Không nên để lãng phí những nguồn lực lớn
Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) liên tiếp ban hành các quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với 7 trường ĐH, CĐ trên cả nước. Trong đó có ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, CĐ Kỹ thuật - Công nghệ bách khoa, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội và CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn. Lý do ngừng tuyển sinh của các trường trên là do không đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu để phục vụ cho tuyển sinh và đào tạo trình độ ĐH, CĐ.
Các trường đều chưa có cơ sở đào tạo thuộc sở hữu của trường và tỉ lệ sinh viên/giảng viên vượt quá quy định. Nhiều trường bị tạm ngưng tuyển sinh còn do tồn tại nhiều mâu thuẫn nội bộ. Ngay sau khi nhận quyết định ngang "án tử" ấy, hầu hết các trường đã tập trung giải quyết hạn chế và một số trường đã đề xuất xin bộ GD&ĐT sớm cho tuyển sinh trở lại trong năm 2013. Tuy nhiên, các trường này vẫn không khỏi lo lắng về tình trạng thiếu chỉ tiêu cho năm học mới bởi những năm gần đây, "lực hút" của các trường ngoài công lập vẫn rất yếu, trường không có sinh viên để dạy.
Không rơi vào khó khăn về cơ sở vật chất và lực lượng giảng dạy như những trường trên, nhiều trường ngoài công lập dù đã xây dựng được trường lớp khang trang hiện đại, bỏ không ít tiền ra để thu hút nhân tài, nguồn giảng viên có năng lực tốt nhưng vẫn rơi vào tình trạng thiếu sinh viên trầm trọng. Một số trường liên tiếp nhiều năm liền chỉ có 20-30% đến đăng ký dự thi so với chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều trường chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. Thậm chí nhiều trường như: CĐ Kỹ Thuật công nghiệp Quảng Ngãi tuyển được 0,64% chỉ tiêu; ĐH Công nghệ Đông Á chỉ tuyển được 5,2% chỉ tiêu...
Mùa tuyển sinh 2013, các trường ngoài công lập sẽ có thêm nhiều cơ hội? Ảnh minh họa.
Nhìn vào những con số đáng buồn ấy, PGS. TS Phan Trọng Phức, hiệu trưởng trường ĐH Đại Nam cho hay: "Nói chung các trường thuộc hệ thống ngoài công lập đều gặp phải tình trạng khó thu hút thí sinh đầu vào. Năm 2012, trường ĐH Đại Nam cũng chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu chính quy. Các trường công lập đã hạ điểm tuyển đến cận hoặc bằng điểm sàn thì đương nhiên các trường ngoài công lập sẽ còn rất ít cơ hội. Thế nên, những cơ hội còn lại sẽ thuộc về những trường ngoài công lập có uy tín, còn những trường mới sẽ không tuyển được hoặc số lượng tuyển sẽ không đáng kể. Năm nay các trường ngoài công lập rất kỳ vọng Bộ sẽ điều chỉnh điểm sàn sao hợp lý để các trường ngoài công lập có cơ hội thu hút thí sinh".
Lãnh đạo của một đơn vị nằm trong danh sách bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012, ông Nguyễn Thanh Tĩnh, chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Đông Đô cho biết: "Tháng 1/2012, bộ GD&ĐT quyết định đình chỉ hoạt động tuyển sinh của trường ĐH Dân lập Đông Đô vì hai lý do: Tỷ lệ giảng viên cơ hữu/sinh viên quá cao và trường chưa có đất thuộc sở hữu của trường. Ngay sau đó, chúng tôi đã tập trung khắc phục hạn chế và hiện tại đã lo được cơ sở vật chất khá khang trang tại huyện Chương Mỹ. Ngoài ra, tỷ lệ giảng viên cơ hữu/sinh viên của trường cũng đã đạt theo quy chuẩn của Bộ. Trường đang tích cực chuẩn bị công tác tuyển sinh 2013".
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tĩnh, hiện tại, các trường ngoài công lập đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Nếu một trường nào đó bị buộc phải ngưng đào tạo vì không khắc phục được các nguyên nhân mà Bộ đưa ra thì quả thực sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả. Khi ngưng đào tạo nghĩa là trường sẽ không được đào tạo cho sinh viên tất cả các khóa trước đó và các em sinh viên buộc phải chuyển sang trường khác để học. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người học và ngành đào tạo đó. Không chỉ có thế, nó sẽ gây phản ứng không tốt đối với dư luận xã hội.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga.
Chất lượng vẫn là ưu tiên số 1
Trao đổi với PV, GS. TS Trần Hồng Quân, chủ tịch hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Mới đây, cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT và các trường ĐH ngoài công lập đã đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề. Bộ có nắm được tình hình khó khăn của các trường, đã giảm thuế cho các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, về vấn đề tuyển sinh ý kiến của Bộ và Hiệp hội cũng có phần khác nhau. Hiệp hội đề nghị sớm bỏ 3 chung song Bộ vẫn khẳng định là trước mắt bộ chưa bỏ 3 chung được.
Cũng theo ông Quân, trong buổi gặp gỡ, Hiệp hội các trường ngoài công lập cũng bày tỏ mong muốn bộ sớm thực hiện điều 34 của Luật Giáo dục đại học là giao cho các trường được tự chọn phương thức tuyển sinh. Trả lời Hiệp hội, Bộ đồng ý cho phép các trường được xây dựng phương thức tuyển sinh rồi trình lên để Bộ xem xét. Thực tế, hiện nay phương thức tuyển sinh của Bộ khiến cho các trường ngoài công lập khó khăn. Bộ cho rằng, việc xét tuyển chưa đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, trong nền giáo dục nước ta những trường đại học liên kết có hai đầu quốc gia như trường Việt - Úc hay Việt - Pháp... đều có thể xét tuyển mà không cần qua thi tuyển. Sinh viên nào có bằng tốt nghiệp THPT đều được vào học mà đầu ra của họ vẫn được khẳng định từ nhiều năm nay.
GS. TS Trần Hồng Quân cũng bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ một số trường ĐH ngoài công lập phải ngừng hoạt động, giải thể. Ông cho biết: "Các trường này không tuyển sinh được thì nhà trường không có học phí và như vậy sẽ không thể hoạt động được. Trong khi đó, các trường công lập nếu không tuyển sinh được thì đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự khó khăn của các trường ngoài công lập làm cho các nhà giáo, các nhà đầu tư nản lòng. Ai mà đã trót đầu tư rồi thì họ rút vốn. Ai mà có ý định đầu tư vào thì họ dừng lại. Triển vọng phát triển của những trường ngoài công lập khó khăn. Trong khi đó tỷ lệ sinh viên ở các trường ngoài công lập trên thế giới khá cao, Hàn Quốc là trên 65%, Nhật Bản và Malaysia là hơn 50%...".
Ông Quân nhấn mạnh: "Tôi mong rằng Bộ sẽ tìm ra một giải pháp hợp lý nhất để không có trường nào giải thể. Hiện nay, ở một số trường, nhà đầu tư đã rút vốn ra để nhường lại cho nhà đầu tư khác. Những người này không hẳn là có nhiều kinh nghiệm về giáo dục. Đó quả thực là điều đáng lo vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sinh viên của trường đó".
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: "Thời gian tới, bộ sẽ mở thêm trường ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nhưng không mở thêm trường ở các thành phố lớn. Bộ làm như thế là để tránh tình trạng lập trường ồ ạt mà không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu phương án quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng. Số trường sẽ giảm đi so với hiện nay”.
Ông Ga cũng cho biết thêm, năm nay bộ sẽ tiến hành thay đổi cách tính điểm sàn giúp các trường ngoài công lập có thêm nguồn tuyển chỉ là biện pháp trước mắt, còn để có thể thu hút được sinh viên, về lâu dài, các trường ngoài công lập chỉ còn cách nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo. Chất lượng phải là ưu tiên số 1.
Trầy trật mới tuyển được chừng 10% chỉ tiêu Theo thống kê, năm 2012 trường ĐH Tân Tạo (Long An) tuyển 1.000 chỉ tiêu nhưng chỉ có 73 thí sinh dự thi cho 9 ngành đào tạo, trong đó chỉ có 56 thí sinh có điểm thi từ sàn trở lên. Năm 2012, trường ĐH Hà Hoa Tiên đề ra chỉ tiêu sẽ tuyển 900 sinh viên song chỉ có 256 thí sinh dự thi ở 3 khối A, A1, D. Mùa tuyển sinh 2013, chỉ tiêu tuyển sinh của trường đã giảm xuống 100 so với năm 2012. Năm 2012, Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) lấy 1.750 chỉ tiêu cho tất cả các bậc và hệ đào tạo song chỉ có 1.353 thí sinh dự thi. Trừ số thí sinh thi nhờ thì thí sinh đăng ký dự thi NV1 vào trường chỉ 98 em. Nói về kỳ tuyển sinh năm nay, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: "Năm 2013 sẽ không có cơ chế tuyển sinh riêng giữa trường công lập và ngoài công lập vì như vậy sẽ tạo nên sự phân biệt trong xã hội. Trên thực tế, nhiều trường ngoài công lập có chất lượng giáo dục tốt hiện nay còn được học sinh tín nhiệm hơn một số trường công lập. Điểm sàn sẽ được xác định dựa trên tiêu chí chất lượng sau đó với tính đến chỉ tiêu. Căn cứ vào kết quả thi sẽ có những phân tích và tổng hợp và đưa ra điểm sàn hợp lý chứ không cứng nhắc như những năm trước". |
Thành Huế - Phạm Hạnh