Hạn chế việc "chạy" trường gần nhà
Ngày 17/3, tin từ Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, đơn vị này đang trình UBND Tp.HCM áp dụng thí điểm tuyển sinh các lớp đầu cấp không áp dụng phân tuyến khi tuyển sinh tại 3 quận huyện là Tp.Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình.
Sở GD&ĐT Tp.HCM sẽ áp dụng theo hệ thống thông tin địa lý-bản đồ số GIS, thí điểm thực hiện tại Tp.Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình.
Theo đó, việc tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 tại các địa phương thí điểm sẽ thực hiện theo nguyên tắc phân bố học sinh được học tại trường gần với nơi cư trú, có thể xem xét không phân theo địa giới hành chính của phường.
Cũng theo Sở GD&ĐT Tp.HCM, các cơ sở giáo dục, Phòng GD&ĐT ở các địa phương là cơ quan tham mưu cho Thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh địa phương, sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành để bố trí chỗ học cho học sinh.
Ban tuyển sinh địa phương sẽ phân bổ học sinh trên nguyên tắc được học gần nhà, căn cứ vào cơ sở dữ liệu của ngành, tham khảo trên bản đồ số GIS.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, Thạc sĩ Phan Thế Hoài, Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cho biết, ông luôn đồng tình và ủng hộ với đề xuất trên.
“Tôi đồng tình với chủ trương của Sở GD&ĐT Tp.HCM, đó là sẽ có đề xuất với UBND Tp.HCM về việc thí điểm không phân tuyến khi tuyển sinh lớp 1, lớp 6. Việc bố trí chỗ học cho học sinh sẽ dựa vào nơi cư trú thực tế của gia đình các em.
Thứ nhất, việc làm này đúng với quy định của Luật Cư trú, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Như thế, việc tuyển sinh đầu cấp đối với học sinh lớp 1, lớp 6 sẽ dựa vào nơi cư trú thực tế của gia đình các em, không phân biệt hộ khẩu, các em sẽ được học tại ngôi trường gần với nơi mình ở nhất.
Thứ hai, từ trước đến nay, trước cách tuyển sinh học sinh đầu cấp được phân tuyến theo địa giới hành chính phường xã nên có tình trạng học sinh đi học quá xa. Chẳng hạn, học sinh lớp 1, lớp 6 đi học ở trường nằm trên địa bàn phường nhưng lại xa hơn trường ở phường bên cạnh.
Thứ ba, việc sắp xếp chỗ học cho học sinh dựa vào nơi cư trú thực tế của gia đình sẽ giảm thiểu tình trạng “chạy” hộ khẩu như đã từng xảy ra. Cùng với đó, phụ huynh cũng không còn tư tưởng “chạy” trường cho con học gần nhà, kéo theo sẽ hạn chế tiêu cực trong việc tuyển sinh đầu cấp.
Tôi mong muốn Sở GD&ĐT Tp.HCM sẽ sớm đề xuất với UBND Tp.HCM triển khai không phân tuyến khi tuyển sinh lớp 1, lớp 6 trên toàn địa bàn, chứ không chỉ làm thí điểm. Bởi việc gì hợp tình hợp lý, đem lại thuận lợi cho học sinh và phụ huynh học sinh thì sẽ được nhân dân hoan nghênh, hưởng ứng".
Tiết kiệm thời gian đi lại
Chia sẻ với PV, Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Bình Tân cho rằng: “Việc tuyển sinh không phấn theo tuyến giúp học sinh và phụ huynh có nhiều thuận lợi như khoảng cách từ nhà đến trường sẽ thu hẹp lại, tiết kiếm chi phí đi lại, chi phí thời gian…
Ngoài ra, trường cũng bớt áp lực khi tuyển sinh. Nhiều năm nay, trường phải xét các giấy tờ như hộ khẩu, tạm trú để tuyển sinh. Tôi ủng hộ chủ trương này và mong được sớm thực hiện tại quận Bình Tân”.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, do số lượng học sinh trên địa bàn quận Bình Tân những năm gần đây tăng đột biến, chủ yếu con em của những công nhân các tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn quận.
Từ đó, trường luôn trong tình trạng quá tải, Phòng GD&ĐT quận đã chủ trương phân bổ học sinh giữa các phường để cân bằng số học sinh. Đã có tình trạng học sinh gần trường nhưng phải đi học một quãng đường dài, do quy định phải đúng tuyến đã được phân công. Điều đó khó khăn cho cả phụ huynh, học sinh và nhà trường…
Chị Lê Thị Dương, làm công nhân tại Khu công nghiệp Linh Trung, Tp.Thủ Đức bày tỏ: “Mới chỉ là đề xuất, nhưng tôi rất đồng tình với việc tuyển sinh không phân tuyến, vì đối với những gia đình lao động, công nhân như chúng tôi, việc xin thủ tục tạm trú cho con để được đi học trường đúng tuyến là việc rất khó khăn.
Không chỉ có giấy tạm trú, mà địa phương bắt buộc phải tạm trú ít nhất 6 tháng mới tiếp nhận con vào học thì quá bất cập. Tôi mong rằng chủ trương trên sớm đưa vào thực tế, để các con được đi học ở trường gần nhà, không cần thủ tục rườm rà như những năm trước”.
Nguyễn Lành