua các hệ thống siêu thị Coopmart và siêu thị Big C để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Thái Lan. Từ đó, lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM cũng kiến nghị Bộ phối hợp với Tham tán thương mại các nước để tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp, đội ngũ công chức về kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là đối với nhóm hàng hóa chủ lực như nông – lâm – thủy hải sản, dệt may, sản phẩm điện – điện tử, phần mềm,…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM, cho biết: “Hiện nay, ngành chăn nuôi lợn của cả nước khá vất vả. Trong khi thị trường Trung Quốc khá lớn nhưng chúng ta chưa có kết nối giao thương chính thức qua xuất nhập khẩu mà đang chủ yếu là tiểu ngạch qua biên giới. Vì thế, cần đàm phán để khai mở con đường giao thương chính ngạch, đồng thời chuyển hóa nâng cao chất lượng chăn nuôi hơn nữa”.
Cũng theo ông Hòa, TP.HCM đã triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo trong năm 2017 vừa qua. Trong năm nay, sở Công Thương TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng đề án sàn giao dịch thịt heo để trình UBND TP.HCM.
“Hiện nay, quy mô giao dịch thịt heo của thành phố đã lên đến 500 triệu USD/năm. Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 11.000 con heo. Vì thế, TP.HCM mong muốn đi tiên phong để áp dụng công nghệ kỹ thuật trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp để giữ giá thành ổn định.
Các ban ngành của TP.HCM cũng quyết tâm chấm dứt giết mổ heo theo cách truyền thống trong năm 2018, chuyển sang giết mổ công nghiệp với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, hỗ trợ công tác xuất khẩu trong tương lai”, ông Hòa cho hay.
Hội nghị đã trở thành cầu nối để các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan của bộ Công Thương, các tham tán thương mại trao đổi tình hình giao thương của hàng hóa Việt Nam trên thế giới.