Học sinh “căng mình” với lịch học
Sau 1 tháng bước vào năm học mới, học sinh T.T.A.L, lớp 10 một trường THPT ở phường Linh Trung, Tp.Thủ Đức cảm thấy “ngộp” khi thời khóa biểu ở trường khá dày. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, L. học cả ngày, mỗi ngày 8 tiết và thêm 5 tiết vào sáng thứ Bảy.
“Trước đây, khi còn học cấp II, em có thể đến trường sinh hoạt câu lạc bộ hoặc tự học. Khi lên cấp III, em nghĩ nhà trường sẽ gia tăng khả năng tự học hơn nhưng ngược lại lịch học kín hơn, em gần như không có thời gian để ôn lại bài cũ hoặc tự củng cố các môn còn yếu, khiến việc học rất mệt mỏi…”, L. bày tỏ.
Còn Q.M.B, học sinh lớp 12 một trường THPT ở quận 10 cho biết, em “đuối” khi từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi ngày phải học 9 tiết. Chiều thứ Bảy vẫn phải học thêm 1 tiết tin học tại trường.
Học sinh này kể, ngày nào cũng học đến 11h25, ăn trưa xong nghỉ 30 phút là phải chuẩn bị cho tiết học buổi chiều bắt đầu lúc 1h15 phút, học đến 4h30.
Vì là học sinh lớp 12 nên sau khi tan học buổi chiều, B. chỉ kịp ăn nhẹ bánh, uống hộp sữa là chạy đến lớp học thêm, có khi đến 21-22h mới về đến nhà.
“Em hy vọng nhà trường có thể giảm tải thời lượng dạy các môn văn hóa ở trường, tăng thêm các hoạt động rèn luyện kỹ năng, trò chơi để chúng em bớt áp lực hơn cũng như có thêm thời gian tự bồi dưỡng, nâng cao kiến thức phục vụ cho việc thi đại học sắp tới”, B. nói.
Thời khóa biểu học 2 buổi/ngày bậc THPT tại Tp.HCM đang được tổ chức dao động từ 8-9 tiết/ngày, nhiều trường học thêm vào sáng/chiều thứ Bảy. Trong đó, nhiều trường dạy đủ 2 buổi/ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5), nhà trường hiện thiết kế dạy học 2 buổi/ngày vào 3 buổi chiều ở các khối lớp, với thời lượng 6 - 7 tiết/ngày. Buổi chiều các ngày còn lại học sinh sẽ tham gia vào các hoạt động câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học, hoạt động trải nghiệm ở các bộ môn…
Một hiệu trưởng chia sẻ, hiện tại, cái khó của các trường là chưa đồng bộ trong văn bản hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, cho cả 2 chương trình là Giáo dục phổ thông 2006 và 2018. Tuy nhiên, trong hướng dẫn chuyên môn thì đều rất rõ ràng với 2 chương trình.
“Đúng nghĩa việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trong buổi 2 là chỉ sắp xếp một số môn văn hóa, còn lại là tăng cường các hoạt động dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, tùy theo đối tượng năng lực học sinh. Việc sắp xếp thời khóa biểu buổi 2 để giảm áp lực cho học sinh thì phải có sự hài hòa, không đặt nặng về kiến thức mà cần chú trọng thêm các trải nghiệm”.
Không gây áp lực cho học sinh
Đánh giá vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM nhìn nhận, các trường học thiết kế thời khoá biểu dạy 2 buổi/ngày lên đến 9 tiết/ngày có thể đến từ nhiều lý do.
Trong đó, nhà trường chưa linh hoạt sắp xếp môn học, chưa mạnh dạn chuyển đổi số để đưa nội dung giáo dục lên hình thức trực tuyến vào thời khoá biểu…
Khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Tp.HCM khuyến khích các nhà trường tăng các hoạt động trải nghiệm, tăng cường thực hành, thực tiễn và các hoạt động giáo dục kỹ năng, nên điều này cũng tác động đến việc thiết kế thời khoá biểu các nhà trường.
“Theo Luật Dân chủ cơ sở, khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, hiệu trưởng phải thông qua phê duyệt của hội đồng trường, trong thành phần có đủ các đối tượng và có cả đại diện cha mẹ học sinh. Làm đúng quy trình và quy định sẽ không gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh. Bộ GD&ĐT quy định, thời khoá biểu với trường THPT khi dạy 2 buổi/ngày không quá 8 tiết/ngày. Sở GD&ĐT Tp.HCM sẽ tiếp tục rà soát việc thiết kế thời khoá biểu của các nhà trường, nếu trường nào không làm đúng quy định sẽ tham mưu xử lý, không bỏ qua sai phạm”, ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.
Theo ông Quốc, hiện nay ở bậc THPT, khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì trung bình thời lượng dạy học chính khoá là 29 tiết/tuần, thời lượng học bám sát buổi 2 với các môn văn hoá là 8 tiết/tuần, tổng cộng là 37 tiết/tuần.
Như vậy, với thời lượng cho phép tối đa là 40 tiết/tuần (8 tiết/ngày, trong 5 ngày, và nghỉ ngày thứ Bảy), trường sẽ còn dư 3 tiết/tuần để thực hiện triển khai thêm các nội dung giáo dục theo đề án ngoại ngữ, tin học, STEM, kỹ năng trên cơ sở đồng thuận với phụ huynh học sinh. Chưa kể, còn hoạt động các câu lạc bộ…, hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh.
“Điều này có thể khiến một số trường gặp khó khăn khi xây dựng thời khoá biểu theo đúng quy định 8 tiết/ngày, đảm bảo đủ các yêu cầu trên. Tuy nhiên, việc trường đưa các hoạt động giáo dục ngoài chương trình quy định, có thu phí vào trong chương trình giáo dục nhà trường, xếp vào thời khoá biểu thì cần phải tôn trọng sự tham gia của học sinh. Nếu trường không linh hoạt, sáng tạo khi sắp xếp thời khoá biểu thì có thể sẽ gây thêm áp lực cho học sinh khi đổi mới giáo dục”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM chỉ ra.
Đồng thời, để thực hiện đúng quy định dạy 2 buổi/ngày và đáp ứng các yêu cầu giáo dục toàn diện học sinh, Sở GD&ĐT Tp.HCM sẽ hướng dẫn các trường mạnh dạn chuyển đổi số trong thiết kế thời khoá biểu, tính toán đưa thời lượng một số môn học, hoạt động giáo dục lên hình thức trực tuyến thời khoá biểu, để tăng khả năng tự học cho học sinh, giảm việc vượt khung thời khoá biểu.
Nhà trường cần được giao cơ chế mở
Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc THPT cho Chương trình GDPT 2018. Vì thế, các trường đang lúng túng khi sắp xếp thời khóa biểu.
Nếu áp dụng đúng theo hướng dẫn cứng của Bộ GD&ĐT như trước đây với Chương trình GDPT 2006 là không quá 8 tiết/ngày, thì nhà trường gặp khó, vì phụ huynh không muốn con em mình đi học vào ngày thứ Bảy.
“Chương trình GDPT 2018 đã trao quyền chủ động cho các nhà trường trong thiết kế hoạt động giáo dục phù hợp với đặc thù học sinh và đơn vị trường thì cần trao quyền cho trường trong thiết kế thời khóa biểu. Có như vậy mới có thể đảm bảo tạo sự đồng thuận, thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh”, ông Đảo kiến nghị.