Trên một số phương tiện thông tin đại chúng, người xem dễ dàng tìm được nhiều video phật tử Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán), Chủ nhiệm CLB Cúc vàng - Tập tu lục hòa thuộc chùa Ba Vàng giảng về chuyện vong hồn, oan gia trái chủ, muốn thoát khỏi bệnh tật và vận hạn phải giải trừ “nghiệp”.
Bên cạnh đó, trong một video đăng tải trên mạng xã hội, bà Phạm Thị Yến còn có những giải thích gây bất bình trong dư luận, khi đã có những lời lẽ xúc phạm nữ sinh Cao Thị Mỹ D. (Điện Biên) khi đi giao gà cho mẹ vào chiều 30 Tết và bị sát hại.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ quan điểm, cách nhìn của ông về hiện tượng trên.
Thưa nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, được biết, chùa Ba Vàng lâu nay trở thành nơi để “thỉnh vong”, rồi khi “vong nhập”, sẽ có những lời lẽ mang tính hù dọa về “nghiệp” ở một kiếp nào đó để người tham gia phải trả tiền. Theo đó, muốn khỏi bệnh tật hoặc tai ách, những người tham gia lễ thỉnh vong này phải làm lễ tại gia, tu thân và nộp tiền có khi lên tới cả chục triệu đồng. Ông có quan điểm như thế nào về hiện tượng trên?
Theo tôi, những việc như “thỉnh vong”, “vong nhập”, cắt tiền duyên, duyên âm… tất cả đều gộp chung vào một từ “mê tín”. Việc đẩy mạnh sự mê tín là đi ngược với việc xây dựng một xã hội văn hóa, văn minh. Những người hành nghề dựa trên sự mê tín chính là để trục lợi. Còn những người hành xử, rao giảng mê tín là đáp ứng tín ngưỡng thì ít mà trục lợi trên sự mê tín thì nhiều.
Một xã hội nếu muốn phát triển, thứ nhất phải dựa vào khoa học, thứ hai là kỹ thuật và thứ ba là nhân văn.
Bao nhiêu quốc gia phát triển, con người không tin vào việc vong nhập, vong theo, tại sao vẫn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp. Những nhà khoa học sáng tạo ra tàu vũ trụ, mạng internet, hay đặt chân lên Mặt Trăng… đâu phải chỉ dựa vào niềm tin mê tín.
Theo tôi, tín ngưỡng trong cuộc sống để cho người ta tin, chỉ làm cho cuộc sống đa sắc màu hơn chứ không phải đặt một niềm tin mê muội vào đó.
Trong một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội, bà Yến còn rao giảng rằng nguyên nhân chính khiến nạn nhân Cao Thị Mỹ D. (nữ sinh giao gà tại Điện Biên) bị cưỡng hiếp và sát hại chưa phải là nguyên nhân đi ship hàng (gà), mà do các “ác nghiệp” trong tiền kiếp và trong hiện tại lại sát sinh. Ông đánh giá như thế nào về những lời lẽ mang tính xúc phạm tới nạn nhân?
Đối với khái niệm “nghiệp”, đó là một ngôn ngữ thuộc nhà Phật. Mục đích của khái niệm “nghiệp”, “nghiệp chướng” là để dạy dỗ con người sống một cách tử tế, tốt đẹp trong hiện tại, trong cuộc đời này để kiếp sau cũng như các kiếp khác tránh khỏi đau khổ. Vì vậy, mục tiêu về “nghiệp” là rất tốt đẹp trong giáo lý nhà Phật.
Tuy nhiên, việc lợi dụng vào đó để trục lợi và gây ra các “ác niệm”, gieo “ác nghiệp”, vì người làm chỉ muốn thu tiền, muốn nhiều người mê tín theo, tin theo mà đưa tiền cho họ. Việc tạo “ác nghiệp” là vì tham - sân - si, trong đó, tham là sự tham lam, sân là sự ganh ghét đố kỵ của con người, si là sự không hiểu biết. Vì người ta không hiểu biết về các giáo lý, bản chất các giáo lý, nên mới vướng vào các “ác nghiệp” như vậy.
Theo ông, từ hiện tượng trên tại chùa Ba Vàng, cần làm gì để bài trừ những biểu hiện mê tín, trục lợi từ sự mê tín?
Hàng ngàn năm nay, con người luôn hướng đến chủ nghĩa nhân văn, hướng đến sự phát triển và sự văn minh. Trong thời điểm gần đây, bùng phát về hiện tượng mê tín, chúng ta phải bình tĩnh, dùng khoa học, kỹ thuật, dùng nhân văn để đẩy lùi dần, chứ không thể một sớm một chiều, hay bằng một Nghị quyết, quy định nào mà giải quyết được triệt để.
Công tác giáo dục, truyền thông, vận động về cuộc sống, thiết chế văn hóa, chính trị cần được đẩy mạnh để con người thoát khỏi những niềm tin mê tín ấy.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!