Số lượt tàu thông qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm 2023 giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022
Báo Giao Thông dẫn nguồn Cục Hàng hải Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt tàu biển thông qua cảng biển đạt 59.338 lượt, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 26.973 lượt tàu ngoại thông qua, giảm 5% và số lượt tàu nội thông qua giảm 2%, đạt 32.365 lượt.
Cụ thể, số lượt tàu xuất nhập cảnh đạt 3.857 lượt, giảm 18%, trong khi tàu chạy tuyến nội địa đạt 28.508 lượt, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm mặc dù số lượt tàu ngoại thông qua cảng biển giảm, nhưng số lượt phương tiện thủy nội địa VR - SB lại có xu hướng tăng. Theo thống kê, số lượng phương tiện thủy nội địa thông qua tăng 5%, đạt 206,3 nghìn lượt. Trong đó, lượt phương tiện thủy nội địa VR-SB thông qua đạt 31,18 nghìn lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 7, số lượt tàu thông qua cảng biển có sự tăng trưởng nhẹ. Cụ thể, theo thống kê, tổng số lượt tàu biển thông qua cảng biển đạt 10.770 lượt, tăng 21%. Trong đó, tàu ngoại tăng 21%, đạt 4.940 lượt và tàu nội tăng 20%, đạt 5.830 lượt.
Số lượt tàu thông qua cảng có sự tăng trưởng nên trong tháng 7, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt cũng có sự dịch chuyển. Sản lượng hàng hóa qua cảng biển trong tháng 7 tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 70,8 triệu tấn. Trong đó, hàng container tăng 6%, đạt 22,1 triệu tấn. Sản lượng hàng hóa tính theo Teus đạt 2,2 triệu Teus, tăng 3%.
Cảng biển khu vực nào ở nước ta thu hút vốn ngoại?
Thông tin trên báo Đầu Tư, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” vốn vào xây dựng cảng biển tại Việt Nam. Ở khu vực phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư ngoại đến xây cảng nhất, trong đó có các tập đoàn lớn như PSA (Singapore) đầu tư Cảng SP-PSA, APMT (Đan Mạch) đầu tư Cảng CMIT,...
Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), giai đoạn 2011 - 2020, trong tổng số 202.000 tỷ đồng đầu tư vào cảng biển, thì nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt tới 173.000 tỷ đồng (chiếm 86%), ngân sách Nhà nước đầu tư hơn 28.000 tỷ đồng (chiếm 14%). Điều đó cho thấy sức hấp dẫn trong đầu tư cảng biển.
Dự báo thời gian tới, lĩnh vực cảng biển phía Nam được dự báo tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, cảng quốc tế Cần Giờ với tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD đang trong quá trình nghiên cứu khả thi. Theo đó, dự án được coi là “khủng” nhất này do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và hãng tàu container lớn nhất thế giới Mediterranean Shipping Company (MSC) đề xuất. MSC cam kết rót vốn đầu tư xây dựng cảng theo mô hình cảng xanh và đưa hàng về cảng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt tuyến đường nối các khu công nghiệp đến cảng đã được các địa phương khởi công. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều dự án kết nối đến cảng biển đã được khởi công như cầu Phước An kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường 991B, đường ĐT992, đường ven biển ĐT994…
Danh sách cảng biển Việt Nam loại đặc biệt, loại I, II, III
Theo báo Chính Phủ, vừa qua Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 804/QĐ-TTg, ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục 34 cảng biển Việt Nam, Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Cảng biển Thanh hóa, Cảng biển Nghệ An, Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Ngãi, Cảng biển Bình Định, Cảng biển Khánh Hòa, Cảng biển Tp.Hồ Chí Minh, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.
7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Bình Thuận, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Hậu Giang và Cảng biển Trà Vinh.
Danh sách 14 cảng biển loại III: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang.
Trúc Chi (t/h)