Nếu đi hỏi từ nào hay được dùng nhất hiện nay, thì tôi dám chắc rằng từ bà bán trà đá cho đến anh nhân viên văn phòng đều phải nói rằng đó là “giá”. Nào là "thu giá" thay thế "thu phí" trong các BOT của bộ Giao thông Vận tải, cho đến giá trong "giá dịch vụ đào tạo" thay thế cho "học phí" được Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ uyển chuyển áp dụng trong dự thảo luật Giáo dục đại học mới.
Khi Bộ trưởng Nhạ đưa ra thuật ngữ "giá dịch vụ đào tạo", tôi đã đi tìm những từ ngữ sẽ đi theo nó. Để rồi, những kết quả thật hay, mà tôi dám chắc cả xã hội sẽ rất hào hứng khi gọi.
Ví dụ, khuyến mãi – nếu là dịch vụ thì chắc chắn phải có khuyến mãi rồi, khuyến mãi cho sinh viên ưu tú, à không, phải gọi là khách hàng mới đúng.
Tôi hay có thói quen chào những chính khách trong ngành giáo dục là thầy, dù tôi chưa một lần được là trò của họ. Nhưng nếu thay đổi thì tôi phải chào là anh, hoặc chị… chắc sẽ mất nhiều thời gian để tôi thay đổi từ việc chào “Thầy Bộ trưởng” sang “Anh Bộ trưởng”.
Còn các thầy cô, phải chào sinh viên là gì? “Thượng đế” - bởi lẽ đơn giản khách hàng là "Thượng đế" mà…
Quả thực cũng không phức tạp lắm về mặt phát âm khi thay đổi, nếu cẩn thận hơn "Thầy Bộ trưởng" (Anh Bộ trưởng) chỉ cần hành thêm cuốn sổ tay đi kèm những từ ngữ phải thay đổi theo để cho sinh viên và người dân như chúng tôi xưng hô cho phải đạo.
Cái mà nhiều người dân lo lắng, đó là những thay đổi về bản chất phía sau nhưng từ ngữ đó là gì? Việc thay đổi cách gọi như vậy sẽ có lợi cho ai? Theo trần tình của Bộ trưởng bộ GD&ĐT, lý do được đưa ra là giáo dục đại học đang được tự chủ, nên cần thu sao cho đúng, cho đủ…
Việc thu đúng, thu đủ ấy đang bị méo mó và biến giáo dục trở nên thương mại hóa, bắt đầu từ những câu từ được bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh trong Luật. Điều này, thật nguy hại và đang đưa giáo dục xa dần bản chất của nó.
Xưa nay, đã xuất hiện nhiều cuộc tranh cãi về khái niệm “thương mại hóa giáo dục" trong các trường dân lập – một hành vi bị cấm trong điều 17 của luật Giáo dục. Nay nhìn lại, hầu như mọi lập luận đã không còn ý nghĩa gì nữa, biểu hiện của “thương mại hóa giáo dục" lại nở rộ hơn bao giờ hết, tập trung vào hệ thống trường công lập, từ cấp tiểu học đến đại học.
Và bây giờ, thay vì ngăn chặn nó, thì ngược lại, bằng cách nào đó, nó đang được khéo léo đưa vào luật, bởi những người làm giáo dục.
Nếu giáo dục là mua bán, thì có lẽ nên sáp nhập bộ GD&ĐT vào bộ Công thương, cho phù hợp tờ trình của bộ Nội vụ.