Sáng 4/11, TAND Cấp cao tại Tp.HCM đưa vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 1) ra xét xử phúc thẩm.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 86 bị cáo trước đó bị tòa sơ thẩm tuyên phạt về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cấp tòa sơ thẩm tuyên phạt án tử hình về tội Tham ô tài sản; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
85 đồng phạm còn lại bị phạt mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường 677.000 tỷ đồng cho SCB.
Đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp tại SCB, trong đó có nhiều tài sản của Trương Mỹ Lan do người khác đứng tên, cần xác định tài sản nào của bị cáo Lan thì giữ lại để đảm bảo thi hành án.
Đối với số tiền các bị cáo khác tự nguyện nộp lại và số tiền thu giữ của các bị cáo, xét thấy đây là số tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan nên cần phải tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án.
Đối với tòa nhà 19 Nguyễn Huệ, HĐXX xét thấy đây là tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan nên tiếp tục kê biên, thi hành án đồng thời tiếp tục kê biên biệt thự cổ ở 112 Võ Văn Tần để đảm bảo thi hành án.
Sau bản án, bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm kháng cáo về nhiều nội dung khác nhau. Ngoài ra, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và nhiều cá nhân, pháp nhân được xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo.
Trong đơn kháng cáo dài 6 trang, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án. Trình bày trong đơn kháng cáo, bị cáo Lan kể về cuộc đời mình, về dòng tộc và hành trình tạo lập Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và những đóng góp cho xã hội trong quá trình này.
Theo đó, tháng 6/1992, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ra đời. Tiền thân của tập đoàn là cửa hàng chuyên kinh doanh tạp phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng của mẹ bị cáo Lan tại chợ Bến Thành (quận 1, Tp.HCM).
Quá trình kinh doanh tại Việt Nam, bị cáo Lan cho rằng, bản thân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện như xây tòa nhà Bệnh viện An Bình (quận 5); vợ chồng bị cáo Lan cũng đã tài trợ thực phẩm và 25 triệu liều vắc-xin cho người dân, xây dựng bệnh viện dã chiến trong đại dịch Covid-19…
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho rằng, khi tái cơ cấu SCB, bị cáo và các cộng sự mong muốn đưa ngân hàng này vượt qua khó khăn và quyết tâm thực hiện thành công. Quá trình đó, nữ bị cáo và những cộng sự là các cổ đông, các đồng nghiệp, thuộc cấp khác đã phải hy sinh rất nhiều trong việc tái cấu trúc ngân hàng.
Cũng theo bị cáo Lan, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, không phải là công ty trách nhiệm hữu hạn nên buộc bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm của vụ án là chưa phù hợp.
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng trình bày thêm một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt để cấp phúc thẩm xem xét.
Đồng thời, bị cáo Lan cho rằng việc cấp sơ thẩm tuyên án tử hình đối với một người phụ nữ như bị cáo là quá nghiêm khắc, quá nặng nề.
"Trong hành trình cuộc đời đầy bão giông, thật sự tôi không cam lòng, hàng đêm tôi luôn day dứt và tự hỏi: Vì sao tôi và gia đình lại lâm vào cảnh thế này?", bị cáo Lan viết trong đơn kháng cáo.
Từ những lời "ruột gan" nói trên, bị cáo Lan mong cấp tòa phúc thẩm xem xét thấu đáo, cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
47 bị cáo khác, trong đó có bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước)…đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85%-91,5% cổ phần của SCB.
Qua đó, Trương Mỹ Lan trở thành cổ đông có quyền lực nhất tại SCB, trực tiếp chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan;
Trương Mỹ Lan thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại SCB để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.
Với các thủ đoạn nêu trên, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng của SCB. Hành vi của Trương Mỹ Lan đủ yếu tố cấu thành các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.
Theo bản án sơ thẩm, hành vi phạm tội của bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy ngân hàng này vào tình trạng mất thanh khoản. Đồng thời, vụ việc gây hoang mang trong người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, xói mòn niềm tin của nhân dân.