Nghi thức thả chim bồ câu và bong bóng đã kết thúc Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2557, dương lịch 2013) được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM long trọng tổ chức tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình) vào sáng 24/5 (nhằm ngày 15/4 Quý Tỵ).
Thả chim bồ câu
Những cánh chim bồ câu, những quả bóng tung bay trên bầu trời tại Đại lễ Phật đản đã thể hiện ước mong, khát vọng hòa bình của con người và dân tộc Việt Nam.
Các chư tôn giáo phẩm, đức tăng ni, phật tử về tham dự kỷ niệm Đại lễ Phật đản PL 2557 được tổ chức tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, TP.HCM sáng 24/5. |
Đội cờ Phật giáo được rước lên chánh điện chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, TP.HCM tại lễ kỷ niệm sáng 24/5. |
Các em thiếu nhi dâng những giỏ hoa lên đức Phật. |
Nghi thức dâng hương trước tượng Phật tại lễ kỷ niệm sáng 24/5. |
Nghi thức thả chim bồ câu hòa bình tại lễ kỷ niệm sáng 24/5. |
Từ sáng sớm, hàng ngàn Phật tử đã có mặt, đứng kín cả sân chùa Phổ Quang để đón và tham dự đại lễ trong không khí tràn đầy hỷ lạc, giữa rừng hoa rực rỡ.
Thông điệp của đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, cư sĩ, phật tử nhân Đại lễ Phật đản đã nhấn mạnh đại lễ năm nay đúng vào dịp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành kính tưởng niệm 50 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức và tăng ni, phật tử đã xả thân vì đạo, vì độc lập dân tộc, bảo vệ truyền thống Phật giáo và văn hóa Việt Nam.
Thông điệp nhấn mạnh: “Ngọn lửa thiêng của Bồ tát Thích Quảng Đức đã xua tan bóng tối vô minh, mà xã hội hiện đại ngày nay rất cần sự hiện diện của hành giả với tâm Bồ tát trải rộng tình thương yêu, trí tuệ trong sáng để diệt trừ lòng tham, tâm ích kỷ, sự hận thù nhằm đem lại hạnh phúc, an lạc và lợi ích cho tất cả mọi người”.
Diễn văn Phật đản của hòa thượng chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết các ban trị sự, các tự viện ở các tỉnh, thành, ở các vùng sâu, vùng xa đều có kế hoạch chào mừng Đại lễ Phật đản rất chu đáo, tô đậm nét văn hóa truyền thống và tinh thần vô úy của Phật giáo Việt Nam. Diễn văn khẳng định hãy lấy Phật tâm làm phật sự, lấy thiện tâm để làm thiện sự.
“Trong lúc một bộ phận đáng kể của xã hội ta đang bị ảnh hưởng trầm trọng của văn minh vật chất, suy thoái đạo đức, một bộ phận khác còn bị đe dọa bởi đói nghèo, bệnh tật, những nỗ lực của giáo hội ta cần tập trung tham gia giải quyết hai khổ nạn này” - diễn văn viết.
Tham dự và phát biểu tại đại lễ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh Đại lễ Phật đản cũng là dịp để tăng ni, cư sĩ, phật tử Việt Nam ôn lại truyền thống “hộ quốc an dân”, được kết tinh qua chiều dài hơn 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh ngay từ buổi đầu tiên với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận sự đồng hành với dân tộc phấn đấu vì hạnh phúc an vui cho con người.
10.000 người tham gia lễ rước Phật
Chiều tối 23/5 (14/4 âm lịch), tại TP.Huế, khoảng 10.000 người gồm tăng ni, phật tử và du khách thập phương đã xuống đường tham gia lễ rước Phật chào mừng Đại lễ Phật đản. Bắt đầu từ lúc 18h, đoàn cung nghinh xuất phát từ chùa Diệu Đế (số 100B đường Bạch Đằng), dẫn đầu là các đại đức, tăng ni đến từ hàng trăm ngôi chùa. Điểm đến của đoàn là chùa Từ Đàm (số 1 đường Sư Liễu Quán), trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đoàn rước đi qua cầu Trường Tiền. |
Rất đông phật tử cùng người dân Huế đã có mặt tại chùa Từ Đàm từ rất sớm để đón đoàn rước. |
Đoàn rước với 21 đội hình, trên tay cầm cờ hoa, lồng đèn nến thắp sáng tạo thành dòng ánh sáng lung linh giữa đường phố Huế. Lễ rước được kết thúc bằng nghi lễ rước kim thân Đức Phật tại lễ đài chùa Từ Đàm.
Đây là một nghi lễ truyền thống văn hóa tâm linh Phật giáo trong mùa Phật đản tại Huế đã có từ xưa và được kế thừa liên tục đến nay dù có sự thay đổi hình thức rước theo từng năm.
Đà Lạt: Xe hoa mừng Phật đản
Tối 23/5, 21 chiếc xe được trang trí bằng hoa tươi đại diện cho 21 chùa, thiền viện, tịnh xá đã tập trung về tổ đình Linh Quang trước khi diễu hành trên nhiều con phố Đà Lạt. Xe hoa Đà Lạt sở dĩ đặc biệt, được nhiều người dân và du khách chờ đón, chiêm ngưỡng vì được kết chủ yếu từ những loại hoa tươi phổ biến tại Đà Lạt.
Phía sau đoàn xe hoa là hàng ngàn người dân và phật tử theo ủng hộ. |
Chiếc lư hương được kết bằng hoa tươi của chùa Liên Trì (phường 6, Đà Lạt). |
Những chiếc lồng đèn gắn trên xe hoa được các chú tiểu chùa Linh Khứu (phường 9, Đà Lạt) chăm chút. |
Nơi xe hoa đi qua là một dòng hoa tươi chảy dài, khiến nhiều du khách và người dân địa phương say mê ngắm nhìn và tán thưởng. Mỗi xe hoa là mỗi dáng hình khác nhau mà người nông dân xứ hoa đã dày công sắp xếp. Diễu hành xe hoa vào đêm 14/4 (âm lịch) để mừng lễ Phật đản là hoạt động diễn ra hằng năm tại Đà Lạt.
Xe hoa được kết từ hàng ngàn cành hoa được các phật tử mang đến từ vườn hoa của gia đình. Và để có dòng xe hoa chảy trên nhiều con phố Đà Lạt mừng Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2257) từ hai ngày trước, các tăng ni, phật tử đã bắt tay vào trang trí xe hoa để chuẩn bị cho cuộc diễu hành. Những bó hoa hồng, hoa cúc, salem, cẩm chướng… được phật tử cắt từ vườn nhà, đem đến cùng nhà chùa kết xe hoa.
Đoàn xe hoa diễu hành đi qua các tuyến phố chính Phan Đình Phùng, 3/2, Trần Phú, Hồ Tùng Mậu, một đoạn bờ hồ Xuân Hương… thu hút nhiều người dân địa phương và du khách. Thậm chí, khi trời đổ mưa lớn nhiều người còn mặc áo mưa cố đứng chờ xem xe hoa diễu hành.
Theo Tuổi trẻ