Trạm dừng chân đường bộ 10 tỷ, 3 nhân viên và vài khách

Trạm dừng chân đường bộ 10 tỷ, 3 nhân viên và vài khách

Thứ 6, 12/07/2013 09:49

Năm 2009, một số công trình thuộc dự án Hệ thống trạm dừng chân đường bộ hiện đại nhất Việt Nam được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, dù đã trải qua một thời gian dài, các trạm dừng chân được đầu tư hàng chục tỷ đồng vẫn ở trong tình trạng đìu hiu, chỉ có lèo tèo vài nhân viên phục vụ và vài chục lượt xe ra vào mỗi ngày. Theo nhiều chuyên gia, những điểm bất hợp lý về vị trí, quản lý và dịch vụ đã khiến các trạm rơi vào tình trạng lãng phí trong khi nhu cầu sử dụng thực tế vẫn rất cao.

Trạm 10 tỷ, chỉ có 3 nhân viên vì… lệch vị trí?

Năm 2008, Công ty Cổ phần Dịch vụ công nghiệp ô tô Việt Nam - AAA Logistics (AAA & Vinamotor) đã lập đề án xây dựng mô hình 38 trạm dừng chân tích hợp nhiều chức năng bao gồm: Bến xe, khu ăn uống, nhà nghỉ, cây xăng, dịch vụ hàng hóa, kho bãi… Dự án hệ thống trạm dừng chân hiện đại theo tiêu chuẩn của bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được triển khai với mong đợi đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về các dịch vụ kỹ thuật đối với phương tiện giao thông đường bộ. Ngoài mục đích thỏa mãn nhu cầu của người dân và hạn chế tai nạn giao thông, dự án còn tăng cường hiệu quả trong công tác khai thác đường bộ, phục vụ tích cực chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Bất động sản - Trạm dừng chân đường bộ 10 tỷ, 3 nhân viên và vài khách

Trạm Tân Lạc (Hoà Bình) luôn trong tình trạng vắng vẻ

Mục đích hướng tới là vậy, song trên thực tế, những trạm dừng chân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đều rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng khách. Mở cửa từ năm 2009, trạm dừng chân Tân Lạc, Hòa Bình trên QL 6 qua có diện tích trên 5.000m2, nhưng luôn vắng khách và bắt đầu xuống cấp. Hiện tại, chỉ còn 3 nhân viên thuộc Công ty CP 26-3 thuộc Sở GTVT Hòa Bình làm việc tại đây. Các trạm dừng chân ở Ninh Bình, Bắc Giang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo ghi nhận, lượng ra vào trạm mỗi ngày rất ít. Tại trạm Tân Lạc, trung bình một ngày chưa đến 50 khách, thậm chí, khách đến chỉ đi vệ sinh rồi đi luôn. Ban đêm, xe tải vào trạm chỉ để gửi nhờ xe rồi đi chỗ khác ăn uống... Trên thực tế, tổng kinh phí xây dựng mỗi trạm dừng nghỉ trên là gần 10 tỷ đồng, trong đó phía Chính phủ Nhật Bản viện trợ (không hoàn lại) 250.000 USD/trạm, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Rõ ràng, nhu cầu sử dụng các trạm dừng chân là rất lớn song các trạm hiện đại được đầu tư tiền tỷ vẫn bỏ không. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 280.000km đường, riêng quốc lộ là trên 17.000km, trong khi đó số lượng trạm dừng nghỉ hầu như tự phát, trên dọc tuyến quốc lộ trong cả nước chỉ có các quán ăn dọc đường, các trạm cấp xăng dầu nằm độc lập.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, tại các nước trên thế giới, trạm dừng chân được xây dựng trước hết nhằm bảo đảm cho các phương tiện vận tải luôn trong tình trạng an toàn. Các trạm dừng chân là địa điểm để lái xe nghỉ ngơi, kiểm tra tình trạng kỹ thuật của ô tô, cung cấp nhiên liệu.... Ngoài ra, đó còn là nơi hành khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn, tìm hiểu văn hóa địa phương.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Ngay khi Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam xây dựng các trạm nghỉ dọc đường tôi đã khẳng định là mô hình của Nhật khác mô hình của Việt Nam, chúng ta xây dựng theo mô hình của họ là không hợp lý. Nhật Bản không có vận tải hành khách tuyến cố định, đa số họ đi máy bay và tàu hoả. Nếu có đi xe ô tô thì là đi chơi đi du lịch mà thôi. Vì thế họ bố trí các trạm nghỉ phục vụ chủ yếu cho xe du lịch, phục vụ hành khách đi chơi, xe tư nhân, gia đình đi thăm quan, nghỉ ngơi và mua sắm các sản phẩm địa phương.

