Nay người ta khen, mai người ta chê, nên tôi chẳng bận tâm
Những bài viết và phát ngôn của chị thường gây sốc và thách thức dư luận, khen - chê đều có, chị thường được khen nhiều hơn hay chê nhiều hơn?
Mục đích viết của tôi là để nói lên suy nghĩ của bản thân. Tôi chưa ngu xuẩn đến mức dùng ngòi bút để thách thức dư luận hay bịa đặt thông tin và quan điểm để gây sốc. Còn cái nhìn của đám đông ra sao, có lúc tôi quan tâm, có lúc không, vì không phải lúc nào đám đông cũng có giá trị với tôi. Khen - chê thì muôn mồm và muôn đời, nay họ khen, mai họ chê, ngày kia họ nhổ nước bọt vào cái hôm họ khen, biết đường nào mà lần. Hôm nay người ta khen nhiều thì ngày mai họ chửi nhiều, tốt nhất đừng lấy khen - chê của đám đông làm hạnh phúc của bản thân là được.
Vậy, chị thường phản ứng thế nào trước những lời khen - chê?
Tôi đủ lãnh đạm để không bận tâm. Vì nói thật, ai lên mạng cũng biết, có những lời khen lố lăng và bầy đàn không chịu nổi, có những lời chê cũng dốt không để đâu cho hết, được những kẻ như thế khen có gì là sướng? Tôi chỉ thích những người tranh luận, thực sự là tranh luận, có lập luận chặt chẽ, có lý lẽ rõ ràng, có quan điểm độc lập với tôi, không công kích cá nhân. Những người như thế mới khiến tôi quan tâm (một cách kín đáo).
Chị có nhận thấy mình đang là một người tiên phong về nữ quyền không? Rất nhiều phát ngôn của chị về phụ nữ và quyền của phụ nữ được phụ nữ sử dụng như "tuyên ngôn"?.
Suốt 10 năm trời, từ 1993-2003 tôi vẫn nghĩ rằng mình viết cho cả xã hội đọc. Cứ ai có tiền mua sách báo là đều có quyền được đọc hết, đều thành độc giả hết. Tôi có trách nhiệm phải viết văn, hư cấu, thêm cảm xúc, thành một món ăn đặt tên là truyện ngắn Trang Hạ. Tất nhiên, tôi có một số giải thưởng văn học cho món truyện ngắn Trang Hạ.
Năm 2005 có một nhân vật báo chí của tôi quay lại xin tôi một lời khuyên. Đó là một người phụ nữ cụt tay, không bằng cấp, nghèo, thất nghiệp, người nhà quê, xấu, ế chồng. Chị ta nói, chị ta không tìm được chỗ của mình trong xã hội. Người lành lặn còn thất nghiệp nữa là chị, ở quê người ta đàm tiếu về cánh tay cụt của chị, không ai muốn lấy chị, chị muốn bị người khác lợi dụng cũng chẳng ai thèm lợi dụng, đi ra giếng giặt quần áo bị hàng xóm nói móc vài câu, chị ấy nghẹn ngào ôm chậu quần áo về và khóc, muốn chết vì bế tắc và không có tương lai. Chị nói, chị được nhận mấy chục triệu đồng, tiền bồi thường mất cánh tay, chẳng đủ tiền trả viện phí, mà còn bị làng xóm nói đổng là, bán trinh có mấy triệu đồng, đằng này mất có một tay được hẳn vài chục triệu, sao mà sướng thế!
Tôi nói, một là chị phải ra ngay Hà Nội, bán đồng nát hay làm thuê bưng phở, đứng máy photocopy cũng được, còn hơn ở lại quê nghèo không tương lai. Chị ra đây ôn thi một năm rồi thi đại học tại chức, đã không có sức khỏe thì càng phải có tri thức. Chịu nghèo khổ vài năm mà có tương lai sáng sủa của mình còn hơn ở mãi quê cả đời sẽ cúi gằm mặt giữa những thị phi. Tôi cũng nghèo nhưng có cho chị ít tiền đóng học phí thời gian đó. Nhưng trước khi chào bố mẹ ra Hà Nội, chị làm cho tôi một việc: Chị sang nhà hàng xóm, bảo họ rằng, có người chỉ cần thấy tí tiền là đào được cả mồ ông bà tổ tiên lên, phá chùa trộm chuông, nữa là ao ước mất một cánh tay!
Tất nhiên, chị kia chẳng đủ bạo mồm và sự nanh nọc mà sang trả đũa hàng xóm, nhưng chị lên Hà Nội chịu khó luyện thi rồi vào học đại học tại chức, trong thời gian học đại học, chị rất may mắn xin được công việc vào một tổ chức phi chính phủ. Lương cực kỳ thấp nhưng cũng tạm đủ ăn học, và tất nhiên hơn làm đồng trồng vườn ở quê. Vài năm sau, chị lấy một anh cùng quê nhưng cũng đang đi làm Nhà nước. Họ sống được với sự lương thiện.
Tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện này suốt vài năm ròng. Hóa ra, đàn bà có thể mạnh mẽ đối diện và vượt qua nghèo, khổ, cực, xấu xí, vất vả, hoàn cảnh, bi kịch, nhưng cái làm đàn bà gục ngã lại là đám đông và thị phi, là một câu nói bâng quơ, là một lời trêu ghẹo, một cái nhìn ác cảm, bị gọi là gái ế, chồng chê mất trinh... Tôi thích quan sát buồn, vui, sướng, khổ của cuộc đời. Và, vào tuổi ba mươi ba, tôi kết thúc hoàn toàn việc viết văn hư cấu, truyện ngắn, chỉ để dành thời gian viết về đời sống và đàn bà. Tôi tin rất nhiều người đàn bà đọc Trang Hạ xong đã tìm được lý lẽ để đối mặt với khó khăn, lý lẽ ấy là: Bởi vì bạn là phụ nữ, bạn không nên bị đánh gục bởi những thứ không xứng đáng, bạn sinh ra không phải là để cho kẻ khác chà đạp! Chẳng còn ai trao giải thưởng văn học cho Trang Hạ nữa. Vì đơn giản là tôi không còn viết văn đã lâu rồi, tôi chỉ còn viết về con người, càng viết thật càng tốt. Mà viết thật, không thể nào tránh được sự trần trụi.
Nhà văn Trang Hạ.
tôi không có nhu cầu chứng tỏ bản thân với bất kỳ ai
Tranh luận là đưa ra ý kiến của mình và lắng nghe ý kiến của người khác. Sau cuộc “khẩu chiến” với đạo diễn Lê Hoàng, chị có "lắng nghe" được gì không?
Sau khi "khẩu chiến" suốt mấy tuần lễ liên tục, từ mạng cho tới báo điện tử, báo giấy, facebook, rốt cuộc tôi đã lần đầu tiên gặp anh Lê Hoàng ngoài đời thật. Cả hai đều ngỡ ngàng nhìn nhau vì ngoài đời chúng ta có vẻ hiền lành và tử tế gấp vạn lần trong hình dung. Anh Lê Hoàng nói, thực ra hai chúng tôi đâu có cãi nhau, vì về cơ bản là cả hai đều cho rằng, đàn ông phải chia sẻ việc nhà với vợ. Chỉ là các cách chúng ta nhìn cuộc đời khác hẳn nhau. Lê Hoàng cho rằng mọi lỗi luôn thuộc về đàn bà, còn Trang Hạ cho rằng, lỗi nằm ở chỗ đàn ông yêu thương chẳng đủ. Có thế thôi! Ngoài ra, mồm cả hai hơi bạo, nhưng điều ấy, tôi nghĩ, tốt cho xã hội. Bởi, chính những người đàn bà chịu đựng, nhẫn nhục và hy sinh mới là những người làm tổn thương xã hội này nhiều nhất, một cách sâu sắc và có hệ thống! Còn “khẩu chiến” khiến xã hội tiến bộ thì có gì mà phải... rút kinh nghiệm?
Gần đây chị lại mở ra một cuộc "facebook chiến" với Lê Hưng (blog Duhocsinhmy) về du lịch mạo hiểm ở Việt Nam, Lê Hưng có nhắn với chị rằng "khi nào chị đi phượt thì cho em đi với", chị nghĩ sao?
Tôi không hề mở ra bất kỳ cuộc "khẩu chiến" nào, chỉ là những ý kiến của cá nhân tôi luôn khiến người khác nhảy dựng lên mà thôi! Và khi người ta đáp trả, mặc nhiên nó thành một cuộc đôi co trên mạng. Những tranh cãi về du lịch mạo hiểm tại Việt Nam có thể chẳng thu hút được ai quan tâm, vì ngay cả định nghĩa về nó cũng ít ỏi và ít người biết. Nhưng, những gì chúng tôi tranh cãi về tâm thế của một người trước cuộc sống lại khiến cộng đồng mạng nóng hẳn lên. Bạn đi du lịch theo kiểu "sưu tập điểm đến", nửa tháng đi hết một tá các nước châu Âu, người ta leo Phanxipang hay đi Tây Tạng thì bạn cũng phải đi bằng được, khỏi thua kém ai, thì đừng tự nhận là dân du lịch. Nhưng nếu bạn liều mạng ăn thua đủ với mọi hành trình, mọi trò thể thao mạo hiểm, Tây nó làm được ta cũng chẳng kém bố con thằng nào, thì đích thị cũng chẳng nên hãnh diện vì sự nguy hiểm của mình làm gì! Sự va chạm của những quan điểm sống đã làm cư dân mạng quan tâm cuộc tranh luận, chứ không phải tôi và duhocsinhmy đang "đá đểu" nhau!
Và đã hai năm nay tôi lên kế hoạch chuẩn bị để xuyên Việt, tập luyện thể thao và chuẩn bị thể lực từ hơn một năm trước, chuẩn bị lịch trình và điểm đến với nhiều lần thay đổi, chứ không phải chỉ vì cãi nhau với duhocsinhmy mà tôi xách ba-lô lên đường. Tôi không có nhu cầu chứng tỏ bản thân với bất kỳ ai cả.
Xin cảm ơn chị!
Vào chùa tu thì tránh được thị phi "Khen - chê mà quan trọng đến thế thì đừng làm gì cả, đừng nói gì, vào chùa đi tu, đảm bảo tránh được thị phi và bình phẩm của thiên hạ. Còn đã cầm bút viết văn, thì phải hiểu là một bài viết mà 100% độc giả tán thưởng gật đầu theo, là nhà văn đã tạo ra một “bầy đàn” mới trong độc giả chứ báu gì. Còn một bài viết 100% bị chửi thì đảm bảo bài viết đó có vấn đề. Lý tưởng nhất là sáu mươi người thích + bốn mươi người ghét. Tỉ lệ đó, tôi nghĩ là lý tưởng. Bởi nó có nghĩa là, 0% người thờ ơ". |
Thanh Xuân