Từ Berkeley, California (Mỹ): Ngày Tết đọc Kiều, bàn chuyện Thúy Vân

Từ Berkeley, California (Mỹ): Ngày Tết đọc Kiều, bàn chuyện Thúy Vân

Nguyễn Quốc Hưng

Nguyễn Quốc Hưng

Thứ 3, 05/02/2019 11:00

Tác giả Nguyệt Cầm, hiện sống ở tiểu bang California – nghiên cứu, giảng dạy Việt ngữ & Việt văn ở Đại học UC Berkeley, California; đã dịch một số tác phẩm văn học Việt - Anh và Anh - Việt. Trong những ngày xuân Kỷ Hợi 2019, chị gửi cho báo Người Đưa Tin bài tiểu luận công phu, độc đáo, bàn về Thúy Vân trong truyện Kiều.

Xưa nay, khi nói về Thúy Vân, đa số độc giả thường nhận xét rằng Vân nhạt nhẽo, trơ như gỗ, vô tình; rằng cô "ngu si hưởng thái bình"  . Người ta chê Vân bất tài, chỉ được cái may mắn, lấy chồng của chị, ngồi không hưởng an khang, phú quí; bao nhiêu đoạn trường để Kiều gánh hết.

Thế nhưng, Thúy Vân có hẳn vô tình, và cuộc đời của cô có hẳn êm đẹp như người ta vẫn nghĩ hay không? Hay cô cũng có những nỗi khổ mà chỉ đoạn trường ai có qua cầu mới hay?

Văn hoá - Từ Berkeley, California (Mỹ): Ngày Tết đọc Kiều, bàn chuyện Thúy Vân

Tranh của Lê Lam - câu 146 "Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa"


Sự khác biệt tính cách giữa Vân và Kiều được bộc lộ rõ từ rất sớm. Khi ba chị em Kiều, Vân và Vương Quan đi tảo mộ, bên nấm mồ vô chủ của Đạm Tiên, trong lúc Thúy Kiều đầm đầm châu sa thì:

Vân rằng chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa

Vân không vô tình. Cô không rỏ nước mắt thương một Đạm Tiên bất hạnh, vì ít nhất cô ca kỹ này còn được một thời nổi danh tài sắc. Còn biết bao những người đàn bà khác suốt đời không có nổi một cơ may. Vân trực cảm được thân phận của mọi phụ nữ trong xã hội phụ quyền, không cứ “hồng nhan” thì mới “bạc mệnh.” Nước mắt của cô dành cho thời của mình, cho đời nay. Và, quan trọng hơn cả, Vân biết cuộc đời hữu hạn. Mỗi người trước hết nên biết tự thương xót cho bản thân mình. Lời trách nhẹ Vân dành cho Kiều có lẽ là một trong những tiềm ẩn của chủ nghĩa cá nhân trong văn chương Việt Nam.

Khi gia đình gặp nạn, tại sao Vân không quyết định bán mình? Ta nên nhớ, lúc này Vương ông và Vương Quan đang bị treo ngược lên trần nhà. Vương bà ở trong một tình huống rất khó xử. Vừa lo cho chồng, cho con trai. Vừa không biết giải quyết mọi chuyện ra sao. Không lẽ khuyên một trong hai cô con gái của mình bán thân cứu cha, cứu em? Chỉ còn hai chị em Kiều và Vân. Kiều là chị. Lúc này, Kiều có quyền và có trách nhiệm lên tiếng trước. Hơn nữa, chúng ta biết Kiều có tài cầm kì thi họa, nhưng chúng ta không biết Vân có những tài năng đó hay không. Nếu Vân tự bán mình, chắc gì được giá đủ ba trăm lạng để lót đó luồn đây?

Vân cũng gắn bó với cha mẹ hơn Kiều. Chúng ta thấy khi ông bà Vương đi mừng thọ ngoại gia, Vân và Vương Quan theo. Trong khi đó, Kiều chọn ở lại nhà để có thể sang thăm Kim Trọng. Sau này, khi quay lại tìm Kiều, Kim nghe tin cảnh nhà sa sút, Vương Quan và Thúy Vân phải may thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi.

