Mới đây, TP.HCM đã xin Chính phủ một cơ chế đặc thù cho ngành Giáo dục, bao gồm 2 phần chính là xây dựng bộ SGK riêng và tăng quyền cho hiệu trưởng, các trường được tự chủ về tài chính và nhân sự. Việc này đã vấp phải nhiều băn khoăn của các chuyên gia giáo dục.
Trao đổi với PV, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Kiến nghị của TP.HCM phù hợp với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới là tăng quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, bộ GD&ĐT sẽ phải nghiên cứu xây dựng quy chế tự chủ, sao cho việc giao quyền quyết định cho hiệu trưởng không hạn chế quyền dân chủ của tập thể cán bộ, giáo viên trong trường. Ví dụ, phải có một thiết chế giám sát công việc của hiệu trưởng. Đó là hội đồng trường do tập thể nhà trường bầu ra. Hội đồng này có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng".
Về đề xuất biên soạn sách giáo khoa riêng của TP.HCM, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho ý kiến: "Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông... Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của bộ GD&ĐT". Theo quy định này, Nhà nước không chỉ chấp thuận mà còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý giáo dục địa phương là sở GD&ĐT đứng ra biên soạn sách thì sẽ hạn chế quyền lựa chọn của các trường, bởi vì không có trường nào trong tỉnh, thành phố “dám” không dùng sách của Sở. Nếu cả 63 sở GD&ĐT theo gương nhau biên soạn sách giáo khoa riêng cho địa phương mình sẽ không tránh khỏi tình trạng cát cứ của “63 sứ quân”".
"Tôi không sợ việc có nhiều sách giáo khoa ảnh hưởng đến các kỳ thi chung. Bởi vì sách nào cũng phải phù hợp với chương trình của Bộ và khi thi, người ra đề, người chấm thi chỉ dựa theo chuẩn của chương trình, không dựa vào một bộ sách giáo khoa cụ thể nào. Tuy nhiên, nếu để xảy ra tình trạng cát cứ, vườn nhà ai nhà nấy rào thì sẽ không còn có cuộc thi đua về chất lượng sách giáo khoa giữa các nhóm tác giả, các nhà xuất bản nữa. Các trường sẽ không có nhiều hơn một lựa chọn về sách giáo khoa để cho trường bộ sách giáo khoa phù hợp", ông Thuyết nói.
Đề xuất này của TP.HCM cũng khiến PGS. Văn Như Cương rất băn khoăn: "Tôi không hiểu tại sao, TP.HCM lại xin cơ chế đặc thù như vậy, còn các tỉnh khác thì sao? TP.HCM dựa vào lý do gì mà xin một cơ chế đặc thù về mọi mặt trong giáo dục? Nếu như TP.HCM xin được thì các địa phương khác cũng xin được. Như thế sẽ dẫn tới "loạn". Chúng ta đã có luật Giáo dục, không thể để một địa phương phá vỡ điều đó. Tôi không đồng ý với TP.HCM về việc làm bộ sách giáo khoa riêng. Cơ quan quản lý về giáo dục chỉ nên giữ vai trò kiểm định sách. Các trường phổ thông phải được quyền lựa chọn sách giáo khoa cho mình".
"Có sự cạnh tranh về sách giáo khoa thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục. Nghĩa là không chỉ TP.HCM có thể làm sách giáo khoa riêng, các tổ chức học thuật, đơn vị phát hành tư nhân... cũng cần có quyền biên soạn sách giáo khoa. Khi đó, sự cạnh tranh về chất lượng sách giáo khoa, các trường mới thật sự có nhiều hơn một lựa chọn về bộ sách giáo khoa áp dụng cho mình.
Nếu chỉ ưu tiên cho TP.HCM thực hiện cơ chế đặc thù là không công bằng với các địa phương khác. Những học sinh, nguồn nhân lực tương lai được đào tạo trong môi trường giáo dục mới này đâu chỉ làm việc cho mỗi TP.HCM mà có thể cho nhiều địa phương khác", PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh.