Theo nghiên cứu do Đại học Oxford công bố mới đây, hai năm sau đại dịch, nhóm người trẻ tuổi có hoàn cảnh khó khăn sinh sống ở các nước đang phát triển vẫn đang phải vật lộn để sống sót, thậm chí đang ngày càng trở nên đói kém hơn bao giờ hết, trong khi nhiều quốc gia đang trên đà hồi phục và tái thiết.
Báo cáo cho thấy đại dịch đe dọa khiến bất bình đẳng hằn sâu hơn, khiến những người trẻ có điều kiện kinh tế khó khăn nhất, sinh sống ở các nước đang phát triển rơi vào cảnh nghèo cùng cực.
Theo nghiên cứu này, các kết quả cho thấy tình trạng nghèo hộ gia đình ngày càng tăng, tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, gián đoạn giáo dục, khoảng cách giới trong lĩnh vực việc làm cũng không nằm ngoài xu thế, cơ hội tiếp cận vắc-xin không bình đẳng và nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần kéo dài.
TS.Catherine Porter, Giám đốc chương trình nghiên cứu Young Lives cho biết: “Hai năm trôi qua, đại dịch đã siết chặt vòng đói nghèo lên nhóm những người nghèo nhất. Năm 2021, bất bình đẳng đã gia tăng ở nhiều khía cạnh của cuộc sống của những người trẻ tuổi.
Điều quan trọng là phải hành động ngay từ bây giờ, lấy những người trẻ tuổi làm trọng tâm của các chính sách và chương trình hồi phục sau Covid-19 nếu chúng ta muốn giúp khôi phục lại cuộc sống của họ và tiếp tục nỗ lực của chúng ta trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người trẻ tuổi đang phải đương đầu với nhiều căng thẳng do hậu quả của đại dịch, đi kèm theo đó các cuộc xung đột và biến đổi khí hậu chưa từng có.
Trong cuộc khảo sát mới nhất, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn hơn 9.000 thanh niên, trong thời gian từ tháng 10-12/2021, về tác động của đại dịch đối với thu nhập hộ gia đình, khả năng tiếp cận lương thực và vắc xin, việc làm, giáo dục và niềm vui của họ.
Tăng số lượng hộ nghèo
Từ cuộc khảo sát cho thấy số lượng hộ gia đình đang gặp khó khăn đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch.
Những người trẻ tuổi xuất thân từ các hộ gia đình nghèo và các nhóm yếu thế dường như bị mắc kẹt sâu trong trong cảnh đói nghèo, khiến họ không thể thoát ra, mặc dù các biện pháp hạn chế kinh tế đã được nới lỏng.
Ở Ethiopia, số người sống trong các hộ gia đình nghèo và thiếu thốn hoặc đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất, đã tăng gần gấp đôi từ 34% vào thời điểm trước đại dịch lên 63% vào năm 2021.
Đối với Ấn Độ, con số này tăng từ 36% trước đại dịch lên 52% vào 8-10/2020, và chỉ phục hồi nhẹ lên 46% vào thời điểm tháng 10 đến tháng 12/2021.
Ở Peru, những người có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Tây Ban Nha thường có xu hướng sống trong các hộ gia đình nghèo hoặc cơ cực, tăng từ 12% vào thời điểm trước đại dịch lên 20% (so với chỉ 4% ở những người có ngôn ngữ chính là tiếng Tây Ban Nha).
Tình trạng mất an ninh lương thực
Vào năm 2021, số lượng người trẻ tuổi lo lắng về việc không có đủ lương thực đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là những người sống trong các hộ gia đình nghèo và trong các nhóm yếu thế.
Hơn 40% các gia đình được khảo sát trong khu vực bị hạn hán và khu vực dân cư phía Nam ở Ethiopia thực sự đã bị hết lương thực vào năm 2021.
75% lo lắng về vấn đề không có đủ lương thực, một mức tăng gần 100% so với tỉ lệ năm 2020.