Ở đây ta thấy tài năng thêu thùa, may vá của Thúy Vân cũng phụ giúp gia đình sống được qua ngày. Nếu Vân bán mình, liệu ở nhà Kiều có đảm đang gánh vác được việc phụng dưỡng cha mẹ và “may thuê” kiếm sống không (thời đó, việc phụ nữ “viết mướn” chắc khó có thể xảy ra)? Giữa hai chị em Kiều và Vân, rõ ràng người ở lại lúc này nên và phải là Vân.

Đêm trước ngày lên xe hoa với Mã giám sinh, khi Kiều đang ngồi khóc thương cho mối tình của mình, Vân đến với chị:

Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân,
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han

Người ta nói Vân vô tình chính vì chi tiết này. Cha và em trai gặp nạn, chị phải bán mình, vậy mà cô có thể ngủ say. Nhưng người ta không chịu xét cho hoàn cảnh của Vân. Ta cần nhớ rằng, lúc này tờ hoa đã ký, tiền bán Kiều đã giao cho Chung công để lo lót, và Vương ông đã được tạm tha, tóm lại, việc nhà đã tạm thong dong. Hãy thử hình dung cảnh một gia đình sau mấy ngày gặp nạn rồi lo chạy việc, ai không mệt? Đến như cha, mẹ của Kiều, lẽ ra phải đau lòng đứt ruột thương con không ngủ nổi, nhưng cả hai ông bà đều say “giấc nồng,” mãi đến lúc Kiều khóc ngất mới tỉnh dậy (Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng). Vậy sao lại trách Thúy Vân? Vả lại, thái độ của Vân không hề vô tình, ngược lại, cô “ân cần,” thông cảm, xót thương chị đã vì gia đình mà hy sinh,

Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình

Chỉ cần thấy chị ngồi khóc, bằng trực giác, Vân đã cảm nhận được chị mình nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây. Nếu không hiểu Kiều đến chân tơ kẽ tóc, Vân hẳn không thể đoán, không thể hình dung nổi người chị gái đa tình của mình, tuy sống trong cảnh thâm nghiêm kín cổng cao tường, mà vẫn có thể tự ý hẹn hò, đính ước chuyện trăm năm.

Ở đây, không những Vân đã không trách, mà cô còn mở đường cho chị thổ lộ tâm can. Nếu Vân không hỏi đến “mối tình chi đây,” dễ gì Kiều tâm sự được câu chuyện đáng “thẹn thùng” của mình. Chi tiết này cho ta thấy, giữa hai chị em Vân và Kiều có một độ gắn kết khác hẳn với những quan hệ khác trong gia đình. Cũng chính nhờ sợi dây huyền bí gắn nối tình chị em đó mà sau này, Vân đã nằm chiêm bao thấy Kiều ở Lâm Truy (Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng), đầu mối đầu tiên để gia đình từ đó lần ra được tin tức về Kiều.

Người ta chê cười Vân đã nhận lời tiếp duyên Kiều lấy Kim Trọng, và nhờ vậy sau này được giàu sang, phú quí. Oan cho Vân. Cô chưa từng nhận lời với Kiều, ngay cả khi chị cô cậy và rồi lạy cô. Dù không đẹp nghiêng nước nghiêng thành như Kiều, nhưng Vân cũng là một giai nhân mười phân vẹn mười. Với nhan sắc mây thua nước tóc tuyết nhường màu da, làm gì mà Vân không lấy nổi một người chồng tài giỏi như ý, để đến nỗi phải chắp mối tơ thừa của chị? Nếu nhận lời, Vân biết sẽ tự buộc mình vào một tình cảnh chẳng khác gì Kiều, lấy một người chồng mà mình không yêu. (Vào thời điểm đó, Kiều và gia đình vẫn tưởng nàng bán mình chỉ để làm lẽ cho Mã giám sinh). Lời khẩn cầu của người chị trước lúc lên xe hoa làm Vân bối rối, chưa biết gỡ cách nào. Đến khi Kiều ngất xỉu, Vương ông và Vương bà hỏi đầu đuôi câu chuyện, thì:

