Theo đó, kiến nghị có nội dung như sau: Trước tình hình diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh Covid-19, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới.
Với tinh thần đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho học sinh luôn phải được đặt lên hàng đầu và nhằm giúp các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021 của cả nước.
Nhằm giúp cho học sinh và phụ huynh an tâm, chủ động sắp xếp công việc, sinh hoạt, học tập của gia đình và cá nhân, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ, bộ GD&ĐT, bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các nội dung sau:
Chỉ đạo thống nhất trong cả nước về việc cho phép kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến hết tháng 3 năm 2020.
Điều chỉnh thời gian năm học 2013 - 2020, tiếp tục học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020; dời kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2020 đến cuối tháng 7 năm 2020.
Sau khi nắm thông tin, nhiều phụ huynh rất đồng tình. Họ cho rằng, mỗi ngày thức dậy, với sự gia tăng đột biến của các ca bệnh, kể cả số ca tử vong và ca mắc mới trên thế giới, khiến cho phụ huynh không khỏi hoang mang lo lắng.
Chị Thu Hà, ngụ quận 9, TP.HCM cho rằng: "Việc nghỉ học của học sinh sinh viên là hợp lý, hiện nay gia đình chúng tôi rất khó khăn trong việc chăm sóc con cái, cả hai con đều đang học mầm non, tiểu học, đều cần phụ huynh chăm sóc.
Tuy nhiên, với lý do nghỉ để phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe các con, chúng tôi rất đồng tình".
Trong khi đó, một luồng ý kiến khác cho rằng, việc nghỉ học lâu dài, khiến học sinh dễ rơi vào tình thế thụ động, học online không hiệu quả, kiến thức bị gián đoạn.
Theo một giảng viên tại TP.HCM cho biết: "Tôi cho rằng, nếu việc kiểm soát dịch bệnh tốt thì có thể cho học sinh, sinh viên đi học.
Vì các em đang trong thời gian học tập theo chuỗi kiến thức đã được chuẩn bị. Nếu gián đoạn lâu quá, trở lại học các em sẽ bỡ ngỡ, chưa kể hao hụt kiến thức, hiệu quả học tập kém.
Nếu dời lịch học, lịch thi sẽ ảnh hưởng rất nhiều kế hoạch của cả giáo viên, giảng viên, sinh viên, học sinh...
Theo tôi nếu dịch bệnh đã có chiều hướng được kiểm soát tốt hơn thì nên cho đi học, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho học sinh, sinh viên".
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, TPHCM đang chọn phương án cẩn trọng, an toàn cho người dân. Bởi vì hiện nay tình hình dịch bệnh đang phức tạp.
Đáng nói, những trường hợp đã khỏi bệnh có thể tái nhiễm. Chưa kể, hiện tại số lượng người bị cách ly còn nhiều, tới đây, số lao động từ Trung Quốc sang làm việc tại thành phố gia tăng nên cần phải cẩn trọng hơn. Nếu không, khi dịch bùng phát thì trở tay không kịp.