Ngày 12/3, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM đánh giá, các cơ sở giáo dục đã áp dụng linh hoạt, kịp thời văn bản điều chỉnh phòng chống dịch của UBND Tp.HCM. Việc chuyển đổi hình thức dạy học khi có ca nhiễm được thực hiện đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục.
Theo lãnh đạo Sở, hiện nay số ca nhiễm Covid-19 trong trường học tại Tp.HCM chưa có chiều hướng giảm khi trung bình mỗi ngày vẫn có 200 ca F0 nghi nhiễm phát hiện tại các trường ở tất cả các bậc học.
Do vậy, các trường cần tập trung hoạt động phòng chống dịch, tiếp tục linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, cần chủ động xây dựng phương án, kế hoạch giáo dục tại nhà trường, phù hợp với tình hình từng đơn vị, chủ động khi phát sinh thêm ca nghi nhiễm.
Trong tình hình dịch bệnh có những diễn biến mới như hiện nay, ông Dương Trí Dũng lưu ý, cần phải hết sức chú trọng các hoạt động nội trú, bán trú, căng tin trong nhà trường nhằm đảm bảo phục vụ tốt công tác dạy học nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch ở mức cao nhất.
“Muốn vậy, cần phải đặt ra các yêu cầu phòng dịch cao hơn nữa đối với các hoạt động này. Tới đây Sở GD&ĐT và Sở Y tế sẽ phối hợp kiểm tra, rà soát lại Bộ tiêu chí an toàn trường học, trình UBND Tp.HCM sớm ban hành bộ tiêu chí mới phù hợp với tình hình dịch hiện nay”, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, việc điều chỉnh này là hết sức cần thiết với những quy định bắt buộc nhà trường phải ưu tiên để đảm bảo về khoảng cách, tiêm vắc-xin, hạn chế tối đa lây lan trong nhà trường, đặc biệt là trước biến chủng mới của dịch Covid-19.
“Các trường học cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, rà soát lại những hoạt động này ngay bây giờ để khi có bộ tiêu chí mới thì áp dụng ngay. Đơn vị nào chưa đủ điều kiện thì không được tổ chức bán trú, nội trú, căng tin, nhằm tránh lây lan dịch trong nhà trường.
Ngoài ra, trong thời gian tới, các hoạt động này sẽ được ngành y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch giám sát, kiểm tra thường xuyên”, đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM quán triệt.
Phó Giám đốc Dương Trí Dũng chỉ ra, hoạt động chuyển trạng thái học tập của F0, F1 phải được tính toán phù hợp với từng đối tượng. Theo đó, học sinh F0 là bệnh nhân của ngành y tế nên cần phải được chăm sóc và vấn đề sức khỏe phải được ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phối hợp với y tế chăm sóc, theo dõi các em.
“Đây không chỉ là cách ly mà là học sinh đang mắc bệnh nên ưu tiên hàng đầu là nghỉ ngơi điều trị, không ép học sinh F0 học trực tuyến trong thời gian này. Còn nếu các em thấy khỏe, không có triệu chứng, phụ huynh có yêu cầu thì nhà trường, giáo viên sẽ sắp xếp thời gian để các em học online”, ông Dương Trí Dũng nói.
Đối với học sinh là F1, ông Dũng cho hay, việc cách ly các em theo quy định của ngành y tế là để đảm bảo an toàn nên phải được học trực tuyến để đảm bảo quyền lợi.
Trong thời gian qua, các trường học tại Tp.HCM đã xoay xở thích ứng, chuẩn bị nhiều phương án dạy học, nhất là kế hoạch kiểm tra học kỳ I cho học sinh.
Trước đó, Sở GD&ĐT Tp.HCM đã có văn bản về phân bổ bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho các cơ sở giáo dục công lập đợt 1 nhằm thực hiện xét nghiệm tầm soát ca nghi mắc Covid-19 khi dạy học trực tiếp.
Theo lần phân bổ này, mỗi nhà trường được nhận một hộp gồm 20 bộ test nhanh và sẽ được cấp bổ sung khi sử dụng hết. Tổng số test nhanh được phân bổ về các phòng GD&ĐT là hơn 51.000 bộ với yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục là có trách nhiệm giám sát sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, minh bạch và khách quan.