Thông tư 05/2021/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 15/11 và thay thế Thông tư 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014.
Theo đó, đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh đủ điều kiện xử lý là đơn đáp ứng các yêu cầu dưới đây.
Thứ nhất, đơn dùng chữ viết là tiếng Việt. Trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài phải kèm bản dịch được công chứng. Đơn được ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn.
Thứ hai, đơn khiếu nại ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại.
Thứ ba, đơn tố cáo ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan.
Thứ tư, đơn kiến nghị, phản ánh ghi rõ nội dung kiến nghị, phản ánh.
Thứ năm, đơn không rõ họ tên, địa chỉ của người gửi đơn nhưng có nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật và nêu rõ người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật; có cơ sở để thẩm tra, xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo.
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-TTCP, các đơn này phải dùng chữ viết là tiếng Việt và được người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn.
Như vậy, khi Thông tư 05/2021/TT-TTCP có hiệu lực, các đơn khiếu nại, tố cáo... bằng tiếng nước ngoài sẽ được xử lý.
Bên cạnh đó, đối với đơn không đủ điều kiện xử lý, đơn khiếu nại có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; đơn tố cáo đã có kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật mà người tố cáo không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ mới thì sẽ lưu đơn trong thời hạn 1 năm.
Tuệ Minh