Báo điện tử Người Đưa Tin nhận được phản ánh của cán bộ, nhân viên đã và đang công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Hà Tây (TTGDTX Hà Tây) - đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội về việc Trung tâm này đang đứng trước nguy cơ sáp nhập.
Nhưng điều đáng nói, việc sáp nhập này không theo chủ chương chung và không ở đối tượng sáp nhập của thông tư liên tịch được ban hành bởi 3 bộ: Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.
Theo đó, bà Khuất Thị Hoa Oanh – Giám đốc Trung tâm cho biết: Ngày 28/9/2016, Trung tâm GDTX Hà Tây có Quyết định số 5399/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội “Quyết định về việc thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã ”. Trong danh sách 30 Trung tâm được thành lập có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông (trên cơ sở sáp nhập Trung tâm GDTX Hà Tây-TP Hà Nội và Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây).
Tiếp theo vào ngày 4/11/2016 Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội có công văn báo cáo số 2699/SNV-TCCB với UBND thành phố Hà Nội về việc đề nghị của Trung tâm GDTX Hà Tây và Trung tâm GDTX Đông Anh là Trung tâm GDTX cấp tỉnh, thành phố không ở đối tượng sáp nhập theo thông tư liên tịch Số: 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của Bộ Lao động thương binh và xã hội – Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ.
Cũng theo bà Oanh, việc đưa Trung tâm GDTX Hà Tây là Trung tâm GDTX cấp tỉnh (thành phố) vào là đơn vị sáp nhập về cấp quận, huyện, thị xã là sai với Luật Giáo dục; Nghị định của Chính phủ; Thông tư liên tịch Số: 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của Bộ Lao động thương binh và xã hội – Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ; thông tư liên tịch Số: 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/5/2015 của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Nội Vụ; Không đúng với Quyết định số: 01/2007/QĐ-BGDĐT Ngày 02/01/2007 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại chương II điều 10 và điều 11; Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND Thành phố Hà nội và Quyết định Số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội.
Cụ thể, bà Oanh giải thích: Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009; Căn cứ nghị định số: 75/2006/NĐ-CP ngày 02/08/2006 của chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có ít nhất một Trung tâm GDTX cấp tỉnh”.
“Như vậy nếu đưa Trung tâm GDTX Hà Tây là Trung tâm cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp Quận thì trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn Trung tâm cấp tỉnh, thành phố (xóa bỏ đi ngành học Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh). Điều này không đúng với luật giáo dục và nghị định của Chính phủ. Tại thời điểm này chưa có Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ nào thay thế cho bộ luật trên”, bà Oanh khẳng định.
Cũng theo bà Oanh, thực tế hiện nay các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có Trung tâm GDTX cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Trung tâm GDTX Hà Tây trực thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tây (nay là Sở GD&ĐT Hà Nội) được thành lập theo Quyết định số 67-QĐ/UB ngày 02 tháng 03 năm 1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là UBND thành phố Hà Nội). Ngày 26/10/2009 và Ngày 05/11/2015 Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký Quyết định xếp hạng IV cho Trung tâm GDTX Hà Tây thuộc Sở GD & ĐT Hà Nội.
“Phạm vi hoạt động của Trung tâm GDTX cấp tỉnh, thành phố khác với Trung tâm GDTX cấp quận, huyện là trên địa bàn toàn tỉnh, với mọi đối tương theo nhu cầu của người học; trong và ngoài ngành; nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội ở đia phương... chứ không phải chỉ bó hẹp ở địa phương trung tâm đóng; nhiều nhiệm vụ Trung tâm cấp tỉnh mới được phép làm, Trung tâm cấp huyện không được phép làm”, bà Oanh nhấn mạnh về chức năng của Trung tâm.
Vị Giám đốc này cũng cho biết: “Nhận được Quyết định Trung tâm GDTX Hà Tây – TP Hà Nội là đơn vị sáp nhập về quận Hà Đông, tập thể lãnh đạo, các đoàn thể, cán bộ giáo viên. nhân viên đang công tác tại Trung tâm rất băn khoăn, hoang mang giao động, không yên tâm công tác”.
Về mong muốn của Trung tâm, bà Oanh tâm tư: “Chúng tôi chỉ mong muốn UBND thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét giữ nguyên hiện trạng Trung tâm GDTX Hà Tây là Trung tâm cấp tỉnh, thành phố. Hiện chúng tôi đang có hàng chục lớp đào tạo nhân lực cho thành phố, nếu sáp nhập thì chúng tôi không biết rằng số phận của những học viên sẽ đi về đâu”.
Ngoài ra, bà Oanh cũng cho biết sau khi biết Quyết định này, TTGDTX Hà Tây cũng đã có công văn số 91/CV-TTGDTX HT ngày 30/9/2016 gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị xem xét, giữ nguyên hiện trạng Trung tâm GDTX Hà Tây là Trung tâm cấp tỉnh, thành phố. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà nội ngay từ đầu đã xây dựng đề án và tiêp tục có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị giữ nguyên trạng Trung tâm GDTX Hà Tây-TP Hà Nội là đơn vị Sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội theo đúng Luật Giáo dục và thông tư liên tịch Số: 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015.
Ngày 21/10/2016 tại hội nghị Bàn giao các Trung tâm GDTX, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp: Các Trung tâm GDTX cấp huyện, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp cấp huyện đã được bàn giao về Quận, huyện quản lý. Riêng Trung tâm GDTX Hà Tây – TP Hà Nội và Trung tâm GDTX Đông Anh là Trung tâm cấp tỉnh, thành phố giữ lại, chưa bàn giao và có hướng dẫn sau.
Báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Công Luân