Mong đợi hiệu quả khi thay mô hình
Đầu tháng 8/2023, UBND Tp.HCM đang xúc tiến thành lập Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2023. Chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Sở này được chuyển giao nguyên trạng từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm hiện tại.
Nội dung này được thể hiện trong kế hoạch triển khai chuẩn bị các nội dung trình HĐND Tp.HCM được quy định tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mới được UBND Tp.HCM ban hành.
Trước mắt, UBND Tp.HCM tập trung chỉ đạo triển khai chuẩn bị các nội dung trình HĐND Tp.HCM tại kỳ họp chuyên đề (dự kiến tháng 9 tới). Do đó, các sở ngành, đơn vị được phân công khẩn trương nghiên cứu, xây dựng nội dung tờ trình, đảm bảo đầy đủ hồ sơ, thực hiện đúng quy trình.
Từ cuối tháng 7/2023, Ban Cán sự Đảng UBND Tp.HCM gửi văn bản xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM về đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội.
Việc xây dựng đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm nhằm tháo gỡ những khó khăn và phát huy tối đa những hiệu quả đạt được sau 6 năm thí điểm hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM.
Cử tri Võ Trọng, ngụ huyện Bình Chánh bình luận: “Đến hôm nay mới thành lập Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM là quá muộn. Người dân cả nước nói chung, Tp.HCM nói riêng rất quan tâm vấn đề quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình phức tạp nhiều cơ quan chồng chéo nhau nhưng không ai chịu trách nhiệm”.
Còn cử tri Nguyễn Thị Huệ, quận Phú Nhuận cho rằng, nếu thành lập Sở An toàn thực phẩm thì phải làm tốt chứ thành lập rồi mà cứ thỉnh thoảng lại xảy ra ngộ độc thực phẩm thì tốn rất nhiều chi phí, tiền thuế.
Hay cử tri Nguyễn Thanh Thái Châu, ngụ quận 1 đề nghị công tác quản lý an toàn thực phẩm nâng cao, đổi mới cách kiểm tra, ứng dụng chuyển đổi số để người dân dễ tiếp cận thông tin hơn.
“Đã đến lúc tất cả các tỉnh thành cần nghiên cứu học theo Tp.HCM về vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khoẻ nhân dân và hướng người sản xuất, phân phối, chế biến thực phẩm có đạo đức, trách nhiệm với người tiêu dùng và cộng đồng”, bà Châu nói.
Còn nhiều băn khoăn về cơ chế
Trao đổi với Người Đưa Tin về việc trở thành Sở An toàn thực phẩm, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho hay: "Trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục những gì đang làm, nhưng sẽ rà soát lại tất cả, đặc biệt là mô hình tổ chức, cùng với đó là sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm bài bản nhất”.
Bà Lan chia sẻ, nhân lực của Ban Quản lý An toàn thực phẩm từ ban đầu của 3 Sở (Y tế, NN&PTNT, Công thương) nhập lại là 468 biên chế. Hiện, số người thực sự làm việc còn lại là 381, do nghỉ hưu, nghỉ việc…
Trong những năm qua, Tp.HCM tuyển dụng rất ít, chỉ mới có đợt tuyển dụng năm 2018, nên lực lượng mới bổ sung không kịp. Bản thân Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng bị cắt biên chế khi chuyển đổi viên chức thành công chức. Vì thế, khi thành lập Sở, cơ quan này đề xuất giữ nguyên biên chế như lúc đầu, bởi có nhiều công việc cần thiết cần người để làm.
Ví dụ như hiện nay, về hồ sơ công bố sản phẩm thì doanh nghiệp tự công bố, tức doanh nghiệp đáp ứng hồ sơ đầy đủ và gửi cho cơ quan quản lý để đưa lên mạng. Còn nhiệm vụ cơ quan quản lý là hậu kiểm. Ở Tp.HCM, số hồ sơ này từ 2018 đến nay lên hơn 200.000 sản phẩm.
“Như vậy, nếu hậu kiểm tất cả thì lực lượng không đủ. Còn không hậu kiểm thì chẳng khác nào "thả gà ra đuổi", rất khó khăn. Nhưng ban cũng linh động, chia ra các nhóm sản phẩm, ưu tiên tập trung kiểm tra nhóm nguy cơ”, bà Lan chỉ ra.
Đối với phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn, bà Phạm Khánh Phong Lan băn khoăn khi “còn một số lĩnh vực chúng tôi đã đề xuất UBND Tp.HCM nhưng chưa được phân công triệt để”.
Theo đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề xuất, những trường hợp thuộc về doanh nghiệp, công ty thì do Ban này cấp phép giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Còn những hộ kinh doanh cá thể do quận, huyện cấp đã tiến hành. Đến nay chỉ mới cho phép phân cấp trong lĩnh vực y tế, còn lĩnh vực công thương và nông nghiệp thì chưa phân cấp nên bà Phong Lan đề nghị khi thành lập Sở An toàn thực phẩm cần phân cấp hoàn chỉnh.
Công tác thanh tra hiện nay cũng còn nhiều bất cập vì hiện là thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất. Nhưng thanh tra theo kế hoạch có hạn chế là mỗi cơ sở chỉ thanh tra tối đa 1 lần trong năm, dẫn đến tư tưởng đã kiểm tra rồi thì cả năm “thả cửa”.
“Chưa kể là cách thanh tra phải lập danh sách, kế hoạch, gửi công văn cho cơ sở được thanh tra. Cho nên đừng ngạc nhiên là đa số các vụ thanh tra không phát hiện được gì. Còn thanh tra đột xuất đâu phải lúc nào cũng được, phải có khiếu nại, tố cáo… và phải giải trình cho Thanh tra Tp.HCM là tại sao thanh tra đột xuất cơ sở này, cơ sở kia”, bà Lan phân tích.
Ngoài ra, về lương, thưởng cho nhân viên thuộc quyền Ban Quản lý an toàn thực phẩm hay Sở An toàn thực phẩm cũng cần thay đổi có hướng tốt hơn, để cán bộ nhân viên yên tâm làm việc, làm việc tốt hơn.
Khó quyết liệt xử lý thực phẩm bẩn
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn Luật sư Tp.HCM nêu ý kiến, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự và Luật An toàn thực phẩm. Nếu hành vi vi phạm chưa đủ cấu thành tội phạm hình sự thì sẽ phải xử lý theo Luật An toàn thực phẩm và nghị định hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính.
“Tại sao khó xử lý hình sự hành vi vi phạm này? Thông thường giá trị thực phẩm "bẩn" mà cơ quan chức năng bắt quả tang tại cơ sở chế biến thường thấp hơn so với quy định. Còn việc xác định hậu quả lại rất khó khăn bởi khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm mới có thể phát sinh có hậu quả. Và hậu quả này cũng không biết do thức ăn nào gây ra vì hiện nay nguồn thực phẩm "bẩn" rất đa dạng, phong phú”, luật sư Đức chỉ ra.