"... Trách nhiệm quản lý thuộc về các quận, huyện"
Mới dây, Người Đưa Tin đã có bài viết "Tp.HCM: Xe rác tự chế tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ô nhiễm môi trường" đề cập đến tình trạng xe 3 bánh, 4 bánh, xe cơi nới, xe thu gom rác tự chế hoạt động tràn lan trên địa bàn Tp.HCM.
Phản hồi Người Đưa Tin, ông Trần Văn Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM, cho biết, theo quy định, xe rác tự chế, xe rác dân lập khi đỗ vào số 691, đường Quang Trung (Chi nhánh Gia Định của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM) chỉ được thu gom rác trên địa bàn quận Gò Vấp, đồng thời phải có xác nhận của UBND các phường thuộc quận Gò Vấp.
"Sau khi có xác nhận trên, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM sẽ cấp logo dán trên các xe rác dân lập. Ở đây là logo nhận diện xe đó là xe rác dân lập, chứ không phải Công ty Môi trường Đô thị quản lý lực lượng rác dân lập này", ông Quân nói.
Liên quan về phần câu hỏi doanh nghiệp trước giờ có quản lý các phương tiện này hay không, ông Quân cho biết, trách nhiệm quản lý thuộc về các quận, huyện.
Ông Trần Văn Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM trả lời câu hỏi của PV tại buổi họp báo ngày 21/11.
Trước đó, như Người Đưa Tin đã phản ánh và ghi nhận, nhiều phương tiện xe gom rác tự chế xuất phát từ phường An Phú Đông (quận 12) di chuyển về địa bàn quận Gò Vấp, hướng về đường Nguyễn Oanh (qua cầu An Lộc).
Ghi nhận thực tế của PV bên ngoài cổng chi nhánh Gia Định của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM, có tập kết lượng lớn phương tiện thu gom rác tự chế dẫn đến quá tải, ùn ứ, tắc nghẽn giao thông.
Các phương tiện này không có logo, biển hiệu thể hiện thông tin cho thấy thuộc về công ty hoặc đơn vị thu gom rác dân lập nào, nhưng có dán mã số và logo của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM - Chi nhánh Gia Định (số 691, đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp).
Theo nhận định của luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Viện Nghiên cứu Pháp luật phía Nam thuộc Đoàn luật sư Tp.HCM, theo khoản 4 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, việc đưa phương tiện cơ giới hoặc xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn kỹ thuật vào giao thông là hành vi bị cấm.
Điều này đồng nghĩa trên góc độ pháp lý, các phương tiện tự chế 3 bánh, 4 bánh, cơi nới, bao gồm xe rác tự chế không đảm bảo an toàn kỹ thuật đều bị cấm tham gia lưu thông.
Nhiều xe thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt tự chế, cơi nới bị ún ứ bên ngoài cổng Chi nhánh Gia Định của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM.
Chuyên gia kiến nghị đấu thầu thu gom rác minh bạch và đạt chuẩn về phương tiện
Góp ý về kế hoạch chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn Tp.HCM, theo thạc sĩ Lê Năng Hùng, Ủy viên ban chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Tp.HCM (HANE), với mô hình cấu trúc nhà ở, khu phố và tình trạng dân cư đô thị còn quá nhiều bất cập như nhà ống, nhà liền kề, hẻm nhỏ ở Tp.HCM và nhiều thành phố trong cả nước hiện nay, chủ trương loại bỏ phương tiện giao thông tự chế, bao gồm xe thu gom rác không đạt chuẩn vẫn còn nhiều điều bất khả thi.
"Việc chuẩn hóa phương tiện thu gom rác thải mà không có chính sách hỗ trợ hiệu quả và lộ trình thực hiện cụ thể, có khả năng gây khó khăn cho lực lượng thu gom dân lập. Đồng thời, có khả năng gây ra các hệ lụy môi trường, dân sinh mới, có khả năng bỏ lại phía sau các nhà sâu, nhà hẻm", thạc sĩ Lê Năng Hùng quan ngại.
Chuyên gia khuyến nghị, nên cho địa phương cấp phường, xã duy trì đấu thầu đường dây thu gom với yêu cầu tiêu chuẩn về phương tiện và hoạt động minh bạch, rõ ràng cũng như tổ chức luôn trạm trung chuyển địa phương cho xe "chính quy, hiện đại" đến lấy.
Điều này làm tốt thêm khâu tổ chức thực hiện mà không làm trắc trở thêm hay gián đoạn hoạt động thu gom cơ sở. Tổ tự quản dân sinh địa phương được trả lương (từ đường dây hay từ phường xã) để quản lý vấn đề này.
Để tránh tình trạng xe nhếch nhác, cơi nới, rò rỉ, gây dơ bẩn, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, chuyên gia cho rằng, có thể thống nhất theo điều kiện kinh tế xã hội hiện nay là dùng xe 3 bánh, 4 bánh loại tải nhẹ đi lọt hẻm, nhưng không đóng thùng. Thay vào đó, mỗi xe chỉ chở đúng 1 container nhỏ (dài 2m X rộng 1m20 X cao 1m20) - còn được gọi là "containeron".
Mỗi containeron đều đóng theo dạng sắt tôn lượn sóng như container chuẩn logistics, có vách và đáy liền cố định, trấn nắp có thể đóng mở, đáy có khe cho xe xúc xe nâng thi công và tập kết từ khu dân cư đến điểm trung chuyển địa phương thì sẽ nâng lên xe con vận chuyển ra bãi rác lớn.
"Tổ chức thu gom sơ cấp như vậy sẽ đảm bảo rẻ, kín và thuận tiện khi chuyển "hàng" qua xe hoặc ghe tải thu gom thứ cấp kể cả xả nắp xuống xe ép rác hay xúc dồn lên xe lớn. Sự thay đổi sẽ không gián đoạn quy trình, không phá vỡ trật tự tổ chức, không tác động kinh tế xã hội và nhất là không mất thời gian chuẩn bị, cung ứng, hợp quy, tập huấn,...", thạc sĩ Lê Năng Hùng cho biết.
Trước đó, Người Đưa Tin đã gửi một số hình ảnh và thông tin về phương tiện xe tự chế có dấu hiệu vận chuyển rác từ phường An Phú Đông (quận 12) di chuyển về địa bàn quận Gò Vấp, hướng về đường Nguyễn Oanh (qua cầu An Lộc) đến Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Tp.HCM, UBND quận 12 và UBND quận Gò Vấp.
Đến cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.HCM ngày 21/11, thắc mắc trên vẫn chưa được UBND quận 12 và UBND quận Gò Vấp phản hồi.
M.H