Nỗi nàng Vân mới rỉ tai
Chiếc thoa ấy, với tờ bồi ở đây

Sợ chị hổ thẹn và thêm đau lòng, Vân chỉ “rỉ tai” kể lại chuyện tình của chị cho cha mẹ nghe. Riêng chi tiết này thôi cũng đủ cho ta thấy được nét ý nhị, đằm thắm trong tính cách của Thúy Vân. Nếu là người vô tình, hẳn Vân đã không “rỉ tai” cha mẹ, mà sẽ oang oang kể chuyện hẹn hò đính ước vượt khuôn khổ Nho giáo của chị mình. Vương ông, sau khi hiểu rõ mọi chuyện, đã quyết định nhận lời Kiều mà gả Vân cho Kim,

Này cha làm lỗi duyên mày,
Thôi thì nỗi ấy sau này đã em

Thật tội cho Thúy Vân. Cô không hề muốn, và chưa bao giờ nhận lời lấy Kim Trọng. Vương ông đã lấy quyền làm cha để định đoạt việc hôn nhân cô.

Kiều vì “chữ hiếu” mà phải bán mình chuộc cha, thì Vân cũng vì “chữ hiếu” mà phải lấy Kim. Không có con em nó Thúy Vân thay lời, khi quay lại chốn xưa tìm Kiều, liệu Kim có rước mời cha mẹ Kiều về nhà mình để dưỡng thân hay không? Hay là Kim sẽ vì “hiếu” đối với chính cha mẹ mình mà buộc phải lấy một người khác làm vợ, và do đó, không thể chăm sóc ông bà Vương viên ngoại? Nhờ sự giúp đỡ kinh tế của Kim, mà gia đình họ Vương mới có điều kiện để Vương Quan tiếp tục dùi mài kinh sử, thi đỗ, ra làm quan, và do vậy, gia cảnh được hưng thịnh trở lại và còn “lợi hại hơn xưa” [khi bắt đầu truyện và trước khi gặp nạn, gia tư họ Vương chỉ thường thường bậc trung; sau này thì một nhà vinh hiển].

Tóm lại, nếu Thúy Kiều “bán mình” để cứu gia đình thoát nạn, thì việc “bán mình” của Thúy Vân vừa để trả “nợ tình” của Kiều, vừa cứu gia đình ra khỏi cảnh nghèo khốn. Dù bán cho một hay cho nhiều người thì cũng vẫn là “bán mình,” tại sao lại cho là Thúy Vân may mắn?

Thúy Vân không những có công lớn trong việc giúp gia đình nhà họ Vương “xóa đói giảm nghèo,” mà còn giúp Kim Trọng quay về “chính đạo.”

Thuở ban đầu, Kim chỉ là chàng học trò hào hoa phong nhã, chuyên mải mê theo đuổi các bóng hồng. Mới chỉ nghe về hai chị em Kiều và Vân, Kim đã trộm nhớ thầm yêu. Thoạt chiêm ngưỡng nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của Kiều, Kim tương tư, chả thiết gì học hành, bỏ mặc buồng văn hơi giá như đồng. Tự định chung thân với Kiều rồi mà không được gặp nhau, Kim lại tiếp tục nhớ nhung, đến độ tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm. Rồi khi bên nhau, Kim toàn mong chuyện phong hoa tuyết nguyệt, tuyệt không nhớ gì đến đèn sách. Kiều lưu lạc, Kim đau buồn, thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê/ máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao. Gia đình sợ Kim không sống nổi, nên vội duyên Vân sớm đã se dây cho chàng. Sau khi lấy Vân, tuy vẫn nhớ Kiều, có lúc vẫn tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng, nhưng Kim đã dần quay trở lại với đèn sách, để rồi thi đỗ, ra làm quan.

