Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 do Trung ương Đoàn phối hợp bộ Giáo dục và Đào tạo, báo Tuổi trẻ và tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm khuyến khích các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Năm 2018 là năm thứ ba chương trình được triển khai.
14 công trình được vinh danh tối 11/11 là các công trình xuất sắc nhất trong số 401 hồ sơ dự thi năm nay. Trong 14 công trình, sáng kiến vào vòng chung khảo, có 02 công trình đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, 10 công trình là sản phẩm sáng tạo phục vụ dạy học và 02 công trình nghiên cứu về giáo dục.
Cuộc thi năm nay là sân chơi giao lưu, hội ngộ nhiều tri thức trẻ, với nhiều trăn trở, tâm huyết trong việc tìm kiếm các giải pháp cải thiện hoạt động dạy và học.
Xuất phát từ nhu cầu học tập, làm việc của bản thân từ những trăn trở trong nhiều chuyến trải nghiệm ở nhiều địa phương, các nhóm tác giả có cảm nhận sâu sắc và đã hoàn thành sáng kiến, ý tưởng của mình thật độc đáo, hữu ích.
Anh Nguyễn Huy Du (Hà Nội) giới thiệu sản phẩm đèn học thông minh, có khả năng tích hợp truyền video trực tiếp, để giáo viên và phụ huynh trao đổi tương tác trên điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Anh Du cho biết: “Mỗi ngày, trẻ có thể hỏi 390 câu hỏi. Tất cả mọi tri thức được rút ra từ những câu hỏi, nếu hỏi mà không được giải đáp ngay lập tức sẽ gây lãng phí. Thông qua chiếc điện thoại có thể giải đáp ngay lập tức những câu hỏi này. Trong kỷ nguyên số, chỉ cần có internet, học sinh có thể trao đổi, tiếp thu tri thức dễ dàng, có khả năng tiếp cận ngoại ngữ”.
“Chiếc đèn học kết nối hệ thống gia sư sinh viên sư phạm trực tuyến, đồng thời thực hiện chiến dịch thiện nguyện, đưa con chữ lên non. Mỗi tối, sinh viên có thể học cùng những trẻ em hiếu học khắp mọi miền Tổ quốc, tạo làn sóng sinh viên tình nguyện kết nối chia sẻ tri thức, vượt khoảng cách địa lý”, anh khẳng định thêm.
Anh Lục Quang Tấn (Lào Cai) cùng những người bạn nghiên cứu ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến, điểm mới của IOSTUDY là một hệ sinh thái gồm 13 ứng dụng dạy và học, 5 ứng dụng tiện ích dành cho giáo viên: Chữ viết tay, sơ đồ tư duy,...
Chia sẻ về ý tưởng cho sáng kiến hữu ích này, anh Tấn cho biết: “Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang từng ngày tác động mạnh mẽ đến giáo dục. Xuất thân từ quê hương miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ít giáo viên đạt chuẩn, ít cơ hội tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài và không có nhiều trung tâm bồi dưỡng, tôi trăn trở một giải pháp học tiếng Anh hiệu quả”.
IOSTUDY gửi thống kê qua email về trình độ những kĩ năng của người học, nhờ đó, có thể ôn tập dễ dàng những kĩ năng còn thiếu. Trải qua 3 năm nghiên cứu, bước đầu đã được khá nhiều người đón nhận một cách tích cực, nhóm mong muốn tiếp tục mang đến đồng bào với mức giá 500.000 đồng/năm sử dụng toàn bộ ứng dụng.
Cô giáo Dương Thị Thu Hà (Hà Nội) chia sẻ, sau một chuyến ghé thăm làng trẻ Hòa Bình, cô đã nảy ra ý tưởng và tự mày mò, chế tạo thiết bị PSE giúp trẻ mắc hội chứng down học kĩ năng sống. Theo cô Hà, đối với trẻ down, kĩ năng sống còn quan trọng hơn rất nhiều lần những kiến thức văn hóa. Kế hoạch sắp tới của nhóm là cải tiến sản phẩm thông minh hơn, nhân rộng phương pháp sử dụng cho đối tượng trẻ down nói riêng và trẻ chậm phát triển trí tuệ nói chung.
Anh Lê Yên Thanh (TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ niềm tin với sản phẩm của nhóm: “Với công nghệ blockchain, nhóm mình hy vọng sẽ tạo dựng niềm tin cho mọi người trong kết quả thi cử, an toàn, không ai có thể tác động. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu lớn được lưu trữ cẩn thận, khi cần, có thể dễ dàng tra cứu lại kết quả những bài kiểm tra của bản thân”.
Bắt nguồn từ niềm yêu thích với môn toán học, bạn Nguyễn Nga Nhi (Hà Nội) đã tự mày mò tìm hiểu kiến thức lập trình và xây dựng thành công chương trình Toán tương tác - Flash for Math. Nga Nhi chia sẻ mục tiêu “học mà chơi, chơi mà học” để đem đến một môn toán có tính thư giãn, giải trí cao, giúp việc nhận thức môn toán trở nên đơn giản, hiệu quả hơn.
Thông qua cuộc thi, ban Tổ chức hy vọng gợi mở nhiều tâm huyết, định hướng và mở rộng phát triển các công trình phục vụ giáo dục trong tương lai.
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá: “Năm nay, các công trình dự thi rất đa dạng, từ độ tuổi tham gia tới nội dung và đối tượng mục tiêu, các công trình tích hợp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và thậm chí là blockchain. Tôi nghĩ đây là một sân chơi rất tốt cho quá trình khởi nghiệp, sau này có thể trở thành sản phẩm thương mại, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đề nghị các bạn trẻ có ý tưởng hãy mạnh dạn đi theo một quy trình, để đạt hiệu quả cao hơn”.
Các sản phẩm dự thi năm nay được ban giám khảo đánh giá tích cực, áp dụng công nghệ mới với tiềm năng phục vụ hiệu quả. Với kết quả đó, tri thức trẻ năm nay góp phần khơi gợi sức mạnh trí tuệ và khát vọng đóng góp cho ngành Giáo dục.
Xuất phát từ mong muốn của thế hệ trẻ, mong muốn đổi mới phương pháp dạy và học, với nhiều ý tưởng tốt, ban Giám khảo nhận định các công trình nghiên cứu cần sự đầu tư, tiếp cận với các công trình, nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới giáo dục trong nhà trường.
Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0, hệ thống xác thực bằng cấp bằng công nghệ blockchain, phần mềm học tiếng Anh trực tuyến IOSTUDY, thiết bị PSE dạy học cho người mắc hội chứng down là 4 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất nhận giải thưởng trị giá 100 triệu đồng cùng bằng khen của Trung ương Đoàn, bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các tác giả lọt vào vòng chung khảo nhận được phần thưởng trị giá 10 triệu đồng cùng bằng khen của Trung ương Đoàn, bộ Giáo dục và Đào tạo.
Qua 5 tháng triển khai chương trình, ban Tổ chức đã tiếp nhận 401 công trình, sáng kiến của 400 tác giả, nhóm tác giả trong nước và 01 nhóm tác giả là du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Cụ thể, có 332 tác giả là giáo viên, giảng viên, trong đó 15 tác giả là giảng viên các trường quân đội, công an; 56 tác giả là học sinh, sinh viên; 6 tác giả là công chức, viên chức; 7 nhóm tác giả là startup về công nghệ, giáo dục.
Đặc biệt chương trình năm nay có 4 nhóm tác giả nhỏ tuổi nhất, sinh năm 2007, hiện đang là học sinh lớp 5 ở Hà Nội, Hà Tĩnh và Lào Cai.