Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với nữ doanh nhân – thương lái Nguyễn Thị Thành Thực xung quanh phát ngôn nói trên cũng như quan điểm của bà về nông sản Việt, về kinh nghiệm thương trường của một người phụ nữ làm quản lý.
Thưa bà Nguyễn Thị Thành Thực, gần đây bà đã gây được sự chú ý của giới doanh nghiệp cũng như dư luận vì phát ngôn thẳng thắn "Nông sản Việt như cô gái quê danh giá chỉ biết ngồi nhà chờ người ta đến hỏi và mua đi". Vấn đề được đề cập ở đây không mới, nhưng theo bà thì điều gì trong câu nói đó lại khiến nó được chú ý như vậy?
Chuyện này tôi thấy cũng bất ngờ, vì câu ví rất đời thường. Trong văn hoá truyền thống thời phong kiến của người Việt mình, hình ảnh người phụ nữ rất ý nhị, kín đáo và đối với đàn ông thì chỉ có "trâu đi tìm cọc" chứ không có chuyện ngược lại.
Nhưng thời nay đã khác rất nhiều, phụ nữ đã có thể đi thi hoa hậu, đã có thể tự tin tìm bạn đời và có rất nhiều sự lựa chọn, đã đến thời cọc cũng có quyền đi tìm trâu.
Bản chất sự ví von đó là tôi mong muốn nông sản Việt phải tự tin hội nhập, đi tìm kiếm thị trường và biết mình có gì khác biệt, có gì cần thay đổi, để có nhiều sự lựa chọn hơn.
Tôi xin chia sẻ hàm ý trong câu nói đó thế này: Vì những người sản xuất nông nghiệp của chúng ta chủ yếu là nông hộ, sự liên kết rất hình thức và rời rạc, mạnh ai nấy làm. Còn các đại gia thì họ chọn phần nào ít rủi ro nhất trong chuỗi họ chiếm lĩnh, vì thế nhiều khi ra thị trường mình càng ngày càng tụt hậu, thấy rất tủi nhục. Nông sản Việt đang dần bị xếp xuống hạng bình dân ở ngay thị trường Trung Quốc, nơi mà nhiều năm trước luôn được coi là đặc sản.
Là người đề cao khâu thương mại, cho rằng dẫn dắt thương mại có thể quyết định đến khâu sản xuất và chế biển nông sản, theo bà để đưa nông sản Việt xuất hiện nhiều hơn ở những cái "chợ" lớn như Trung Quốc, hay những chợ khó tính như châu Âu thì khâu dẫn dắt thương mại của ta cần cải tiến những gì?
Ngày nay với nền kinh tế hội nhập và ngày càng minh bạch, đặc biệt cách mạng 4.0 cung cấp cho người mua rất nhiều công cụ tiện ích để họ có sự lựa chọn tốt hơn, phù hợp hơn.
Người bán muốn bán cái thị trường cần hay bán cái mình có thì phương thức bán hàng sẽ là yếu tố chính quyết định sản xuất.
Nếu không bám sát thị trường thì khó có thể nắm bắt được tâm lý tiêu dùng, các sản phẩm cạnh tranh, các sản phẩm thay thế, các nguồn cung thay thế...
Vì vậy muốn sản xuất hàng hoá phải bám sát thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực sinh năm 1968 tại xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Tốt nghiệp trường Nghiệp vụ Ngân hàng Bắc Ninh năm 1987, bà lên nhận công tác tại huyện Sơn Động - địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang.
Năm 1992, trước chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước, bà Thực bỏ ngân hàng để chuyển hướng sang kinh doanh.
Năm 2005, bà tiếp quản công ty Bia rượu nước giải khát Bắc Giang lúc đó đang tiến hành cổ phần hóa trong bối cảnh hết sức khó khăn, sản xuất đình trệ, nguy cơ phá sản và xây dựng thành công ty Cổ phần Bagico chuyên buôn bán nông sản Việt như hôm nay.
Bà nói rằng 77% nông sản Việt Nam hiện nay đang bán vào Trung Quốc, cho thấy thị trường Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến nông sản Việt. Theo bà, làm thế nào để ta giữ được bạn hàng lớn này nhưng không quá phụ thuộc vào họ?
Tôi đã từng nói: "Trung Quốc vừa là đối tác nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của nông sản Việt Nam"'. Vì sao là đối tác lớn nhất thì trong thời gian qua ai cũng đã rõ. Nhưng vì sao họ là đối thủ lớn nhất thì chúng ta rất thiếu thông tin.
Ngày nay công nghệ phát triển, ứng dụng CNC (ứng dụng công nghệ điều khiển bằng máy tính – PV) của họ vượt bậc so với ta. Các nông sản chúng ta có hầu như Trung Quốc đều có hoặc họ lai tạo rất nhanh để phù hợp và tốt hơn. Bản thân thị trường nội địa họ rất lớn chưa kể đến xuất khẩu và chế biến cũng rất lớn so với chúng ta. Vì thế họ đầu tư sản xuất sẽ lợi hơn chúng ta vì giá thành rẻ, tự động cao.
Đặc biệt chiến lược thương hiệu quốc gia của họ rất đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đừng lầm tưởng Trung Quốc là thị trường dễ tính. Thu nhập của họ ngày càng cao, kiểm soát thị trường ngày càng chặt chẽ và hiện đại. Họ kiểm soát truyền thông khá tốt nên không dễ gì mà các sản phẩm kém chất lượng có thể bán được. Rất nhiều nông sản Việt họ mua về làm thức ăn gia súc hay làm phân bón.
