Tranh cãi đề thi Sử, bộ GD&ĐT dùng thuật ngữ 'phương án gây nhiễu'

Tranh cãi đề thi Sử, bộ GD&ĐT dùng thuật ngữ 'phương án gây nhiễu'

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 6, 30/06/2017 14:11

Sau khi nhận được ý kiến phản hồi về đề thi THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2017, Tổ ra đề môn Lịch sử đã có ý kiến phản hồi về việc này.

Theo đó, thông báo của Tổ ra đề môn Lịch sử: “Tổ đã rà soát cẩn thận, kĩ càng từng câu hỏi trong các mã đề thi theo phản ảnh và khẳng định đề thi, đáp án đã công bố là chính xác hoàn toàn. Thí sinh yên tâm kết quả làm bài của mình sẽ được đánh giá chính xác”.

Giáo dục - Tranh cãi đề thi Sử, bộ GD&ĐT dùng thuật ngữ 'phương án gây nhiễu'

Ảnh minh họa. 

Về phần nội dung phản ánh, Tổ giải thích: “Nội dung các câu hỏi đều bám sát kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016. Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đổi mới thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan và dùng dạng thức câu hỏi ở dạng trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, trong 4 phương án lựa chọn sẽ có một phương án đúng, các phương án còn lại được đưa vào có tác dụng “gây nhiễu” đối với người làm bài và được gọi là các phương án nhiễu”.

“Đặc biệt, câu hỏi ở các cấp độ vận dụng và vận dụng cao, theo kỹ thuật viết câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn thì các phương án nhiễu buộc phải có vẻ như “có lý” và “hấp dẫn” như phương án đúng nhưng không phải là phương án đúng. Trong một vài câu hỏi có sự băn khoăn về nội dung và đáp án trong các đề thi môn Lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vừa qua, các câu hỏi này hầu hết ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Do đó, đòi hỏi thí sinh phải có phân tích, đánh giá, suy luận và đặc biệt phải kết nối được các sự kiện một cách logic để tìm ra phương án trả lời đúng trong tất cả các phương án đã cho”, thông báo nêu.

Liên quan đến việc chấm thi, năm nay, tại tất cả các Hội đồng thi, Bộ GD&ĐT đều cử thanh tra chấm thi của Bộ về giám sát; các tỉnh, ngoài cán bộ, giáo viên phổ thông tham gia chấm thi còn có cán bộ, giảng viên của các trường đại học tham gia công tác thanh tra, chấm thi.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về trả lời của Tổ ra đề môn Sử (bộ GD&ĐT), thầy Trần Trung Hiếu (GV Sử trường THPT Phan Bội Châu – Nghệ An)  cho hay: “Trước tiên, tôi xin chia sẻ sự vất vả, khó khăn và áp lực mà tổ ra đề Sử của bộ GD&ĐT trong thời gian qua. Đây là năm đầu tiên tổ chức thi trắc nghiệm môn Sử nên việc có những câu hỏi gây tranh cãi là điều không bất ngờ”.

Về đề thi năm nay, thầy Hiếu nhận định: “Cha ông ta nói, không có lửa thì không có khói.  Nếu như ý kiến của 1 người thì có thể không đúng, không đầy đủ. Tuy nhiên, những ngày qua, rất nhiều người lên tiếng, chắc chắn phải có vấn đề. Tôi không bàn đề sai hay đúng, tôi cho rằng đề năm nay có một số câu có cách đặt câu hỏi thiếu chặt chẽ, tường minh”.

“Việc Tổ ra đề môn Sử trả lời đề chính xác hoàn toàn tôi thấy chưa thỏa đáng, chưa thuyết phục.  Rõ ràng trong đề thi Sử năm nay có một số câu hỏi gây sự tranh cãi không cần thiết.

Trong thi cử, mọi việc có thể xảy ra, nhưng khi những vấn đề không may xảy ra, đặc biệt là đề thi, Bộ nên chủ động giải đáp để tránh tranh cãi trong dư luận cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh và phụ huynh”, thầy Hiếu nói.

Thầy Hiếu cũng góp ý thêm với bộ GD&ĐT: “Trong những năm tới đây, tôi hy vọng Bộ sẽ có cách làm đề công tâm, chặt chẽ hơn nữa. Tôi mong rằng Bộ sẽ nhìn nhận một cách thẳng thắn những thiếu sót ở một số câu hỏi trong đề thi năm nay, tránh những câu hỏi “gây nhiễu”, nếu không muốn nói là cài bẫy học trò”.  

Công Luân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.