Tp.HCM: Thu “phí ngủ trưa” ở trường THPT, khi nào minh bạch và hợp lý?

Tp.HCM: Thu “phí ngủ trưa” ở trường THPT, khi nào minh bạch và hợp lý?

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 3, 01/08/2023 08:51

Từ nhu cầu nghỉ ngơi tại trường giữa 2 buổi học của học sinh, việc tổ chức thu “phí ngủ trưa” tại nhiều trường THPT là vấn đề mới.

Mỗi trường mỗi kiểu thu phí

Đầu tháng 8/2023, Trường THPT Phạm Phú Thứ, quận 6, Tp.HCM vẫn đang trao đổi với phụ huynh học sinh về những khoản thu đầu năm học.

Dự kiến mức ăn bán trú trong năm học 2023-2024 là 60.000 đồng/học sinh/ngày gồm 35.000 tiền ăn trưa và 25.000 phí ngủ trưa.

Ông Phạm Đức Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết, nhà trường không tổ chức bán trú, do mỗi khối chỉ có khoảng tối đa 3 ngày/tuần là học 2 buổi/ngày.

Khi học sinh có nhu cầu ăn trưa bán trú tại trường thì sẽ đăng ký với giáo viên để ăn ở căng tin, giáo viên cũng sẽ hỗ trợ thu tiền hàng tháng giúp căng tin.

Sau khi ăn trưa, học sinh nào có nhu cầu nghỉ trưa tại trường thì sẽ ở lại, nam phòng riêng, nữ phòng riêng. Năm ngoái, mức phí nghỉ trưa là 20.000 đồng/học sinh, năm nay trường dự kiến tăng lên 25.000 đồng/buổi.

“Phí nhìn thì cao nhưng trách nhiệm của trường rất lớn, vừa tổ chức, vừa trang bị phòng ốc, cơ sở vật chất, máy lạnh, vừa phải bố trí giáo viên quản lý… Mỗi ngày trường chỉ có khoảng 100 học sinh ở lại nghỉ trưa”, ông Hiền lý giải.

Cũng theo ông Hiền, mức thu trong lớp thường, lớp phương pháp mới được nhà trường tính toán dựa trên mức thu của năm học cũ (2022-2023), trong đó mức phí lớp phương pháp mới năm trước là 1.500.000 đồng/tháng.

Do vậy, hiện trường đang tính toán lại cho phù hợp với Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập tại Tp.HCM năm học 2023-2024 mới được HĐND Tp.HCM thông qua.

Năm học 2022 – 2023, việc thu “phí ngủ trưa” cũng gây tranh cãi tại nhiều trường cấp 3 tại Tp.HCM. Như Trường THPT Đào Sơn Tây, Tp.Thủ Đức thu 330.000 đồng/học sinh/tháng, trong đó là 250.000 đồng/học sinh/tháng là tiền quản lý bán trú, 50.000 đồng tiền điện và 30.000 đồng tiền vệ sinh bán trú.

Trước đó, Trường THPT Marie Curie, quận 3 cũng bị phản ánh thu “phí nghỉ trưa” tại lớp với mức phí 15.000 đồng/giờ/học sinh. Phản hồi lại thông tin này, lãnh đạo Trường THPT Marie Curie cho biết, chi phí nhà trường thu là phí quản lý bán trú.

"Chi phí mà các em đóng chính là phí quản lý bán trú. Chi phí này được dùng để chi trả tiền điện, trả công cho thầy cô giám thị, nhân viên vệ sinh, lao công, tạp vụ, cán bộ văn phòng...", đại diện Trường THPT Marie Curie giải thích.

Bắt đầu áp trần phí dịch vụ

Cuối tháng 7/2023 vừa qua, HĐND Tp.HCM đã thông qua nghị Quyết số 04/2023/NQ-HĐND quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập tại Tp.HCM năm học 2023-2024.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban văn hóa xã hội, HĐND Tp.HCM cho biết, việc đưa ra khung giá dịch vụ nhằm tránh tình trạng lạm thu ở các trường.

Đây là lần đầu tiên Tp.HCM ra nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập Tp.HCM.

Trước đây, những khoản thu như tiền suất ăn trưa bán trú, tiền nước uống, tiền máy lạnh… là khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh dựa trên quy định của UBND các quận, huyện, Tp.Thủ Đức.

Theo nghị quyết, các mức thu quy định tại nghị quyết này là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với cha mẹ học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học 2022-2023.

Phụ huynh Phạm Thị Hiền, ngụ quận quận 1 cho hay: “Việc có thu phí trông coi học sinh giờ ngủ trưa là đúng. Vấn đề là mức phí đã hợp lý chưa. Nghe mức thu quy định tối đa mà lo vì nhiều trường sẽ thu mức tối đa. Đầu năm học cho con mà lòng ngổn ngang lo lắng trăm thứ phí”.

Còn phụ huynh Hà Cường, ngụ quận Gò Vấp cũng cho rằng, nhà trường mở dịch vụ cho các học sinh nghỉ trưa thì phải có người quản lý. Người làm dịch vụ thì ai cũng phải có lãi, chẳng có ai thấy lỗ mà vẫn làm. Đó chỉ là dịch vụ của nhà trường, ai có nhu cầu thì chấp nhận, hoặc không có thể tự túc.

“Đừng đòi hỏi nhà trường phải cung cấp dịch vụ miễn phí hay nhận một số tiền tượng trưng. Ai đi làm cũng muốn được trả lương xứng đáng thì sao lại đòi hỏi giáo viên phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi của họ”, phụ huynh Hà Cường ý kiến.

Trong khi đó, TS. Phạm Hoài Huấn, giảng viên Trường Đại học Luật Tp.HCM nêu quan điểm, nhìn từ phía chi phí (sản xuất), việc thu phí nghỉ trưa của các trường THPT có nhiều thứ đáng suy ngẫm.

Thứ nhất, việc nghỉ trưa của học trò đòi hỏi một khoản chi phí nhất định. Chi phí này tùy vào việc vụng hay khéo mà có thể cao hay thấp, nhưng về bản chất nó là những chi phí không thể phủ nhận. Vấn đề nếu cần bàn chính là các khoản chi này được phân bổ vào đâu? Trong học phí của học sinh đã bao gồm khoản chi phí này chưa?

Thứ hai, nếu học phí không bao gồm chi phí ngủ trưa, thì vấn đề có cần tổ chức ngủ trưa cho các em hay không?

Việc này giải quyết được vấn đề an toàn của các em trong khoảng thời gian trống giữa buổi học sáng và buổi học chiều, nó giải quyết vấn đề các em phải di chuyển về nhà và các em có thời gian nghỉ ngơi, nó giải quyết cho các phụ huynh vấn đề dành ra quỹ thời gian hoặc nguồn lực để đưa đón các em.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.