Nhìn nhận vào thực tế nước ta, ông Hùng phân tích: Ở Việt Nam các trạm dừng chân có đặc thù là phục vụ cho tuyến vận tải khách đường dài, tuyến cố  định. Vì thế, điều tối quan trọng là trạm dừng nghỉ phải phù hợp với tuyến đường và các điều kiện cần thiết khác của hành khách. Mình xây dựng theo mô hình của Nhật Bản nên cũng bị chi phối và lựa chọn địa điểm và phương thức phục vụ. Các trạm ở Ninh Bình, Bắc Giang, Hoà Bình chỉ hoạt động được một thời gian sau đó đều rơi vào trạng thái uể oải, vắng vẻ. Cho nên dù được Nhật hỗ trợ, cùng một mô hình nhưng mỗi nước có một đối tượng sử dụng khác nhau nên các công trình không phát huy được tác dụng. "Ngoài ra cơ chế quản lý các trạm đó là vẫn do Nhà nước quản lý, trừ trạm dừng chân ở Bắc Giang là giao cho một doanh nghiệp quản lý. Trên thực tế, các trạm tư nhân ra đời lại hoạt động rất sôi động bởi địa điểm phù hợp, cơ chế hoạt động phục vụ cho vận tải khách đường dài", ông Hùng lý giải thêm.

Đưa ra giải pháp cho tình trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị: Đối với những trạm đã hoàn thành có thể xem xét cho tư nhân đấu thầu khai thác để phục vụ tốt hơn, năng động hơn. Đối với những trạm chưa triển khai, cần đặc biệt chú trọng đến vị trí xây dựng trạm để sao cho thu hút được các tuyến xe.

Bất động sản - Trạm dừng chân đường bộ 10 tỷ, 3 nhân viên và vài khách (Hình 2).

TS. Đinh Thị Thanh Bình

Cần xem xét hạn chế từ nhiều mặt

Cũng liên quan đến vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Thị Thanh Bình, viện trưởng Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT, phó chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT, trường ĐH Giao thông Vận tải. Theo TS. Bình, mỗi trạm dừng nghỉ đều có hai chức năng, phục vụ phương tiện và phục vụ hành khách. Vậy nên, dù là đối tượng là khách du lịch hay khách chạy tuyến đường dài thì mỗi trạm cũng cần có những dịch vụ tối thiểu để phục vụ cho họ. "Vấn đề nằm ở chỗ, tại sao trạm bỏ không còn các xe lại sử dụng dịch vụ của các các trạm tự phát, trạm tư nhân. Tình trạng này tương tự như việc chúng ta bỏ ra hàng chục tỷ đồng quy hoạch lại các khu chợ nhưng vẫn không thu hút được người dân", bà Bình nhấn mạnh.

Nhận định về nguyên nhân khiến các trạm dừng chân tiền tỷ rơi vào tình trạng lãng phí, bà Bình cho rằng: Các trạm dừng nghỉ dọc đường thường được quy hoạch theo các cấp 1, 2, 3. Khi xây dựng trạm quy hoạch cần đặc biệt chú ý đến việc thiết kế luồng tuyến làm sao cho phù hợp với thời gian các xe đưa khách vào nghỉ. Có những trạm xe sẽ dừng vào các khoảng sáng, trưa, chiều tối để khách nghỉ ngơi ăn uống. Còn những trạm dừng nghỉ dọc đường khoảng 15-20 phút. Vậy thì vấn đề đặt ra là, những trạm dừng nghỉ trên liệu đã phù hợp với luồng tuyến hay chưa? Câu trả lời vẫn chưa được rà soát lại. Nếu cứ máy móc theo kiểu tuỳ theo khoảng cách mà đặt trạm dừng nghỉ thì chưa hẳn trạm đó đã có xe dừng nghỉ.

Cũng theo TS. Đinh Thị Thanh Bình, vấn đề lớn thứ hai nằm ở mặt quản lý. Bà nhấn mạnh: Chúng ta cần nghiêm khắc dẹp bỏ những trạm dừng nghỉ tự phát. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ luồng tuyến, bắt buộc xe phải dừng nghỉ đúng trạm chứ không được dừng nghỉ vô tổ chức ở dọc đường. Hoặc đối với vận tải khách đường dài, cần thực hiện đúng việc đón khách điểm đầu cuối chứ không được đón khách dọc đường. Cuối cùng, cần xem xét xem phần dịch vụ có tốt không. Nếu dịch vụ kém, giá cả lại đắt đỏ thì đương nhiên các nhà xe sẽ lựa chọn những trạm dừng chân bên ngoài.

Tài xế hưởng "hoa hồng", hành khách phải sử dụng dịch vụ đắt đỏ

TS. Đinh Thị Thanh Bình cho biết: "Tôi đã từng khảo sát ở một trạm dừng nghỉ tư nhân trên QL14. Ở đó, vì có vị trí đắc địa, các dịch vụ rất tốt, giá cả phải chăng, nhân viên nhiệt tình chu đáo nên thu hút rất lớn lượng xe ra vào. Đối nghịch lại, có những trạm dừng chân trên QL1, chất lượng phục vụ rất kém. Tuy nhiên, xe khách vẫn dừng ở những điểm đó vì họ được nhận phần trăm hoa hồng của trạm. Cuối cùng hành khách lại là người chịu thiệt thòi vì phải sử dụng những dịch vụ đắt đỏ, kém chất lượng".

Phạm Hạnh - Trinh Phúc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.