Muốn giữ đối tác này chúng ta cần hiểu họ nhiều hơn để biết họ cần gì, họ muốn gì và chúng ta có cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại của họ không?
Đặc biệt cần học và hợp tác chế biến nông sản. Họ đã sản xuất lớn, có thị trường, nhưng nguyên liệu thô nhập từ Việt Nam về sẽ đội giá rất cao vì chi phí trung gian ngày càng tăng. Việc bán các nông sản thô của chúng ta sẽ ngày càng gặp khó khăn và họ sẽ tìm cách phát triển sản xuất trong nước để tăng nguồn cung .
Khi chúng ta nâng cao trình độ sản xuất, có thể cạnh tranh xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng thì chúng ta mới đủ tự tin hội nhập một cách bền vững.
Video: Bà Nguyễn Thị Thành Thực nói về thực trạng nông sản Việt Nam
Học ngân hàng nhưng lại "lấn sân" sang lĩnh vực thương mại, xin hỏi những thành công ngày hôm nay bà có được có phải dựa chủ yếu trên kinh nghiệm hay không? Theo bà, để kinh doanh thành công cần có những yếu tố gì?
Tôi luôn cảm ơn và trân trọng những năm tháng học và làm ngân hàng. Cảm ơn sự dạy dỗ của các thầy cô, cảm ơn cả sự nghiệt ngã của cơ chế thời bao cấp. Vì tất cả đã cho tôi những kiến thức cơ bản về kinh tế, cho tôi tư duy logic và phân tích để tôi có thể biết cách đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu trong kinh doanh và cuộc sống.
Học thức có trước để có kinh nghiệm thực tế tránh được nhiều rủi ro. Dù đi buôn nhưng… có học vẫn hơn (cười!)
Tuy nhiên tôi thấy khi bạn muốn làm chủ kinh doanh thì khả năng thành công tỷ lệ thuận với khả năng tự học.
Ngày nay, doanh nghiệp nào cũng biết tận dụng các hoạt động xã hội để vừa tạo ra giá trị cho cộng đồng vừa quảng bá thương hiệu, hình ảnh của mình. Được biết 10 năm nay bà đã tài trợ cho hoạt động bảo tồn, phát triển dân ca quan họ vùng Kinh Bắc thông qua trại hè dạy quan họ miễn phí cho trẻ em. Xin hỏi vì sao bà không chọn những lĩnh vực dễ gây chú ý hơn, nhanh nhìn thấy hiệu quả hơn như nhạc trẻ, thời trang, bóng đá... mà lại chọn dân ca quan họ?
Tôi là người nhanh nhạy trong hội nhập để phát triển, mạnh dạn xoá bỏ những hủ tục. Nhưng tôi cũng là người biết trân trọng những giá trị khác biệt. Văn hoá vùng miền không chỉ là bản sắc riêng có mà nó còn là lịch sử quê hương.
Tôi nghĩ thế hệ sau có quyền được hiểu và kế tục những giá trị văn hóa của thế hệ trước, cũng như có trách nhiệm truyền dạy cho các thế hệ sau nữa. Vì thế tôi đã đưa ra sáng kiến và bảo trợ chương trình này. Ngoài ý nghĩa về văn hoá thì lớn hơn cả là ý nghĩa giáo dục về lịch sử quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
Là một doanh nhân nữ, một người năng động và táo bạo khi đã từng bỏ ngân hàng sang thương mại, từng xắn tay mua cả nông trường, và gánh vác một doanh nghiệp Nhà nước đang trên đà phá sản là công ty bia rượu NGK Bắc Giang..., có bao giờ bà thấy mình bị thiếu những kỹ năng, lợi thế mà đàn ông có hay không? Bà làm thế nào để cân bằng giữa vai trò nhà quản lý và vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình?
Vì những thành tích trong quản lý, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực đã nhận được nhiều giải thưởng quý giá: Giải thưởng Bạch Thái Bưởi (2006), Bằng khen của Bộ trưởng bộ Công nghiệp vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh (2006), Giải thưởng Nhà quản lý giỏi (2007), Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam, Danh hiệu Doanh nhân đất Việt, Nữ doanh nhân tiêu biểu thời hội nhập (2008); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (2009), Doanh nhân tiêu biểu 1000 năm Thăng Long, Bằng khen Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh (2010)…
Không, không bao giờ thiếu kỹ năng và thua kém đàn ông. Mà ngược lại nữ doanh nhân Việt Nam có rất nhiều kỹ năng mà đàn ông không có, ví dụ như kỹ năng chịu đựng sự miệt thị, sự không công bằng của xã hội khi tham gia cùng công việc kinh doanh, kỹ năng vượt qua những cám dỗ tiền - tình để khẳng định giá trị bản thân….
Còn làm thế nào để cân bằng giữa vai trò quản lý và vai trò người phụ nữ trong gia đình thì tôi phải viện nhờ vào kỹ năng này đây: Kỹ năng đóng nhiều vai một lúc, vừa làm quản lý, làm vợ, làm mẹ, làm osin...
Xin hỏi bà câu cuối cùng: Triết lý kinh doanh của bà là gì? Điều gì là triết lý sống mà bà luôn tâm niệm?
Triết lý kinh doanh của tôi, cũng như của Bagico là: “Lợi ích của khách hàng chính là lợi ích của chúng tôi”. Còn về triết lý sống, tôi luôn tâm niệm và phấn đấu làm sao để được làm nhiều nhất những việc muốn làm, phải làm ít nhất những việc mình không muốn.
Trân trọng cảm ơn bà và chúc bà thành công hơn nữa trong vai trò người thương lái, góp phần đưa nông sản Việt ngày càng đến được với nhiều thị trường hơn.