Chiều 17/4, làm việc với PV, bà Vũ Thị Thanh Bình, Chánh văn phòng trường phổ thông Đoàn Thị Điểm nói về khoản “phí giữ chỗ” mà phụ huynh phản ánh: “Trong những năm học vừa qua, nhà trường vẫn dành quyền ưu tiên cho học sinh cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, sang đầu năm học, số học sinh chuyển trường vẫn rất nhiều. Chính về vậy, đây coi như là tiền để đảm bảo chắc chắn rằng sang năm họ vẫn cho con học tại đây”.
“Sau khi học sinh đóng học phí tháng đầu tiên, chúng tôi sẽ hoàn trả lại số tiền phí giữ chỗ. Đây là năm đầu tiên nhà trường thực hiện vấn đề này, chúng tôi sẽ có thông báo đến phụ huynh học sinh về khoản lãi suất khoản phí giữ chỗ này theo lãi suất ngân hàng kỳ hạn 3 tháng. Và số tiền lãi suất chúng tôi cũng gửi lại cho phụ huynh”, bà Bình giải thích thêm.
Về những phản ánh tiêu cực liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Bình nhận thiếu sót trong công tác quản lý tại bếp và cho biết, nhà trường từng có buổi làm việc với phụ huynh học sinh vào thời điểm tháng 11 - 12/2016. Sau đó, nhà trường đã cho thôi việc một cán bộ quản lý trực tiếp khu bếp ăn.
“Một quản lý bếp trực tiếp từng bị cho thôi việc trong công tác quản lý bếp ăn. Tôi khẳng định, 100% thực phẩm của nhà cung cấp chính và nhà cung cấp dự phòng được đưa vào trường đều có giấy chứng nhận VSATTP và sẵn sàng cung cấp các giấy tờ, văn bản để chứng minh”, bà Bình thông tin.
Khi được hỏi về quy trình thu mua thực phẩm, vị Chánh văn phòng cho biết: “Nhà trường đặt mua thực phẩm từ siêu thị Metro trước tối thiểu 15 tiếng. Tuy nhiên, do khối lượng đơn hàng của nhà trường lớn, một số mặt hàng tại siêu thị Metro không cung cấp đủ đơn hàng nên nhà trường đã gọi mua từ các nhà cung cấp dự phòng. Những cơ sở này có đủ hồ sơ về mặt pháp lý”.
Trước phản ánh của phụ huynh xung quanh việc nhà trường nhập thực phẩm từ chợ Bún, chợ Nguyễn Công Trứ, vị đại diện này nói: “Đó là do các đối tác của chúng tôi đặt các cơ sở ở đó”.
Ngoài ra, bà Bình cũng cho biết thêm, ngày 31/3/2017, Đoàn thanh tra chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hưng Yên đã có buổi làm việc về kết quả thanh tra chi tiết toàn bộ các nội dung liên quan tới việc đảm bảo ATTP của trường phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark, như: Hồ sơ pháp lý, điều kiện cơ sở vật chất và kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm đã gửi đi kiểm nghiệm trước đó.
Qua kiểm tra hoạt động bếp ăn tập thể của trường, sở Y tế Hưng Yên ghi nhận nhà trường đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời yêu cầu nhà trường khắc phục bếp ăn, tổ chức bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Nhà trường đã cam kết hoàn thành sửa chữa, nâng cấp khu vực bếp ăn trong thời gian 60 ngày, kể từ 31/3/2017. Về vấn đề xử lý vệ sinh, nhà trường cho rằng đã thường xuyên tiến hành các biện pháp giữ gìn vệ sinh học đường, sử dụng những bình xịt muỗi khắc phục tạm thời tại những khu vực nhiều muỗi, mua vợt muỗi để các cô bán trú diệt muỗi trong phòng ngủ học sinh.
Trước đó, phản ánh với PV, đại diện ban Phụ huynh trường cho hay: "Trong khi chúng tôi tiếp cận bếp ăn thì chảo dầu để chiên thức ăn cho học sinh đen như nhớt trong xe máy, bánh mì trong tủ thì hết hạn. Như vậy, nhà trường vi phạm nghiêm trọng cam kết đã ký ngày 16/3/2017, vẫn tiếp tục nhận thực phẩm từ các nhà cung cấp nhỏ lẻ, đặc biệt là nhà cung cấp Quang Thắng đã được nhắc đến cụ thể, yêu cầu và thống nhất không nhập thực phẩm từ nhà cung cấp này do đánh giá không đủ năng lực tại biên bản cam kết của nhà trường vào ngày 16/3/2017”.
“Đó là chưa kể, về chất lượng thực phẩm, chế biến thực phẩm, vệ sinh phòng ngủ, toilet... dầu ăn đen bẩn, chiên đi chiên lại. Nước uống hôi, vẩn đục, chuột, ruồi muỗi rất nhiều trong khu vực ăn uống, nhà vệ sinh. Nhà trường tiếp tục sử dụng thực phẩm từ nhà cung cấp nhỏ lẻ (chợ Bún, chợ Nguyễn Công Trứ...), lọc gió điều hòa bẩn, nhà vệ sinh ẩm thấp, nhiều muỗi... Về định lượng thực phẩm, lượng thức ăn cho một suất ăn ít ỏi”, vị này cho biết thêm.
“Đặc biệt, chúng tôi thấy vô lý khi nhà trường yêu cầu chúng tôi phải đóng số tiền 5 triệu đồng để giữ chỗ cho con sang năm học tiếp”, vị đại diện bức xúc.
Công Luân