Tại Ấn Độ, 44% thanh niên tham gia khảo sát lo lắng về vấn đề thiếu lương thực vào năm 2021, trong khi con số này 13% ghi nhận hồi năm 2020.
Còn ở Việt Nam, tỉ lệ này là 29%, vào năm 2020 là 14%, với mức tăng ghi nhận cả ở các hộ gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn.
Gia tăng vấn đề sức khỏe tâm thần
Sức khoẻ tâm thần cũng là vấn đề được chú ý khi ghiên cứu ghi nhận tỉ lệ cao đến mức đáng lo ngại về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở những người trẻ tuổi, vốn ở mức duy trì hoặc có xu hướng gia tăng trong bối cảnh đại dịch.
30% người trẻ tuổi cho biết đã từng cảm thấy lo lắng và 24% cho biết có các triệu chứng trầm cảm ở Peru.
So với mức trầm cảm trung bình trước đại dịch là 18%, ghi nhận ở báo cáo khảo sát nhân khẩu học và Sức khỏe năm 2019.
Tại Việt Nam, số người trẻ có các triệu chứng trầm cảm 12% đã tăng gấp đôi vào tháng 10-12/2021, so với năm trước 6%, với mức độ lo lắng được báo cáo tăng từ 5% lên 8% so với cùng kỳ.
Đại dịch khiến giảm chất lượng học tập
Những người trẻ tuổi trong mẫu điều tra Young Lives đều cho biết chất lượng giáo dục đã bị suy giảm đáng kể.
Gần một nửa số thanh niên 19-20 tuổi cho biết chất lượng học tập của họ đã bị giảm sút so với thời điểm trước đại dịch (55% đối với Việt Nam, 51% ở Peru, 47% ở Ấn Độ và 30% ở Ethiopia).
Trường học tiếp tục đóng cửa, hiệu quả thấp của việc học từ xa đang khiến tình trạng bất bình đẳng giáo dục và bỏ học tiếp tục gia tăng.
Ở Peru, gần 1/5 (19%) thanh niên trong độ tuổi 19-20 tuổi đã bỏ học vì nhiều lý do.
Còn ở Việt Nam, 22% số thanh niên trong độ tuổi 19-20 tuổi không có kết nối mạng Internet đã bỏ học.
Dịch chuyển việc làm
Năm 2021, nhiều người trẻ tuổi đã trở lại làm việc, nhưng khoảng cách giới trong lĩnh vực việc làm đang gia tăng và chất lượng việc làm thậm chí còn suy giảm đối với một số nhóm người, cùng với đó là sự dịch chuyển sang làm việc tự do và nông nghiệp nhiều hơn.
Ở Peru, tỉ lệ việc làm cho phụ nữ 26-27 tuổi giảm từ 76% lúc trước đại dịch xuống còn 64% hồi tháng 10 – 12/2021, với khoảng cách giới trên thị trường việc làm tăng từ 11 điểm phần trăm lên 24 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Tiêm chủng phân bổ không đồng đều
Tỉ lệ tiêm chủng không đồng đều giữa các quốc gia và trong cùng một quốc gia đang khiến những hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn hơn, các hộ sinh sống ở vùng nông thôn và các nhóm yếu thế có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn.
Các chương trình tiêm chủng đã được đẩy nhanh trong nửa cuối năm 2021 tại các nước Ấn Độ, Peru và Việt Nam, với lần lượt 65%, 57% và 62% những người trẻ tuổi tham gia khảo sát đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin vào thời điểm khảo sát.
Tuy nhiên, ở Ethiopia, tỉ lệ tiêm vắc xin vẫn còn ở mức rất thấp, chỉ 3% được tiêm liều vắc xin thứ nhất vào thời điểm khảo sát tháng 10 đến tháng 12 năm 2021, và 29% cho biết rằng họ sẽ không tiêm kể cả nếu có vắc-xin.
Đối với Peru, chỉ có 41% những người có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Tây Ban Nha được tiêm liều thứ nhất, so với 67% ở những người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha.