Ngày 9/8, UBND TP.HCM có Công văn số 2653 gửi sở Công thương và các quận huyện, TP.Thủ Đức, lãnh đạo các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố về việc tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM.
UBND TP.HCM nhận định, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, thành phố này hiện có 3/3 chợ đầu mối và 201/234 chợ truyền thống, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang tạm ngưng hoạt động để thực hiện phòng chống dịch.
Đặc biệt, nhiều quận huyện không còn chợ truyền thống nào hoạt động nữa khiến việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân tập trung vào hệ thống phân phối hiện đại, tạo thêm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Do đó, UBND TP.HCM chỉ đạo nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương, khôi phục và mở lại các điểm bán mặt hàng thiết yếu tại chợ truyền thống hoặc hình thành các điểm bán nhỏ, ưu tiên mặt hàng tươi sống, rau củ, quả.
Cụ thể, UBND TP.HCM giao sở Công thương chủ động nắm bắt tình hình, chủ động điều phối hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường,…
Sở Công thương phối hợp với các địa phương tổ chức điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoặc các mặt bằng lân cận.
Ngoài ra, sở Công thương cần tăng cường bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến để hạn chế người dân ra đường, hoặc phải di chuyển xa nhà để mua lương thực, thực phẩm.
Hướng dẫn cho UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức tổ chức hoạt động chợ truyền thống và các điểm bán hàng hóa trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
UBND TP.HCM chỉ đạo TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiệm nghiêm chỉ đạo của thành phố về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn, điều chỉnh việc triển khai phiếu mua hàng có hiệu quả.
Các quận huyện có trách nhiệm thông tin cho người dân các điểm bán hàng thiết yếu tại chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng, kênh bán hàng trực tuyến đến nhân dân trên quy mô từng khu phố, phường xã để người dân biết, đến mua sắm.
UBND phường, xã, thị trấn phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân, trong đó ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm.
Tổ chức giám sát, kiểm tra số người đến điểm bán hàng, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, thiếu hàng hóa cục bộ gây bức xúc cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM chỉ đạo các hệ thống bán lẻ hiện đại phối hợp với các địa phương thông tin đến người dân trong khu vực hoặc địa bàn phụ trách cung cấp thông tin hàng, giá cả, quy cách đóng góp và phương thức mua, giao nhận… nhằm hạn chế tối đa tập trung đông người, không đảm bảo yêu cầu phòng dịch.