TP.HCM: Quận, huyện nào có dịch tả heo châu Phi phải chịu trách nhiệm trước UBND TP

TP.HCM: Quận, huyện nào có dịch tả heo châu Phi phải chịu trách nhiệm trước UBND TP

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 5, 09/05/2019 20:03

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai, UBND TP.HCM đã họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp đối phó, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.

Tại cuộc họp, đại diện chi cục Thú y và Chăn nuôi TP.HCM trình bày, dịch tả heo châu Phi đã được phát hiện tại 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai từ ngày 2/5 vừa qua. Cụ thể, tại huyện Trảng Bom, bệnh tả heo châu Phi được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi có 268 con heo tại xã Đồi 61.

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng ghi nhận hộ dân này phối giống với heo của 1 hộ thuộc xã Bình Minh cùng huyện. Kiểm tra hộ chăn nuôi tại xã Bình Minh có 468 con heo có triệu chứng lâm sàng và dương tính với tả heo châu Phi. Nguyên nhân hộ chăn nuôi này nhiễm tả heo châu Phi là nằm liền kề 2 hộ giết mổ heo trái phép, có tiếp nhận và mổ heo bệnh, heo chết.

Tại huyện Nhơn Trạch, có 2 hộ nuôi heo nhỏ lẻ (26 con và 3 con) phát sinh dịch bệnh do sử dụng thức ăn thừa từ khu công nghiệp không qua nấu chín.

Chính vì thế, UBND TP.HCM đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của Chi cục, khi thống nhất với các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai các biện pháp kiểm soát nguồn heo đưa về TP.HCM.

Đồng Nai là tỉnh cung cấp nguồn heo lớn nhất cho TP.HCM giết mổ hằng ngày (3.000 – 3.500 con, chiếm tỉ lệ từ 45%-50%). Ngoài ra, do chênh lệch giá giữa các tỉnh phía Bắc và Nam nên mỗi ngày có khoảng 3.500 – 4.000 con heo từ các tỉnh phía Bắc được vận chuyển ngang qua TP.HCM để đưa vào giết mổ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, kéo theo nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tin nhanh - TP.HCM: Quận, huyện nào có dịch tả heo châu Phi phải chịu trách nhiệm trước UBND TP

Các cơ quan chức năng TP.HCM đang nỗ lực chống dịch tả heo châu Phi có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn.

Hiện nay, TP.HCM có hơn 3.900 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 274.000 con, trong đó có 247 hộ chăn nuôi bằng thức ăn thừa từ các quán ăn, có nguy cơ cao đối với bệnh tả heo châu Phi.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, yêu cầu các quận huyện, ban ngành thực hiện nghiêm túc kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi của UBND TP ban hành tháng 1/2019 và các nội dung bổ sung vào cuối tháng 4 vừa qua.

Đặc biệt, với các quận huyện có các hộ dân nuôi heo bằng thức ăn thừa, lực lượng chức năng phải tăng cường vận động những hộ này không tái đàn hoặc chuyển sang chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp để giảm rủi ro cho chính người chăn nuôi.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM nói: “Địa phương nào để xảy ra tình trạng giết mổ trái phép thì UBND TP.HCM sẽ có văn bản chính thức để phê bình các quận huyện đó. Giết mổ số lượng lớn, công khai như vậy không lẽ địa bàn dân cư không nắm bắt. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh an toàn thực phẩm và người buôn bán chân chính. Chủ tịch UBND quận huyện nào để xảy ra “nổ dịch” sẽ phải chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP.HCM”.

Cơ quan chức năng TP.HCM đã làm việc với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để triển khai thêm các biện pháp đối phó với dịch bệnh heo châu Phi khi phát hiện ổ dịch tại Đồng Nai. Theo quy định, trong vòng 30 ngày, nguồn heo tại các xã có dịch tại Đồng Nai sẽ không được xuất về TP.HCM, các điểm giết mổ cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian có dịch.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng TP.HCM đã tổ chức thiết lập thêm các chốt chặn mới hoạt động 24/24 để kiểm tra vận chuyển heo từ các tỉnh bên ngoài vào thành phố.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.