Nội dung công bố cho biết, công ty CII nhận được thông báo số 15/TB-VP của lãnh đạo UBND TP.HCM về thu giá dịch vụ tại trạm BOT Xa lộ Hà Nội.
Theo đó, việc thu giá dịch vụ đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn thực hiện đúng quy định tại Điều 76 Nghị định 63/2018/NĐ-CP và nội dung hợp đồng BOT số 03/2009/HĐ-B.O.T ký giữa UBND TP với nhà đầu tư.
UBND TP.HCM đề nghị công ty CII phối hợp với sở GTVT và các sở ngành, đơn vị liên quan chuẩn bị kế hoạch thực hiện công tác truyền thông phù hợp để thông tin người dân, doanh nghiệp biết kế hoạch triển khai thu giá dịch vụ đường bộ.
Với các động thái mới nhất từ chính quyền địa phương, lãnh đạo CII hy vọng trạm thu phí Xa lộ Hà Nội sẽ sớm hoạt động trở lại.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa, để sớm thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, trước đó, UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận trên tuyến phối hợp với nhà đầu tư hoàn thành các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm xử lý của đơn vị.
Cụ thể, Sở Giao thông vận tải triển khai dự án công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, phạm vi ranh chồng lấn của dự án tuyến Metro số 1, dự án Vệ sinh môi trường nước - giai đoạn 2. Dự kiến thời gian hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng thi công công trình để làm cơ sở tính tổng chi phí đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn.
UBND quận 9 thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thuyết phục các hộ dân và doanh nghiệp sớm bàn giao mặt bằng để triển khai dự án theo tiến độ. Vận động, tiếp thu ý kiến các hộ thuộc diện cưỡng chế để có hướng xử lý phù hợp.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đảm bảo công bằng, công khai minh bạch, tránh các trường hợp khiếu kiện về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội với 2 hầm chui được thực hiện từ năm 2010 với tổng chiều dài 15,7km từ cầu Sài Gòn đến nút giao Tân Vạn.
Dự án nâng cấp Xa lộ Hà Nội từ 8 lên 16 làn xe. Trong đó, 8 làn xe đi trên trục đường chính và 8 làn ô tô chạy ở hai bên đường song hành. Khoảng 12,5km từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia và một số đoạn đường song hành hai bên đã được đưa vào sử dụng.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng. TP.HCM dự kiến thu phí của dự án trong khoảng 19 năm.
Trạm thu phí Xa Lộ Hà Nội được dùng để thu phí hoàn vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc và kết thúc lúc 24h ngày 31/12/2017 do đã đủ hoàn vốn, sớm hơn dự kiến một năm.
Tuy nhiên, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội chưa thể thu phí hoàn vốn như kế hoạch vì vướng một số thủ tục pháp lý nên trạm vẫn tạm ngưng hoạt động cho đến nay.
Hoàng Mai