Băn khoăn về bản thiết kế
Sáng 9/3, tại trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã trưng bày công khai mô hình tổng mặt bằng ga ngầm C9 nằm cạnh Hồ Gươm, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, để lấy ý kiến người dân.
Ghi nhận của PV cho thấy, trong một buổi sáng đã có rất đông các nhà nghiên cứu, chuyên gia kiến trúc, xây dựng và người dân đến tham quan, đóng góp ý kiến cho bản quy hoạch. Tại đây, ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã bố trí cán bộ để giải đáp thắc mắc của người dân, phát phiếu khảo sát lấy ý kiến cụ thể của từng người.
Thời điểm mới khai mạc, khá nhiều người dân bày tỏ sự thắc mắc, thậm chí có người còn tranh cãi to tiếng xung quanh bản thiết kế.
Ông Tạ Khắc Hải (số 63 phố Đinh Tiên Hoàng, Tổ trưởng tổ dân phố 21, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), là một trong số những người có thắc mắc về bản thiết kế, cho hay, về vị trí của ga ngầm C9, ông đã được dự họp với các đơn vị liên quan từ năm 2009. Qua dự thảo quy hoạch mới được trưng bày lần này, ông nhận thấy việc xếp đặt vị trí nhà ga cũng như các giải pháp kỹ thuật thi công được nêu ra rất hợp lý.
“Tuy nhiên, tôi thắc mắc khi nhìn vào lối lên xuống tại nhà chờ phố Hàng Dầu. Theo bản thiết kế, hàng cây xà cừ nằm sát mép nhà chờ gây cản trở giao thông. Đáng lẽ, cần vẽ ra và đề là cửa nhà ga chiếm bao nhiêu lòng đường, vì nếu để như thế thì hàng cây không còn. Tôi mong muốn bản vẽ rõ ràng hơn”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Sĩ (69 tuổi, số 40 Lương Văn Can) cho hay: “Tôi vẫn băn khoăn rằng, cảnh quan khu vực này sẽ thế nào? Nhìn vào bản thiết kế là vậy, nhưng từ lý thuyết đến làm thật thì không biết ra sao? Tôi chỉ mong việc đi lại của người dân được thuận tiện, vệ sinh môi trường sạch sẽ, không còn cảnh ùn tắc nữa”.
Trong khi đó, bày tỏ sự không đồng tình, ông Phạm Thế Vinh (quận Đống Đa) nói: "Tôi đã sống ở thành phố này bao nhiêu năm, đã từng tận hưởng sự tĩnh lặng của Hà Nội, bây giờ xây nhà ga vào ngay giữa trung tâm, tôi cho là bất hợp lý".
Với tư cách một công dân Hà Nội và đồng thời là một kiến trúc sư, ông Trần Huy Ánh bày tỏ băn khoăn về việc, dự án này có phục vụ nâng cấp đô thị hay không, những vấn đề hạ tầng khác như cấp thoát nước, đường dây ngầm... sẽ giải quyết thế nào? "Tôi cho rằng, những vấn đề này sẽ không giải quyết được. Một dự án tốn kém như vậy để phục vụ nhu cầu đi lại thì quá lãng phí", ông Ánh nói.
Không ảnh hưởng đến vùng di tích?
Cũng có mặt tại buổi trưng bày từ khá sớm, nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu: "Công trình ga ngầm C9 rơi vào một vị trí cực kỳ nhạy cảm, là nơi linh thiêng lắng hồn núi sông ngàn năm. Vì vậy, dự án nhận được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều người cũng là dễ hiểu".
"Tuy nhiên, những người có trách nhiệm với Thủ đô, với đất nước đã tính toán một cách kỹ lưỡng, tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp hợp lý. Sau khi được chủ đầu tư tham vấn, tôi cũng đã có những ý kiến phản biện, thậm chí là rất gay gắt. Rất mừng là ý kiến đã được ghi nhận để chỉnh sửa nên cá nhân tôi thấy yên tâm. Giờ là lúc các cơ quan chức năng phải tập trung tuyên truyền giải thích nhằm tạo được sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân", nhà sử học Lê Văn Lan nhắn nhủ.
Trao đổi với PV, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội thông tin, về mặt kỹ thuật, tất cả những thiết bị, kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất sẽ được áp dụng để thi công. Trước khi thiết kế, đơn vị cũng đã khảo sát địa chất và đánh giá những tác động nhất định cùng sự góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Theo đó, cảnh quan trên mặt đất tại khu vực sẽ đảm bảo không thay đổi gì. Theo bản thiết kế, Tháp Bút sẽ chỉ bị lún 1-4mm, tác động hầu như không có. Việc khảo sát là để người dân Thủ đô cũng như các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất nhằm tiếp tục hoàn thiện phương án quy hoạch tổng mặt bằng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.