Kiều là kiểu femme fatale, có sức quyến rũ chết người (nhìn Từ Hải thì biết). Gắn bó với nàng, nhẹ nhất thì cũng lạc đường như Kim Trọng chểnh mảng luyện thi, hay như Thúc Sinh bỏ bễ... May mà Kim còn có Vân, “đời còn dễ thương.”

Sống với Vân, quen với tính cách nhẹ nhàng, tế nhị, dịu dàng của nàng, Kim dần nguôi nỗi nhớ Kiều. Mãi sau, nhân được bổ nhiệm đến Nam Bình, và nghe Từ Hải đã bị Hồ Tôn Hiến đánh bại (xảy nghe thế giặc đã tan), Kim mới rủ Vương/ tiện đường cùng lại tìm nàng sau xưa. Về đoạn cuối Truyện Kiều, phần lớn lời bàn đều tập trung vào việc Kiều đề nghị Kim đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ (Kim lập tức nhất trí). Nhưng không mấy người để ý đến chi tiết vừa rạng sáng ra, Kim kể ngay cho Vân, tình riêng chàng lại nói sòng. Nếu không quan tâm đến cảm nhận của Vân, thì việc gì Kim phải vội vàng khai rõ việc mình và Kiều không chung chăn gối như vậy?

Tình của Kim Trọng dần thay đổi. Thế còn Vân? Vân có dần yêu Kim không? Có lẽ không. Cô sống với Kim hoàn toàn vì trách nhiệm. Nếu số phận đời Kiều là mang lấy một chữ tình, thì gánh nặng trên vai Vân là chữ nghĩa.

Khi cả gia đình được đoàn tụ, ngay trong bữa tiệc mừng, Vân đã lập tức đem trả Kim cho Kiều, “rằng”:

Trong tác hợp cơ trời
Hai bên gặp gỡ một lời kết giao.
Gặp cơn bình địa ba đào,
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em.
Cũng là phận cải duyên kim,
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao?
Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!
Bây giờ gương vỡ lại lành,
Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi.
Còn duyên may lại còn người,
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa.
Quả mai ba bảy đương vừa,
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì!

Nếu Vân không chủ động đứng ra đề nghị như vậy, chắc hẳn cả ông bà Vương viên ngoại lẫn Kim Trọng đều khó ăn khó nói. Không lẽ ông bà Vương bắt Vân phải lấy Kim rồi, giờ lại bắt con trả chồng lại cho chị? Không lẽ Kim bảo vợ cưới (thêm) chị vợ cho mình? Vân là người duy nhất có thể nối lại mối duyên Kim, Kiều. Và Vân đã vội vàng thực hiện điều này ngay khi cô có thể. Xét bề ngoài, ta có thể cho việc trao trả Kim là do Vân thương chị, thương chồng. Điều này có lẽ đúng phần nào.

Nhưng xét sâu thêm một chút, ta thấy được tâm sự phiền não của Thúy Vân. Cô không coi cuộc nhân duyên của mình với Kim là may mắn. Ngược lại, đối với cô, Kim là một món nợ mà vì “cơn bình địa ba đào” ập đến, cô đã bị “buộc” vào, gỡ không ra. Vân ngầm trách chị đã một lời kết giao với Kim để đến nỗi cuộc đời của Vân thành ra thế.

Trước, Kiều mang sợi dây huyết thống thiêng liêng ra để buộc Vân xót tình máu mủ thay lời nước non, thì giờ Vân cũng dùng đúng sợi dây máu chảy ruột mềm ấy buộc lại chị. Không phải vô tình mà Vân đã nói một hơi dài đến thế. Trong suốt truyện, khi gia đình còn đang êm vui, rồi khi gặp nạn, cho đến lúc này, Thúy Vân chưa bao giờ nói nhiều, nói dõng dạc đến như vậy. Dường như cô nói để chút vơi bớt bao oan ức chất chứa trong lòng.

Dường như cô muốn hỏi,

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Thúy Vân? 

Nguyễn Nguyệt Cầm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.