Tối 31/3, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã ra văn bản yêu cầu tạm ngưng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định.
Theo đó, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ như GrabCar), xe du lịch hoạt động trên địa bàn đều phải chấp hành.
Quyết định này không áp dụng cho các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Các chuyến xe được phép hoạt động phải khử trùng trước và sau khi đón khách, không vận chuyển quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người trên một chuyến xe.
Đồng thời, các lái xe, nhân viên phục vụ, hành khách phải đeo khẩu trang, được kiểm tra y tế trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định.
Văn bản do Giám đốc sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm ký và giao trung tâm Quản lý Giao thông công cộng triển khai đến các đơn vị kinh doanh vận tải.
Cùng thời điểm, Tổng cục Đường bộ cũng có văn bản gửi bộ GTVT đề nghị cho dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng xe ô tô.
Cụ thể là dừng hoạt động vận chuyển của các chuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh và các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi của các tỉnh, thành phố cả nước trong vòng 15 ngày kể từ ngày 1/4.
Tổng cục cũng yêu cầu sở GTVT tham mưu UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, chỉ đạo các bến xe tại địa phương thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, hiệp hội Taxi, hiệp hội bến xe tại các địa phương tuyên truyền cho các đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị bến xe thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.